- Giới thiệu
Từ ngày 25 – 27/9/2015, Hội nghị thượng đỉnh Phát triển bền vững của LHQ đã diễn ra tại trụ sở chính của LHQ ở New York (Mỹ), với sự tham dự của 193 quốc gia thành viên. Vào ngày khai mạc (25/9/2015) các đại biểu đã chính thức thông qua Chương trình nghị sự phát triển bền vững toàn cầu gồm 17 MTPTBV đến năm 2030 (United Nations, 2015) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2016. Đây là các mục tiêu được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên LHQ. 17 MTPTBV là sự tiếp nối của 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (Millennium Development Goals – MDGs) đã được thực hiện trong giai đoạn 2000 – 2015. Dựa trên 17 MTPTBV này, mỗi quốc gia thành viên của LHQ đều xây dựng các mục tiêu cụ thể và kế hoạch triển khai riêng phù hợp với đặc điểm của mỗi quốc gia.
Trong số 17 MTPTBV nói trên, vai trò của ngành Giáo dục nói chung và GDĐH nói riêng được thể hiện chính ở Mục tiêu 4 (Giáo dục có chất lượng), là mục tiêu nâng cao so với yêu cầu “Phổ cập giáo dục tiểu học” trong số 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Bên cạnh Mục tiêu 4, GDĐH còn đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai thực hiện ở tất cả các mục tiêu khác, vì vậy rất cần có sự tăng cường nhận thức về 17 MTPTBV trong các cơ sở GDĐH để từ đó có các chủ trương và hành động góp phần thực hiện 17 MTPTBV trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác, phục vụ cộng đồng.
2. Khái quát về 17 Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ
17 MTPTBV của LHQ bao phủ gần như tất cả các vấn đề mà thế giới hiện đang quan tâm nhằm tiến đến chấm dứt đói nghèo, bảo vệ trái đất và giúp tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng. Mỗi MTPTBV được LHQ xây dựng một số mục tiêu cụ thể và chỉ tiêu (target), bao gồm tổng cộng 169 mục tiêu cụ thể với 232 chỉ tiêu, để từ đó mỗi quốc gia có thể vận dụng vào bối cảnh của mình (có thể tra cứu các mục tiêu cụ thể và chỉ tiêu tại: https://www.un.org/sustainabledevelopment/ hoặc United Nations, 2015).
17 MTPTBV được xây dựng dựa trên 06 chủ đề: nhân phẩm, con người, hành tinh, quan hệ đối tác, công lý và thịnh vượng. Nhiều mục tiêu đòi hỏi sự hợp tác, hỗ trợ giữa các quốc gia để có thể thực hiện thành công (nhất là các mục tiêu từ 13 đến 17); và sự thành công ở một mục tiêu có thể góp phần hỗ trợ cho việc đạt được các mục tiêu khác. Bảng 2.1 cung cấp nội dung của 17 MTPTBV, theo bản dịch của Văn phòng LHQ tại Việt Nam (xem tại: https://vietnam.un.org/vi/sdgs/17)
Bảng 2.1. 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc
STT | Mục tiêu | Nội dung |
1 | Xóa nghèo | Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở tất cả mọi nơi. |
2 | Không còn nạn đói | Kết thúc tình trạng đói, đạt được an toàn thực phẩm, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. |
3 | Sức khỏe và có cuộc sống tốt | Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và thúc đẩy hạnh phúc cho mọi lứa tuổi. |
4 | Giáo dục có chất lượng | Đảm bảo Giáo dục có chất lượng, bao trùm và công bằng, đồng thời thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người. |
5 | Bình đẳng giới | Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái. |
6 | Nước sạch và vệ sinh | Đảm bảo quyền được có nước sạch và vệ sinh môi trường cho tất cả mọi người. |
7 | Năng lượng sạch với giá thành hợp lý | Đảm bảo quyền tiếp cận năng lượng với giá phải chăng, đáng tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người. |
8 | Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế | Khuyến khích tăng trưởng kinh tế bền vững, bao trùm, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt, thỏa đáng cho tất cả mọi người. |
9 | Công nghiệp, sáng tạo và phát triển hạ tầng | Làm cho các thành phố và khu định cư của con người dành cho tất cả, an toàn, có khả năng chống chịu và bền vững. |
10 | Giảm bất bình đẳng | Giảm bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia. |
11 | Các thành phố và cộng đồng bền vững | Làm cho các thành phố và khu định cư của con người dành cho tất cả, an toàn, có khả năng chống chịu và bền vững. |
12 | Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm | Đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. |
13 | Hành động về khí hậu | Hãy hành động khẩn cấp để chống biến đổi khí hậu và các tác động của nó. |
14 | Tài nguyên và môi trường biển | Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững. |
15 | Tài nguyên và môi trường trên đất liền | Bảo vệ, khôi phục và thúc đẩy sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn, quản lý rừng bền vững, chống sa mạc hóa, ngăn chặn và đảo ngược suy thoái đất và ngăn chặn mất đa dạng sinh học. |
16 | Hòa bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ | Thúc đẩy các xã hội hòa bình và hòa nhập để phát triển bền vững, cung cấp quyền tiếp cận công lý cho tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và bao trùm ở tất cả các cấp. |
17 | Quan hệ đối tác vì các mục tiêu | Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững. |
3. Sự tham gia của Việt Nam đối với 17 MTPTBV của LHQ
Tiếp nối sự tham gia vào 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ thuộc giai đoạn 2000 – 2015, với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP), Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch Hành động Quốc gia hướng tới 17 MTPTBV. Kế hoạch này được sử dụng để phát triển các MTPTBV của Việt Nam (Vietnam’s Sustainable Development Goals – VSDGs). Kế hoạch cùng các VSDGs đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 622/QĐ-TTg (Thủ tướng Chính phủ, 2017), và cũng có 17 mục tiêu chung, với 115 mục tiêu cụ thể (có thể tra cứu tại: https://vietnam.opendevelopmentmekong.net/vi/topics/sustainable-development-goals/).
Tháng 4/2018, Chính phủ Việt Nam kiện toàn Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam được giao làm Chủ tịch Hội đồng, các Phó Chủ tịch gồm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Phó Chủ tịch thường trực); Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Văn phòng Chính phủ, 2018).
Mỗi MTPTBV được Chính phủ Việt Nam xây dựng một số chỉ tiêu, giải pháp và phân công thực hiện (ban hành kèm theo QĐ622/QĐ-TTg nói trên). Trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch thực hiện MTPTBV đến năm 2025, định hướng 2030 (Bộ GD&ĐT, 2017).
Ngày 04/01/2021, Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh đã có phiên họp để đánh giá tiến độ sau 05 năm thực hiện các MTPTBV và khả năng hoàn thành của Việt Nam đến năm 2030. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững sẽ khó khăn hơn, nhưng Hội đồng thống nhất không điều chỉnh và phấn đấu đạt được các mục tiêu đã đề ra (Đình Nam, 2021).
4. Vai trò của GDĐH và tác động từ 17 MTPTBV của LHQ
Vai trò của GDĐH đối với việc quảng bá và tham gia thực hiện 17 MTPTBV đã được phân tích trên nhiều trang web và bài báo khoa học. Đơn cử trước hết là sự khẳng định bởi UNESCO (n.d.) về tầm quan trọng của GDĐH đối với một số mục tiêu cụ thể, đặc biệt đối với Mục tiêu 4 (Giáo dục có chất lượng); phân tích của Ivison (2020) về những lý do mà GDĐH cần tham gia và đóng vai trò tích cực trong việc triển khai nhiều MTPTBV cùng những lợi ích thu nhận được, và khái quát của Chankseliani và McCowan (2021) về những đóng góp đã và đang diễn ra bởi các hệ thống GDĐH trên thế giới đối với 17 MTPTBV và tiềm năng trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực vượt qua đại dịch Covid-19 hiện nay. Các phân tích về lợi ích, vai trò và những lý do GDĐH cần tham gia đối với 17 MTPTBV được tác giả tổng hợp như sau:
– 17 MTPTBV có thể góp phần định hướng cho các hoạt động khoa học – công nghệ và giáo dục – đào tạo ở các cơ sở GDĐH vào những vấn đề đương đại của toàn cầu.
-17 MTPTBV cung cấp một “ngôn ngữ toàn cầu” (global language) cho các hoạt động chính trị và cải cách xã hội. Với vai trò là các trung tâm chia sẻ và sáng tạo tri thức, các cơ sở GDĐH có thể và cần thiết phải tham gia, đóng góp vào các hoạt động này.
-Xã hội đang trông đợi các cơ sở GDĐH (nhất là các trường mạnh về nghiên cứu khoa học) chứng tỏ khả năng đóng góp để giải quyết các vấn đề cấp bách thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo.
-Giới nghiên cứu ở các cơ sở GDĐH được kỳ vọng là nguồn cung cấp các tham vấn và giải pháp cho chính phủ, doanh nghiệp; giúp các cơ quan truyền thông giải thích các sự kiện phức tạp; tham gia vào các vấn đề khoa học, kinh tế, xã hội, văn hóa đương đại.
-17 MTPTBV là các mục tiêu ưu tiên đầu tư đối với các hoạt động Nghiên cứu & Phát triển (R&D) từ các nguồn quỹ toàn cầu, khu vực và ở mỗi quốc gia, từ các dự án hợp tác quốc tế. Các cơ sở GDĐH tích cực tham gia thực hiện 17 MTPTBV sẽ có thêm nhiều cơ hội để được đầu tư từ các quỹ này.
-Thế giới đang đối mặt với các loại dịch bệnh mang tính toàn cầu, như Covid-19, nên đòi hỏi phải có sự hợp tác xuyên quốc gia trong việc ngăn chặn dịch, tìm kiếm các loại thuốc và vắc-xin hiệu quả cũng như giải quyết các hậu quả của dịch bệnh ở các lĩnh vực của xã hội. Các cơ sở GDĐH có thể là các hình mẫu cho các nỗ lực hợp tác như vậy.
-17 MTPTBV giúp thiết lập và phát triển Văn hóa hợp tác giữa các cơ sở GDĐH, chính phủ, doanh nghiệp và công chúng để giải quyết các vấn đề chung, nhằm mang lại lợi ích lâu dài cho mỗi quốc gia và cho toàn cầu.
5. Các lĩnh vực GDĐH có thể đóng góp vào 17 MTPTBV
Dựa vào tính đặc thù về chuyên môn đào tạo và nghiên cứu, khả năng của nguồn lực và bối cảnh của quốc gia, mỗi cơ sở GDĐH có thể có những đóng góp khác nhau đối với 17 MTPTBV. Để hỗ trợ các cơ sở GDĐH trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương dễ dàng tìm hiểu và xây dựng kế hoạch thực hiện 17 MTPTBV, tổ chức Sustainable Development Solutions Network (SDSN) – Australia/Pacific (thuộc LHQ, với trang chủ: https://ap-unsdsn.org/) đã xây dựng và phổ biến tài liệu “Getting started with the SDGs in universities – A guide for universities, higher education institutions, and the academic sector” (SDSN, n.d.). Dựa trên tài liệu này và yêu cầu của các MTPTBV, tác giả đề xuất một số hoạt động cốt lõi trong các lĩnh vực then chốt của mỗi cơ sở GDĐH như sau:
5.1 Lĩnh vực Giáo dục – đào tạo
Liên quan trực tiếp đến Mục tiêu 4: Chất lượng giáo dục (Đảm bảo giáo dục chất lượng, rộng mở, công bằng và nâng cao cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người), với các hoạt động sau:
- Lồng ghép (có chọn lọc) các MTPTBV vào mục tiêu và chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo.
- Xây dựng các môn học hoặc lồng ghép các hoạt động liên quan đến các MTPTBV trong các chương trình đào tạo (chính khóa lẫn ngoại khóa).
- Nâng cao nhận thức, thái độ của người học về yêu cầu phát triển bền vững đối với các hoạt động kinh tế, xã hội, công nghệ (thông qua các môn học hoặc các hoạt động giáo dục ngoại khóa).
- Gia tăng cơ hội học tập đại học đối với các học sinh thuộc diện khó khăn (thông qua chính sách tuyển sinh hoặc các hoạt động bồi dưỡng kiến thức).
5.2 Lĩnh vực Nghiên cứu khoa học
Có khá nhiều MTPTBV có thể trở thành các định hướng trong nghiên cứu khoa học như 2, 3, 7, 9, 12, 14, 17 với các hoạt động sau:
- Ưu tiên hỗ trợ các nghiên cứu khoa học liên quan đến các MTPTBV (thông qua tiêu chí xét duyệt, chính sách phân bổ kinh phí).
- Xây dựng các nhóm nghiên cứu khoa học liên ngành phù hợp với các MTPTBV.
- Hợp tác với doanh nghiệp và địa phương để nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, tư vấn chính sách.
- Mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu khoa học theo các MTPTBV.
5.3 Lĩnh vực Hợp tác và phục vụ cộng đồng
Liên quan trực tiếp đến Mục tiêu 17: Hợp tác để hiện thực hóa các mục tiêu (Đẩy mạnh cách thức thực hiện và đem lại sức sống mới cho quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển bền vững) với các hoạt động sau:
- Mở rộng hợp tác với tất cả các bên liên quan trong và ngoài nước nhằm đạt được các MTPTBV thông qua các chương trình, dự án.
- Nâng cao vị thế và năng lực tham gia của nhà trường đối với các vấn đề của xã hội (thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách, phổ biến kiến thức).
- Chia sẻ tri thức, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tại các địa phương, doanh nghiệp.
- Tham gia, hỗ trợ kế hoạch hành động của quốc gia hướng tới 17 MTPTBV.
5.4 Lĩnh vực Quản trị và điều hành
Mỗi cơ sở GDĐH có thể xem là một xã hội thu nhỏ và nên được xem là hình mẫu hướng đến các MTPTBV, vì vậy cần quan tâm đến một số mục tiêu liên quan trong việc quản trị, điều hành như 3, 4, 5, 6, 12, 13, 15; với các hoạt động sau:
- Xây dựng và triển khai có hiệu quả các chính sách về bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống, tiết kiệm tài nguyên (điện, nước), bình đẳng giới trong học tập và sinh hoạt.
- Đáp ứng kịp thời các dịch vụ học tập, y tế, sức khỏe, … trong phạm vi nhà trường.
- Cung cấp nước sạch cho mọi người; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà trường.
- Phục vụ tốt nhu cầu của các đối tượng thiệt thòi về thể chất.
- Xếp hạng cơ sở GDĐH theo 17 MTPTBV
6.1 Giới thiệu tổ chức xếp hạng THE
Từ năm 2004, Times Higher Education (THE, với trang chủ: https://www.timeshighereducation.com/) đã bắt đầu cung cấp dữ liệu hoạt động đáng tin cậy về các trường đại học trên thế giới cho người học và gia đình, giới hàn lâm, chính phủ,… Đến năm 2019, THE World University Rankings đã cung cấp dữ liệu xếp hạng của hơn 1.250 trường đại học ở 86 quốc gia. THE cũng cung cấp bảng xếp hạng đại học theo vùng và theo chủ đề, chẳng hạn THE Asia University Rankings, THE Latin America University Rankings, THE Young University Rankings. Ngoài ra, còn có THE World University Rankings by subject (Xếp hạng THE theo ngành học), bao gồm: Engineering; Computer science; Business and Economics; Life sciences; Clinical and Health; Psychology; Law; Education; Physical science; Social science; Arts and Humanities (11 ngành).
Nhằm thúc đẩy các cơ sở GDĐH tham gia thực hiện các MTPTBV, năm 2019 THE Impact Rankings được triển khai để xếp hạng các cơ sở GDĐH theo 11 trong số 17 MTPTBV. Từ năm 2020, THE Impact Rankings được triển khai để xếp hạng các cơ sở GDĐH theo tất cả 17 MTPTBV. Xếp thứ nhất trong bảng Impact Rankings của hai năm 2019, 2020 là Đại học Auckland của New Zealand (University of Auckland, n.d.). Về phía Việt Nam, trong năm 2019 mới chỉ có trường Đại học Tôn Đức Thắng được xếp trong nhóm 101 – 200, năm 2020 có thêm trường Đại học Bách khoa Hà Nội cùng nằm trong nhóm 301 – 400, năm 2021 có tất cả 04 trường đại học nằm trong Top 1000 (Nghiêm Huê, 2021). Tháng 4/2021, THE đã phát hành một tài liệu hướng dẫn chi tiết để hướng dẫn các cơ sở GDĐH tham gia bảng xếp hạng này (THE, 2021). Điều kiện để các cơ sở GDĐH có thể tham gia THE Impact Rankings (được thông báo trên trang chủ của THE):
- Có đào tạo trình độ đại học.
- Đã được kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục bởi 01 tổ chức kiểm định chất lượng được công nhận (trong hoặc ngoài nước).
Các cơ sở GDĐH được tham gia xếp hạng miễn phí, được báo cáo thông tin thực hiện hằng năm theo phương thức trực tuyến. Địa chỉ email để các cơ sở GDĐH có thể liên hệ đăng ký, tìm hiểu thêm về THE Impact Rankings: impact@timeshighereducation.com.
6.2 Phương pháp xếp hạng tác động xã hội theo 17 MTPTBV của THE
THEImpact Rankings đánh giá và xếp hạng mức độ tác động xã hội của các cơ sở GDĐH trên thế giới dựa trên kết quả đạt được đối với 17 MTPTBV thông qua 04 mặt: nghiên cứu khoa học (Research), Kết nối với bên ngoài (Outreach), Phục vụ cộng đồng (Stewardship) và Hoạt động giảng dạy (Teaching) (THE, 2021).
Để tham gia xếp hạng chung (overall ranking), cơ sở GDĐH cần cung cấp dữ liệu thực hiện Mục tiêu 17 và của tối thiểu 03 mục tiêu khác. Bên cạnh bảng xếp hạng chung, THE (2021) còn cung cấp xếp hạng của các cơ sở GDĐH đối với mỗi MTPTBV. Điểm xếp hạng chung của một cơ sở GDĐH được xác định dựa trên điểm chấm (bởi THE) của Mục tiêu 17 (chiếm 22%) và của 03 mục tiêu có kết quả tốt nhất (3 x 26%). Cách tính này thể hiện sự tôn trọng tính khác biệt của các cơ sở GDĐH về thế mạnh trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng (THE, 2021).Cũng theo THE (2021), cách chấm điểm đối với 01 MTPTBV dựa vào 02 phép đo:
- Phép đo nghiên cứu khoa học (research metrics): đánh giá kết quả công bố khoa học của cơ sở GDĐH liên quan đến mục tiêu, dựa vào dữ liệu được cung cấp bởi Elsevier trong 05 năm gần nhất (trọng số 27%). THE không đưa ra yêu cầu tối thiểu về hoạt động và sản phẩm nghiên cứu khoa học để tham gia xếp hạng này.
- Phép đo minh chứng(Evidence metrics): đánh giá tính tin cậy và phù hợp của các thông tin được cung cấp đối với các chỉ thị (indicators) của mỗi mục tiêu (trọng số 73%). THE (2019, 2021) đánh giá cao các thông tin đã được cơ sở GDĐH công khai trên trang web của mình và các tài liệu mà cơ sở GDĐH đã công bố rộng rãi như sách, tạp chí, báo cáo khoa học, …
6.3 Lập kế hoạch tham gia thực hiện 17 MTPTBV và xếp hạng theo THE Impact Rankings
Do THEImpact Rankings tổ chức xếp hạng cơ sở GDĐH dựa trên kết quả thực hiện một số MTPTBV phù hợp với cơ sở giáo dục nên trước hết mỗi cơ sở GDĐH cần tìm hiểu kỹ 17 MTPTBV để từ đó chọn ra một số MTPTBV phù hợp nhất với mình, trong đó đặc biệt quan tâm đến các mục tiêu phù hợp với sứ mạng, tầm nhìn, các đặc trưng của ngành nghề đào tạo và thế mạnh trong hoạt động nghiên cứu khoa học (ví dụ trong năm 2021: Đại học Quốc gia Hà Nội, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, trường Đại học Tôn Đức Thắng, trường Đại học Phenikaa đã chọn số mục tiêu để triển khai lần lượt là 7, 10, 11, 12), từ đó lập kế hoạch triển khai. Năm bước tiếp cận và triển khai sau đây (không tính Bước chuẩn bị do tác giả đề nghị nhằm mục đích hoàn thiện công tác tổ chức ban đầu) được đề xuất bởi Sustainable Development Solutions Network – Australia/Pacific dành cho các cơ sở GDĐH (SDSN, n.d.). Theo khuyến nghị của tổ chức này, cơ sở GDĐH nên bắt đầu gửi hồ sơ tham gia THEImpact Rankings ngay sau khi triển khai xong Bước 1.
Bước chuẩn bị:
- Thành lập một nhóm chuyên trách (Tổ/Ban) chịu trách nhiệm chính về tìm hiểu, lập kế hoạch và tổ chức triển khai theo 17 MTPTBV và hoạt động Xếp hạng liên quan của THE.
- Nhóm chuyên trách nên được lãnh đạo bởi một thành viên của Ban giám hiệu, với sự tham gia của tất cả các đơn vị liên quan.
- Trong lần tham gia đầu tiên, nên xây dựng một Đề án riêng cho hoạt động này để tạo thuận lợi cho việc tập hợp và đầu tư các nguồn lực.
Bước 1: Tìm hiểu và nhận diện các hoạt động của nhà trường theo 17 MTPTBV
- Truyền thông, tập huấn để tìm hiểu kỹ 17 MTPTBV.
- Nhận diện các bên liên quan (trong và ngoài nhà trường) có thể cùng tham gia.
- Nhận diện các hoạt động đã và đang triển khai trên tất cả các lĩnh vực theo 17 MTPTBV.
- Nhận diện các điểm mạnh và hạn chế, cơ hội và thách thức (phân tích SWOT) theo 17 MTPTBV.
- Chọn ra khoảng 10 MTPTBV cốt lõi phù hợp nhất với sứ mạng và năng lực của nhà trường. Có thể ưu tiên chọn trong số 11 mục tiêu mà THE đã dùng để xếp hạng trong năm 2019 (3, 4, 5, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 16, 17).
Bước 2: Kết nối các nguồn lực tham gia triển khai 17 MTPTBV
- Thảo luận cùng các bên liên quan về các MTPTBV cốt lõi để chia sẻ thông tin, sự quan tâm từ mỗi bên.
- Xác định vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan.
- Xác định các nguồn lực các bên liên quan có thể đóng góp.
Bước 3: Xây dựng kế hoạch và lộ trình hành động theo 17 MTPTBV
- Xác định các chiến lược chung, các mục tiêu ưu tiên và kế hoạch triển khai theo từng giai đoạn đối với các MTPTBV cốt lõi.
- Xác định các bên liên quan, các đơn vị và cá nhân chịu trách nhiệm triển khai.
- Xây dựng các chính sách hỗ trợ việc triển khai thực hiện.
Bước 4: Tích hợp, triển khai kế hoạch hành động theo 17 MTPTBV
- Tích hợp kế hoạch hành động của các MTPTBV cốt lõi vào kế hoạch hằng năm của nhà trường, đơn vị.
- Tích hợp nhiều MTPTBV trong mỗi hoạt động của nhà trường, đơn vị.
- Thiết lập hệ thống điều phối, hỗ trợ việc thực hiện kế hoạch.
Bước 5: Giám sát, đánh giá và truyền thông về kết quả triển khai theo 17 MTPTBV
- Thiết lập hệ thống giám sát việc thực hiện kế hoạch.
- Định kỳ tổ chức đánh giá việc thực hiện kế hoạch.
- Định kỳ truyền thông kết quả thực hiện đến các bên liên quan.
7. Kết luận
17 MTPTBV của LHQ bao trùm gần như tất cả những vấn đề cần thiết nhằm hướng đến chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo cho tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030. Để có thể thực hiện đầy đủ các mục tiêu này, vai trò của giáo dục nói chung và GDĐH nói riêng là rất quan trọng, vì vậy mỗi cơ sở GDĐH cần tổ chức tìm hiểu kỹ, lựa chọn các mục tiêu phù hợp nhất để từ đó xây dựng kế hoạch hành động. Việc tham gia của các cơ sở GDĐH Việt Nam vào THEImpact Rankings không phải chỉ vì mục đích chính (hoặc duy nhất) là được xếp hạng trong một bảng xếp hạng có uy tín của thế giới, mà nên xem đây là một động lực quan trọng để giúp các cơ sở GDĐH nhận thức đầy đủ và thể hiện được vai trò của GDĐH đối với việc thực hiện 17 MTPTBV trong bối cảnh của mỗi quốc gia, từ đó nhận được những lợi ích từ quá trình và kết quả tham gia thực hiện các MTPTBV này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ GD&ĐT (2017). Kế hoạch thực hiện mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục và đào tạo đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (Ban hành kèm theo Quyết định số 2161/QĐ-BGDĐT ngày 26/6/2017).
Chankseliani, M. & McCowan, T. (2021). Higher education and the Sustainable Development Goals. Higher Education (2021) 81:1–8. https://doi.org/10.1007/s10734-020-00652-w
Ivison, D. (2020). Why should universities pay attention to the SDGs? Available at: https://www.sydney.edu.au/news-opinion/news/2020/06/19/why-should-universities-pay-attention-to-the-sdgs.html
SDSN (n.d.). Getting started with the SDGs in universities – A guide for universities, higher education institutions, and the academic sector. Available at: https://ap-unsdsn.org/wp-content/uploads/University-SDG-Guide_web.pdf
THE (2021). Impact Rankings Methodology 2021,Version 1.3. Available at: https://www.timeshighereducation.com/sites/default/files/breaking_news_files/the_impactrankings_methodology_2021_v1.3_final.pdf
Thủ tướng Chính phủ (2017). Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 v/v Ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
United Nations (2015). Transforming Our World: The 2030 Agenda for Sustainable Development. Available at: https://sustainabledevelopment.un.org/content/documents/21252030%20Agenda%20for%20Sustainable%20Development%20web.pdf
Văn phòng Chính phủ (2018). Kiện toàn Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh. Xem tại: http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Kien-toan-Hoi-dong-Quoc-gia-ve-Phat-trien-ben-vung-va-Nang-cao-nang-luc-canh-tranh/20184/23833.vgp
Theo Lê Văn Hảo. (2021), Sách chuyên khảo “Đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học: Lý luận và thực tiễn”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.