- Đặt vấn đề
Cạch mạng công nghệ 4.0 làm cho toàn bộ nền kinh tế và hoạt động xã hội phải chuyển đổi số, trong đó giáo dục phải đi trước một bước. Nguồn nhân lực cho thời đại 4.0 là đa dạng và biến động nhanh, cần có hai năng lực cốt lõi sau đây: 1-Phải có năng lực số để thích ứng và liên tục cập nhật thông tin và tri thức, 2-Phải có năng lực nhận thức (tiếp thu tri thức qua phân tích, đánh giá và sáng tạo) và năng lực tư duy (vận dụng tri thức có tầm nhìn hệ thống, phản biện và sáng tạo). Do đó hoạt động đào tạo đại học phải nhằm tạo tiềm năng gồm những phẩm chất (tự chủ và trách nhiệm cao) và năng lực (nhận thức, tư duy và trí tuệ cảm xúc vững chắc) để người học tự kiến tạo được phẩm chất và năng lực cho mình, thích ứng và phát triển trong hoạt động nghề nghiệp, phù hợp với sở thích, năng khiếu của mình, trong tình trạng giới hạn nguồn lực của giáo dục đại học nước ta hiện nay.
Như vậy, giáo dục đại học thời 4.0 cần có: 1-học chế phù hợp; 2-chương trình dạy học linh hoạt, mang tính tích hợp cao; 3-hướng dẫn học tập qua nghiệp vụ sư phạm số cập nhật.
Bài này muốn phác thảo một số giải pháp chính để giáo dục đại học đạt được 3 điều cần có trên.
2. Về học chế mở
Thời 4.0 này, với dạy và học trực tuyến đang nâng cao quyền tự chủ và trách nhiệm học tập cho/của người học cao hơn bao giờ hết: đó là tự chủ chọn ngành nghề, chọn trường, chọn học phần, chọn thời gian và địa điểm để học, để đáp ứng ngành nghề mình chọn hoặc được chọn. Vì vậy giáo dục đại học cần có một học chế linh hoạt, mở và cá nhân hóa thích hợp nếu không nói là triệt để.
Để đạt được điều đó, không thể khác đó là Học chế tín chỉ mở: mở trên không gian mạng, mở đầu vào, mở quá trình đào tạo và mở cả đầu ra.
Mở trên không gian mạng có nghĩa là không có giới hạn về thời gian và địa điểm học. Để người học ở vùng miền nào của nước ta (từ miền núi đến hải đảo, từ cực bắc đến cực nam…), tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện của mình đều có thể thu xếp theo học được.
Mở đầu vào có nghĩa là chỉ cần bằng tú tài (bằng tốt nghiệp THPT) để đăng ký đóng phí hợp lý, không cần tuyển chọn (thực hiện quyền công dân theo hiến pháp và pháp luật). Tuy nhiên, nhà trường cần có giải pháp (giáo trình, bài giảng kèm ngân hàng câu hỏi để người học học và tự học) và hệ thống hỗ trợ người học học được (các cố vấn học tập là giảng viên và bạn học).
Mở quá trình đào tạo có nghĩa là người học tự xác định mục tiêu học để chọn học phần môn học hoặc tự chọn chương trình dạy học để học, không có giới hạn thời gian cho việc tích lũy lấy một văn bằng (cứ việc học bao giờ tích lũy đủ các chứng chỉ của toàn bộ các học phần môn học đã qui định để đạt một văn bằng, theo mong muốn của mình hay theo yêu cầu của nhà tuyển dụng); chỉ có giới hạn thời điểm xét cấp văn bằng (hàng năm, định kỳ nhà trường công bố tổ chức xét cấp văn bằng, người học nộp hồ sơ xét cấp).
Mở quá trình đào tạo còn có nghĩa là để tích lũy một học phần người học học ở trường nào cũng được (điều này góp phần giảm tải đầu tư cho cho những học phần môn học mà trường không đủ nguồn lực để đầu tư), bậc học nào cũng được (người học chọn học phần môn học cần cho công việc để học, không giới hạn theo trình độ bậc học. Thí dụ người học đang học theo chương trình cử nhân có thể không chọn học phần nhập môn chuyên ngành X ở bậc cử nhân, mà thay vào đó chọn ngay học phần chuyên ngành X ở bậc thạc sĩ để học, vì đang cần tri chức chuyên sâu về chuyên ngành X để được tuyển chọn; đương nhiên xét tốt nghiệp vẫn chỉ là bằng cử nhân vì chưa hoàn thành toàn bộ các học phần môn học có trong chương trình thạc sĩ. Người học phải nộp một hồ sơ học tập (gồm các kết quả học tập của quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập) của học phần môn học đó để được Hội đồng xét tốt nghiệp của trường (mà mình muốn nhận văn bằng) công nhận là được.
Mở cả đầu ra là tùy theo hồ sơ học tập đạt mức độ tích luỹ (về mặt số lượng và chất lượng tích lũy) theo trình độ nào của trường đã ấn định, thì đạt được văn bằng trình độ đó (không loại trừ người học học chương trình cử nhân 4 năm, sau 5 hay 6 năm tích lũy liên tục có thể đạt bằng thạc sĩ hay tiến sĩ khi họ tích lũy đủ điều kiện qui định).
3. Về chương trình dạy học mở
Chương trình dạy học mở cho một văn bằng được xây dựng theo chuẩn đầu ra (CĐR) của khung trình độ quốc gia để hội nhập và công bố cho người học bao gồm tất cả các học phần theo trình độ bậc học: cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ nếu có.
Các học phần môn học (chỉ là công cụ để dạy cách học, cách kiến tạo kiến thức, kỹ năng mới, học suốt đời) phải tham gia chuyển tải một vài thành phần của CĐR của chương trình dạy học, có nội dung gồm các kiến thức và kỹ năng cốt lõi, tích hợp và cập nhật, do đó hạn chế được sự khác biệt về mặt văn bản giữa các ngành có các học phần môn học trùng nhau, nhưng được chấp nhận có những khía cạnh khác nhau (không có trong văn bản) do các giảng viên khác nhau đảm nhiệm.
Một chương trình dạy học như vậy mới đảm bảo để thực hiện học chế tín chỉ mở như đã nêu ở trên. Tuy nhiên, muốn áp dụng học chế trải nghiệm (có gốc là học chế tín chỉ mở, nhưng hoạt động học là học qua trải nghiệm)thì nội dung các học phần môn học phải được thiết kế tích hợp vào các tiểu luận, bài tập lớn, dự án nhỏ hay ngân hàng câu hỏi bài tập học phần môn học… . Tùy theo đặc điểm của môn học, để hoạt động dạy và học là hoạt động học tập kiến thức kỹ năng qua trải nghiệm (học qua hành).
4. Về sư phạm số
Thời đại 4.0, người học có thể thu thập được thông tin/tri thức (kiến thức, kỹ năng và phẩm chất) từ nhiều nguồn khác nhau. Vì vậy, hoạt động dạy học chỉ mang chức năng hướng dẫn học: 1-hướng dẫn thu thập/truy tìm thông tin (qua công nghệ và học hỏi), 2-hướng dẫn xử lý/chọn lọc thông tin (qua định tính và định lượng), 3-hướng dẫn sử dụng/vận dụng thông tin (để ra quyết định hoặc giải quyết vấn đề đúng đắn, sáng tạo).
Như vậy sư phạm số sẽ có nhiều điểm mới đòi hỏi người hướng dẫn (giảng viên) phải được cập nhật: 1-năng lực công nghệ thông tin truyền thông, 2-năng lực hướng dẫn học và hành qua công nghệ, 3-năng lực truyền kỹ năng mềm (năng lực nhận thức/tư duy bậc cao và trí tuệ cảm xúc…) đến người học, 4-năng lực đánh giá thành quả học tập qua mạng một cách chính xác và khách quan…. Đây sẽ là những thách thức/những tiêu chí tuyển chọn và đào tạo đối với giảng viên đại học hiện tại và tương lai.
5. Điều kiện cần và đủ để thực hiện điều 3 cần có nêu trên
– Những điều kiện cần và đủ đã có:
Quyền tự chủ và trách nhiệm đã được ban hành trong Luật giáo dục đại học 2019, vì vậy các trường có thể triển khai 3 điều cần có nêu trên từng bước, vừa làm vừa điều chỉnh tiến đến hoàn thiện dần đần, tùy theo điều kiện và nguồn lực của trường.
Đảm bảo và kiểm định chất lượng cũng đã được ban hành trong luật giáo dục đại học 2019. Tuy nhiên, trường phải tập trung làm đảm bảo chất lượng bên trong 3 điều cần có nêu trên, sao cho chất lượng các điều đó càng cao càng tốt. Để làm tốt đảm bảo chất lượng bên trong, trường nên xây dựng các tiêu chuẩn và tiêu chí chất lượng (theo nguồn lực hiện có) cho 3 điều cần có đó, rồi dùng nó để xây dựng kế hoạch chiến lược thực hiện và triển khai tự đánh giá theo các tiêu chuẩn, tiêu chí đã xây dựng được để liên tục có “kế hoạch hành động” cải tiến và hoàn thiện 3 điều cần có đó.
– Những điều kiện cần và đủ chưa có:
Điều kiện cần và đủ chưa có đầu tiên là phải tích cực/triệt để chuyển đổi số toàn diện các hoạt động của nhà trường, khi đó mới đảm bảo thực hiện được 3 điều cần có nêu trên. Cụ thể là phải chuyển từ hiện trạng số hóa sang chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đại học. Trong đó bên cạnh trang bị các thiết bị số, còn cần trang bị các phần mềm dạy học, chú trọng áp dụng đầy đủ và hiện đại hệ thống quản lý đào tạo/học tập (LMS) và hệ thống quản lý hồ sơ dạy và học tập điện tử (eportfolio bằng Blockchain).
Điều kiện cần và đủ thứ hai là phải triển khai đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ quản lý và giảng viên về khoa học giáo dục đại học hiện đại (học chế đào tạo, phát triển chương trình, sư phạm số, năng lực số hóa và chuyển đổi số đáp ứng thời 4.0).
Điều kiện cần và đủ chưa có thứ ba là cần kiên quyết “chuyển đổi số” những cán bộ quản lý và giảng viên không đáp ứng ngoài các tiêu chí nêu ở phần 4 còn có thêm 2 tiêu chí nữa là: 5-Có Năng lực quản lý tự chủ và trách nhiệm, 6-Có tiềm năng phát triển đáp ứng công việc được giao. Có như vậy trường mới có nguồn nhân lực thực hiện tốt và đầy đủ 3 điều cần có nêu trên.
– Giá trị của 3 điều cần có nêu trên:
Một khi có 3 điều mở nêu trên để đào tạo đại học (tức là chỉ có đăng ký học) thì điều đó sẽ mang lại cho nhà trường 4 loại Giá trị chính dưới đây:
1-Giá trị lớn nhất mang lại cho các trường đại học là nâng cao chất lượng đào tạo, vì các trường có quyền đòi hỏi chất lượng qua những lần kiểm tra đánh giá tích lũy tín chỉ (thi bao giờ đạt theo chuẩn đầu ra học phần môn học đã công bố mới được chấp nhận – nghĩa là không giới hạn lần thi).
2-Giá trị thứ hai do có 3 điều mở nêu trên mà có động cơ để từng trường phải nâng cao chất lượng mọi mặt nhằm thu hút người học; nếu chất lượng kém dù chỉ 1 trong 3 điều trên, thì đẫn đến không cạnh tranh được đầu vào (tức là nguồn lực để đào tạo/để tồn tại).
3-Giá trị thứ ba sẽ đến không kém phần quan trọng là nhà trường có khả năng liên tục giúp người học đã tốt nghiệp có thể vừa làm vừa tiếp nhận được các thông tin/tri thức nghề nghiệp cập nhật, giúp cho họ làm các công việc đang đảm nhiệm tốt hơn và từng bước tích lũy được trình độ cao hơn, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng.
4-Giá trị thứ tư là sẽ có nhiều sinh viên nước ngoài theo học nhờ có 3 điều trên vì chuyển đổi số thời nay về cơ bản đã đảm bảo được các công nghệ dịch thuật chuẩn cho bất kỳ thứ ngôn ngữ nào.
Với 4 Giá trị nêu trên, giáo dục đại học của chúng ta sẽ ngang tầm khu vực và quốc tế, từng bước vươn lên hàng đầu trong nhiều lĩnh vực của giáo dục đại học./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
Hansen, M. (2021). The U.S. Education System Isn’t Giving Students What Employers Need. Từ https://hbr.org/search?term=michael%20hansen
Karbhari, V.M. (2021). Reskilling,Upskilling and Establishing a Continuum of Education at Universities. Từ https://www.fierceeducation.com/administration/reskilling-upskillig-and-establishing-a-continuum-education-at-universities
Luật giáo dục đại học (1/7/2019).
Ngọc, L.Đ. (2019-2021). Một số bài giảng nghiệp vụ sư phạm đại học cho các GVI và GVII tại một số trường đại học
Theo Lê Đức Ngọc. (2021), Sách chuyên khảo “Đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học: Lý luận và thực tiễn”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.