Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong – kinh nghiệm thực tiễn của Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội

1. Đặt vấn đề

Đảm bảo chất lượng (ĐBCL) trong giáo dục đại học (GDĐH) là quá trình liên tục, có hệ thống, cấu trúc trong việc duy trì, cải tiến nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Hệ thống ĐBCL bao gồm 02 thành tố: ĐBCL bên trong (IQA) và ĐBCL bên ngoài. Nếu ĐBCL bên ngoài chủ yếu đề cập đến hệ thống ĐBCL được vận hành bởi các tổ chức ở bên ngoài như các tổ chức chính phủ hoặc các tổ chức kiểm định (APQN; AUN-QA; INQAAHE; ENQA;…), thì IQA đề cập đến hệ thống ĐBCL được thiết lập và vận hành bởi chính các CSGDĐH, nói cách khác CSGDĐH sẽ đóng vai trò chính trong hệ thống IQA.

Nhìn lại lịch sử phát triển của hệ thống IQA trên thế giới, có thể thấy những ý tưởng đầu tiên về IQA xuất phát từ việc công nhận ĐBCL các CSGDĐH được giới thiệu vào những năm 1989 tại Châu Âu. Đến năm 1997, hệ thống IQA tại các CSGDĐH ở Châu Âu đã được thiết lập rộng rãi. Tại Việt Nam, do yêu cầu phát triển của xã hội, hàng loạt CSGDĐH được hình thành với sự đa dạng về loại hình trường (công lập, ngoài công lập) và phương thức tổ chức đào tạo (đào tạo theo truyền thống, đào tạo văn bằng 2, vừa làm vừa học, từ xa, trực tuyến, hay các CTĐT liên kết với nước ngoài). Sự phát triển của các CSGDĐH và các hình thức đào tạo với quy mô lớn và ồ ạt dẫn tới sự khó kiểm soát chất lượng đào tạo. Vì vậy, việc phát triển hệ thống IQA trong các CSGDĐH trở thành nhu cầu tất yếu trong hệ thống giáo dục Việt Nam, không tách rời khỏi xu hướng của thế giới.

2. Quan điểm và yêu cầu đối với hệ thống IQA của CSGDĐH

Theo nghiên cứu của MI Qureshi và các cộng sự (2014), IQA là một hệ thống phục vụ cho việc lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá việc ĐBCL tại một trường đại học [1].

2.1. Các quan điểm về IQA

Tác giả Aithal (2015) cho rằng, IQA là cơ chế tự kiểm soát của các CSGDĐH, nhằm mục đích liên tục nâng cao chất lượng và đạt được thành tích xuất sắc trong học tập [2].

Nghiên cứu của Martin (2018) đã chỉ ra rằng IQA có liên quan đến các chính sách và cơ chế được thực hiện trong một đơn vị hoặc CTĐT để đảm bảo thực hiện các mục tiêu nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của GDĐH [3].

Theo Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN), IQA là: “tổng thể các hệ thống, nguồn lực và thông tin dành cho việc thiết lập, duy trì và cải thiện chất lượng và tiêu chuẩn của hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Đó là một hệ thống mà dưới sự tác động của nó, các nhà quản lí và nhân viên hài lòng với cơ chế kiểm soát đang hoạt động để duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục đại học” [4].

Hình 2.1. Mô hình hệ thống IQA của AUN

Nguồn: Sổ tay thực hiện các hướng dẫn ĐBCL trong mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á

Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về IQA nhưng nhìn chung có thể hiểu IQA là một hệ thống bao gồm tổng thể tài nguyên, nguồn lực nội bộ của một CSGDĐH từ con người, cơ sở vật chất đến các chính sách ĐBCL nội bộ, hướng đến duy trì và cải tiến chất lượng không ngừng. Xây dựng IQA chính là xây dựng một hệ thống các quy trình từ việc đề ra các mục tiêu, lên phương án thực hiện, giám sát việc thực hiện và sử dụng các kết quả ĐBCL để cải tiến chất lượng liên tục.

2.2. Yêu cầu đối với xây dựng và vận hành hệ thống IQA

Hiện nay không có mô hình IQA nào phù hợp chung cho tất cả các trường mà mỗi trường đại học (ĐH) sẽ tuỳ thuộc vào bối cảnh, điều kiện tại đơn vị mình để xây dựng mô hình IQA phù hợp với đơn vị mình nhất. Tuy nhiên, các mô hình IQA này vẫn cần có các yếu tố của chu trình PDCA, đó là: lập kế hoạch (Plan), thực hiện kế hoạch (Do), kiểm tra (Check) và hành động (Act). PDCA cũng là chu trình cơ bản phù hợp được áp dụng cho hệ thống IQA hiện nay.

Hình 2.2. Chu trình PDCA

Nguồn: Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo

2.2.1. Yêu cầu về cơ cấu tổ chức và nhân lực

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), CSGDĐH cần xây dựng hệ thống IQA đạt những tiêu chuẩn nhất định về cơ cấu, vai trò, trách nhiệm [5, 6]. Cụ thể đó là:

  • Có hệ thống ĐBCL bên trong bao gồm trung tâm/bộ phận chuyên trách về ĐBCL (phiên chế [NTN1] ít nhất 3 người được đào tạo/bồi dưỡng về đảm bảo/kiểm định chất lượng giáo dục).
  • Có mạng lưới ĐBCL tại các bộ phận/đơn vị trực thuộc của CSGD; có quy định về chức năng nhiệm vụ của trung tâm/bộ phận chuyên trách về ĐBCL và quy định về sự phối hợp ĐBCL nội bộ bên trong CSGD.
  • Cán bộ của trung tâm/bộ phận chuyên trách về ĐBCL, của các đơn vị trong CSGD có văn bằng hoặc chứng chỉ, giấy chứng nhận tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng liên quan đến công tác ĐBCLGD.
  • Có hệ thống văn bản quy định về các hoạt động ĐBCL và các hướng dẫn thực hiện để hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý.

2.2.2. Yêu cầu về năng lực tổ chức vận hành hệ thống IQA

Năng lực tổ chức vận hành hệ thống IQA được thể hiện qua 3 yếu tố: (i) Vai trò của người lãnh đạo; (ii) Các nguồn lực; và (iii) Quá trình tổ chức vận hành hệ thống IQA.

Lãnh đạo trong các CSGDĐH là nhân tố rất quan trọng tác động đến sự thành công của các quá trình ĐBCL. Lãnh đạo cấp cao (Ban Giám hiệu) sẽ có trách nhiệm trong việc định hướng chiến lược phát triển của tổ chức, thiết lập các nguyên tắc về các cơ chế ĐBCL trong đơn vị. Lãnh đạo cấp cao còn có trách nhiệm xây dựng và tạo điều kiện phát triển văn hóa chất lượng tại đơn vị, đảm bảo rằng các cán bộ, giảng viên có thể thực hiện các công việc liên quan đến ĐBCL một cách tốt đẹp dựa trên những giá trị của tổ chức. Tuy nhiên, để vận hành và phát triển hệ thống IQA, không chỉ dừng lại ở lãnh đạo cao cấp, các lãnh đạo cấp thấp hơn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công hệ thống IQA lâu dài. Lãnh đạo cấp cao sẽ có trách nhiệm trong việc dẫn dắt, định hướng, thiết lập các chính sách ban đầu; các cấp lãnh đạo thấp hơn (Trưởng Khoa, Trưởng các phòng ban chức năng) sẽ có trách nhiệm trong việc phát triển hệ thống chất lượng tại đơn vị. Theo Sursock (2010), để quản lý quá trình ĐBCL tại các trường ĐH một cách hiệu quả, các cấp lãnh đạo cần cùng một hướng và “có thể động viên, khích lệ cấp dưới của mình rằng họ là những nhân tố quan trọng góp phần đạt được những định hướng chiến lược của đơn vị ” [7].

Ngoài vai trò của người lãnh đạo, nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực (bao gồm kế hoạch phát triển nguồn nhân lực) cũng đóng vai trò quyết định trong việc thực hiện hệ thống IQA. Quá trình ĐBCL là một quá trình liên tục, hoạt động ĐBCL bên trong là hoạt động cần có kinh phí nên để hệ thống IQA hoạt động hiệu quả thì các đơn vị cần có các nguồn ngân sách cố định và duy trì hàng năm. Đây cũng là một thách thức đối với các CSGDĐH hiện nay, dẫn đến những rào cản trong việc vận hành hệ thống IQA một hiệu quả nhất.

Một yếu tố khác cần đề cập đến đó là quá trình tổ chức và vận hành hệ thống  IQA không thể thiếu sự tham gia của tất cả các cán bộ, giảng viên trong đơn vị. Một hệ thống IQA hiệu quả là một hệ thống có thể cung cấp sự hỗ trợ cho các cán bộ, giảng viên trong việc cải tiến chất lượng, khiến các cán bộ, giảng viên nhìn nhận quá trình ĐBCL là có lợi và hữu ích đối với bản thân trong việc nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, hệ thống IQA cần được thường xuyên rà soát (Check), và cải tiến (Act) để đảm bảo không ngừng nâng cao chất lượng của CSGDĐH.

3. Hệ thống IQA của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên

3.1. Cơ chế quản lý của Trường Đại học Khoa học tự nhiên

Hình 3.1: Cơ chế quản lý của Trường ĐHKHTN

Cơ chế quản lý trong Trường ĐHKHTN luôn được thực hiện theo chu trình PDCA và được mô tả trong Hình 3.1, trong đó:

  • P: Các chính sách, định hướng phát triển đơn vị được lãnh đạo nhà trường đưa ra trên cơ sở nhu cầu của các bên liên quan. Ban Giám hiệu là cấp quản lý cao nhất của Trường, trong đó Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm cao nhất điều hành tổng thể các hoạt động của Trường. Các thành viên Ban Giám hiệu căn cứ theo chức năng và nhiệm vụ được phân công triển khai điều hành xây dựng kế hoạch; chương trình; đề án phát triển Trường theo những mục tiêu đã đề ra;
  • D: Lãnh đạo các cấp thấp hơn đó là Trưởng các đơn vị trực tiếp phổ biến, kết nối các bên liên quan trong việc điều hành thực hiện các mục tiêu chiến lược phù hợp với tầm nhìn, sứ mạng và các giá trị văn hóa cốt lõi của Trường;
  • C: Các kế hoạch và việc điều hành thực hiện các kế hoạch được đánh giá định kỳ hàng năm, giữa nhiệm kỳ, 5 năm và thông qua các kỳ KĐCL;
  • A: Dựa vào quá trình đánh giá kiểm tra định kỳ và qua KĐCL, các điểm yếu, các vấn đề tồn tại trong hệ thống quản lý cũng như chính sách sẽ được cải tiến và hoàn thiện.

Tuy nhiên, PDCA không chỉ là khung lý thuyết cho tổng thể hệ thống IQA của nhà trường mà chu trình PDCA cũng được áp dụng cho từng thành phần trong hệ thống IQA. Vì thế các thành phần trong hệ thống IQA như: “Lãnh đạo, quản lý”, “Kế hoạch hành động, chính sách, hướng dẫn”, “Tổ chức thực hiện”, “Đánh giá” cũng được thực hiện theo quy trình PDCA.

Lãnh đạo, quản lý:

  • P: Lãnh đạo nhà trường điều hành tổng thể các hoạt động của Trường, thiết lập cơ cấu quản lý để đạt được tầm nhìn, sứ mạng, văn hóa và các mục tiêu đã đề ra.
  • D: Lãnh đạo tham gia vào quá trình thông tin và kết nối với các bên liên quan để định hướng tầm nhìn, sứ mạng, văn hóa và các mục tiêu chiến lược của Trường.
  • C: Công tác lãnh đạo và quản lý được đánh giá thường xuyên.
  • A: Dựa vào kết quả đánh giá, công tác lãnh đạo được cải tiến nhằm tăng hiệu quả quản lý .

Kế hoạch hành động, chính sách, hướng dẫn:

  • P: Xây dựng kế hoạch hành động, ban hành các chính sách và hướng dẫn cụ thể.
  • D: Tổ chức thực hiện theo kế hoạch.
  • C: Kiểm tra, rà soát việc thực hiện kế hoạch và việc điều hành thực hiện các kế hoạch.
  • A: Dựa vào kết quả kiểm tra, rà soát, tiến hành các cải tiến cần thiết (nếu có).

Tổ chức thực hiện:

  • P: Xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.
  • D: Thực hiện nhiệm vụ.
  • C: Kiểm tra, rà soát quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ.
  • A: Cải tiến quy trình thực hiện (nếu có).

Đánh giá các kế hoạch và việc điều hành thực hiện các kế hoạch:

  • P: Xây dựng kế hoạch thực hiện đánh giá.
  • D: Tiến hành đánh giá.
  • C: Kiểm tra việc thực hiện đánh giá.
  • A: Cải tiến quy trình đánh giá (nếu có).

3.2. Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên

Trường ĐHKHTN là một trong các trường đại học đầu tiên ở Việt Nam đã xây dựng hệ thống IQA. Hệ thống IQA của Trường được xây dựng và phát triển nhằm hướng đến sự đánh giá, kiểm soát, duy trì và cải thiện liên tục chất lượng của mọi hoạt động trong Trường bao gồm cả hoạt động đào tạo, nghiên cứu và cung ứng dịch vụ, hướng đến đáp ứng tốt nhất mục tiêu chiến lược của Trường và nhu cầu của các bên liên quan. Trong đó tất cả các cá nhân và các đơn vị đều có trách nhiệm trong việc ĐBCL bên trong của Trường. Hoạt động ĐBCL bên trong của Trường được thực hiện theo hướng dẫn của Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á (AUN).

Cơ cấu tổ chức về hoạt động của hệ thống IQA đã được thống nhất từ ĐHQGHN đến Trường ĐHKHTN và đến các đơn vị trực thuộc Trường như trong hình 3.2 dưới đây.

Hình 3.2. Sơ đồ tổ chức hệ thống IQA của Trường ĐHKHTN

Cấu trúc này thể hiện rõ về tổ chức, vai trò và trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân đối với hoạt động ĐBCL bên trong của Trường, trong đó:

  • Lãnh đạo Trường, ở đây là Hiệu trưởng chịu trách nhiệm về các điều kiện ĐBCL của Trường và phân công 01 Phó Hiệu trưởng giúp Hiệu trưởng trực tiếp phụ trách công tác ĐBCL.
  • Đáp ứng yêu cầu về cơ cấu tổ chức và nhân lực như đã trình bày ở Mục 2.2.1, Trường đã thành lập Phòng Thanh tra, Pháp chế và Đảm bảo chất lượng (TTPC&ĐBCL) là đơn vị đầu mối về công tác ĐBCL của Trường, có chức năng tham mưu cho Hiệu trưởng trong công tác ĐBCL bao gồm: (1) Xây dựng định hướng và chính sách đảm bảo chất lượng; xây dựng kế hoạch đảm bảo chất lượng trung hạn và hàng năm; (2) Xây dựng và ban hành các văn bản quản lý thuộc lĩnh vực ĐBCL; và (3) Tổ chức thực hiện công tác ĐBCL trong toàn Trường theo kế hoạch, đánh giá việc triển khai áp dụng hệ thống quản lý ĐBCL theo tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời Phòng TTPC&ĐBCL cũng là đầu mối điều phối hoạt động chung về ĐBCL của Trường như (1) KĐCL và thực hiện nhiệm vụ thường trực Hội đồng KĐCL của Trường; (2) Tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá việc thực hiện nội dung chương trình, quy trình giảng dạy và chất lượng giảng dạy của giảng viên; (3) Xây dựng và tổ chức kiểm tra đánh giá, giám sát quy trình và phương pháp ĐBCL đào tạo, thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của người học; (4) Tư vấn về mặt chuyên môn cho Tổ ĐBCL của các Khoa.
  • Ở các Khoa có Tổ ĐBCL, đứng đầu Tổ ĐBCL ở các Khoa là đại diện Ban lãnh đạo Khoa, thường là Phó Trưởng Khoa phụ trách ĐBCL. Tổ ĐBCL này sẽ phối hợp trực tiếp với Phòng TTPC&ĐBCL trong các công tác liên quan đến ĐBCL của đơn vị. Tổ ĐBCL của Khoa có nhiệm vụ: (1) Triển khai các công tác ĐBCL ở cấp Khoa theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Khoa và sự hướng dẫn của Phòng TTPC&ĐBCL; (2) Giúp Ban lãnh đạo Khoa đề ra các biện pháp thực hiện, theo dõi giám sát các biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo; và (3) Quản lý, lưu trữ hồ sơ tự đánh giá của Khoa, thường xuyên cập nhật các minh chứng theo các tiêu chuẩn KĐCL của CTĐT.

Nhìn chung hoạt động ĐBCL của hệ thống IQA được thực hiện theo quy định và hướng dẫn chung của ĐHQGHN để đảm bảo tính thống nhất trong toàn hệ thống.

3.3. Chính sách ĐBCL của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên

Căn cứ vào Chiến lược ĐBCL giáo dục của ĐHQGHN, Trường xây dựng kế hoạch ĐBCL của Trường và xác định các giải pháp để đảm bảo và tăng cường công tác ĐBCL bao gồm:

– Quy hoạch phát triển đội ngũ cán bộ phù hợp với quy mô đào tạo; Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực để có đội ngũ cán bộ giỏi, xuất sắc về chuyên môn, nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục; Đổi mới mạnh mẽ công tác quản trị đại học; Nâng cao chất lượng tuyển sinh của các bậc học; Điều chỉnh CTĐT theo hướng đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trong nước và tiếp cận với trình độ của các trường đại học tiên tiến trên thế giới; Chủ động thực hiện thành công các chương trình nhiệm vụ chiến lược (CTĐT tài năng, Chất lượng cao (CLC), tiên tiến cũng như các chương trình CLC theo Thông tư 23); Đầu tư trang thiết bị các phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo theo hướng tiệm cận chuẩn mực quốc tế; Từng bước xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, tập trung xây dựng một số trung tâm nghiên cứu xuất sắc trực thuộc trường; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu.

-Tăng cường sự tham gia của các bên liên quan vào quá trình vận hành và phát triển hệ thống IQA nhằm không ngừng cải tiến và nâng cao hiệu quả của hệ thống IQA, từ đó góp phần không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của các bên liên quan và nhu cầu xã hội.

-Xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng tại đơn vị. Đây là một hoạt động trọng tâm với nhiều hình thức như: tổ chức các lớp tập huấn tại Trường có mời chuyên gia về KĐCL và ĐBCL trong và ngoài ĐHQGHN hoặc cử cán bộ tham dự các lớp tập huấn về KĐCL và ĐBCL do Bộ GD&ĐT, ĐHQGHN, AUN-QA và các tổ chức quốc tế khác tổ chức; tổ chức các hội thảo, seminar chia sẻ kinh nghiệm giữa các đơn vị trong công tác ĐBCL và đặc biệt là hoạt động cải tiến chất lượng hậu kiểm định để chia sẻ những thực hành tốt; tổ chức các hoạt động kiểm tra nội bộ nhằm kịp thời phát hiện những vấn đề còn tồn tại và có những giải pháp điều chỉnh, cải tiến phù hợp; công khai các điều kiện ĐBCL để các bên liên quan được biết và cùng theo dõi, giám sát.

– Xây dựng kế hoạch KĐCL các CTĐT, ưu tiên lựa chọn các tổ chức kiểm định quốc tế. Đối với các CTĐT đã được kiểm định, Trường yêu cầu phải báo cáo về tình hình cải tiến chất lượng hậu kiểm định và sử dụng kết quả phản hồi từ các bên liên quan vào các hoạt động cải tiến chất lượng của đơn vị. Các hoạt động cải tiến chất lượng hậu kiểm định có minh chứng rõ ràng và có sự so sánh với giai đoạn trước kiểm định đánh giá.

4. Một số kết quả đạt được

Việc xây dựng và phát triển hệ thống IQA những năm qua đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực đối với sự phát triển của Trường ĐHKHTN. Một số kết quả nổi bật bao gồm:

– Trình độ và năng lực tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động ĐBCL của đơn vị được nâng cao, đáp ứng các yêu cầu đặt ra, xây dựng và quy tụ được đội ngũ chuyên trách làm công tác ĐBCL có nhiều kinh nghiệm. Các cán bộ của Trường được cử tham dự các lớp bồi dưỡng, đào tạo về kiểm định viên KĐCLGD của Bộ GD&ĐT, ĐHQGHN, AUN-QA và một số tổ chức quốc tế khác đã tạo nguồn cán bộ làm nòng cốt, hạt nhân cho công tác ĐBCL tại đơn vị sau này. Nhờ đó công tác tự đánh giá cấp Trường và cấp CTĐT của đơn vị đã đạt nhiều thành tích cao. Tính đến cuối năm 2020, Trường đã có 13/16 CTĐT được KĐCL và công nhận đạt chuẩn chất lượng theo AUN-QA và cuối năm 2021, Trường sẽ tiếp tục KĐCL 03 CTĐT theo tiêu chuẩn AUN-QA. Kết quả này đã vượt so với chỉ tiêu đề ra 30% CTĐT được kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế. Các CTĐT đã được KĐCL của Trường được AUN-QA đánh giá cao, cụ thể 7/13 CTĐT (hơn 50%) được đánh giá ở mức 4.9-5.0/7.0 hoặc “Better than Adequate”. Đặc biệt, Trường ĐHKHTN là trường ĐH đầu tiên trong khu vực đăng ký KĐCL và được AUN-QA công nhận đạt chuẩn cấp cơ sở đào tạo vào năm 2017. Bên cạnh đó, Trường ĐHKHTN đã góp phần cùng ĐHQGHN giữ vững vị trí cao trong xếp hạng của QS (Quacquarelli Symonds): đứng thứ 160 trên tổng số 650 trường đại học Châu Á trong bảng xếp hạng “The top universities in Asia with the QS Asia University Rankings 2021”, liên tiếp trong nhóm 801-1000 trên tổng số 1.300 trường đại học tốt nhất toàn cầu và đứng thứ 1 trong các trường đại học của Việt Nam trong bảng xếp hạng “QS World University Rankings 2022”. ĐHQGHN lần đầu tiên có mặt trong Bảng xếp hạng các trường đại học khu vực Châu Á năm 2020 do tạp chí Times Higher Education (THE Asia) công bố với vị trí trong nhóm 201 – 250. ĐHQGHN tiếp tục duy trì vị thế đứng đầu Việt Nam trong năm thứ hai trong bảng xếp hạng các trường đại học Châu Á của THE năm 2021 với vị trí trong nhóm 251-300. Trong Bảng xếp hạng Webometrics năm 2021, ĐHQGHN là trường đại học tốt nhất Việt Nam, xếp thứ 17 Đông Nam Á và thứ 1.000 trên toàn cầu. Trong bảng xếp hạng QS Top 50 Under 50 2021 dành cho các trường đại học có thời gian thành lập dưới 50 năm, ĐHQGHN lần đầu tiên có mặt với vị trí trong nhóm 101-150 các trường đại học trẻ tuổi có chất lượng giáo dục hàng đầu trên thế giới. ĐHQGHN có 3 lĩnh vực liên quan đến Trường ĐHKHTN là: Toán (Mathematics) năm 2021 vẫn duy trì với vị trí xếp hạng trong nhóm 401 – 450 thế giới, số 1 Việt Nam; Vật lý và Thiên văn học (Physics and Astronomy), ngành học duy nhất ở Việt Nam được xếp hạng vào năm 2021, được xếp vào Nhóm 501-550 trên toàn cầu cao hơn so với Nhóm 551-600 vào năm 2020; Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin (Computer Science & Information systems) năm 2021 tuy xếp hạng bị giảm xuống trong nhóm 601 – 650 thế giới nhưng vẫn đứng thứ 2 ở Việt Nam

– Trường đã xây dựng được hệ thống các văn bản, hướng dẫn quy trình về thực hiện các hoạt động ĐBCL. Đồng thời với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng thể hiện thông qua các kế hoạch và hoạt động mang tính chiến lược và các kế hoạch hành động cụ thể, Trường đã xây dựng kế hoạch ĐBCL 5 năm và hàng năm với (1) Các chỉ tiêu kế hoạch về ĐBCL; (2) Nguồn lực thực hiện kế hoạch: bao gồm cả nguồn nhân lực và nguồn lực tài chính; và (3) Lộ trình thực hiện kế hoạch: dài hạn, trung hạn, ngắn hạn. Hệ thống các văn bản quản lý này đã góp phần quan trọng trong việc triển khai vận hành hệ thống IQA hiệu quả.

– Hoạt động lấy ý kiến phản hồi của các bên liên quan bao gồm: lấy ý kiến của người học về học phần; lấy ý kiến của cựu sinh viên và nhà tuyển dụng về chất lượng các CTĐT; lấy ý kiến về các hoạt động hỗ trợ người học; khảo sát về môi trường làm việc; giảng viên tự đánh giá; lấy ý kiến đánh giá lãnh đạo Khoa được duy trì và thực hiện định kì hàng năm. Các thông tin phản hồi từ các bên liên quan, thông tin tự đánh giá của cán bộ được tổng hợp và báo cáo lãnh đạo Trường để phục vụ công tác hoạch định phương hướng, kế hoạch, ra quyết định điều hành cũng như phản hồi cho các cá nhân liên quan để phục vụ cải tiến chất lượng.

Hệ thống IQA được xây dựng và vận hành hiệu quả đã góp phần xây dựng văn hóa chất lượng tại Trường. Hệ thống bảo đảm chất lượng này yêu cầu tất cả các CTĐT của nhà trường đều phải thực hiện quá trình rà soát và cải tiến nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời lãnh đạo các cấp, và đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường đã thực sự quan tâm đến công tác ĐBCL và KĐCL, nhận thức đối với việc ĐBCL trong tất cả các hoạt động đã có những chuyển biến tích cực. Cán bộ, giảng viên của Trường đều ý thức được rằng ĐBCL chính là góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Sự thay đổi nhận thức này góp phần tạo ra những thuận lợi để triển khai thực hiện các hoạt động rà soát và đánh giá kiểm tra, giám sát chất lượng nội bộ, đảm bảo nâng cao chất lượng hiệu quả các hoạt động của nhà trường.

5. Một số khó khăn và thách thức

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc vận hành và phát triển hệ thống IQA của Trường ĐHKHTN vẫn còn gặp một số khó khăn và thách thức như:

  • Sức hấp dẫn của các ngành khoa học cơ bản không cao nên khó thu hút tuyển sinh dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh đầu vào cũng như nguồn thu từ học phí. Điều này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến kinh phí để đầu tư cho các hoạt động ĐBCL cũng như cải tiến chất lượng hậu kiểm định.
  • Kinh phí dành cho hệ thống IQA của Trường còn hạn hẹp, chủ yếu từ phân bổ ngân sách hàng năm mà chưa có nhiều nguồn thu bổ sung từ các nguồn khác.
  • Nhân sự làm công tác ĐBCL ở một số đơn vị có nhiều thay đổi theo nhiệm kỳ công tác hoặc điều chỉnh nhiệm vụ nên ảnh hưởng đến tính tiếp nối, công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ.
  • Sự quan tâm của các đơn vị tới công tác ĐBCL bên trong cũng như năng lực của đội ngũ làm công tác ĐBCL tại các đơn vị không đồng đều, nên đôi khi ảnh hưởng đến sự phối hợp giữa các đơn vị và hiệu quả vận hành của hệ thống ĐBCL của Trường.

6. Kết luận

Bài tham luận trên đã đề cập những vấn đề cơ bản về IQA, các quan điểm về IQA trong giáo dục đại học và kinh nghiệm triển khai IQA từ thực tiễn tại Trường ĐHKHTN (ĐHQGHN). Qua thực tiễn xây dựng hệ thống IQA và hoạt động triển khai ĐBCL bên trong của Trường, nhóm tác giả cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay với mỗi CSGDĐH đó là các Trường, tùy theo điều kiện cụ thể, cần xây dựng cho mình một hệ thống ĐBCL bên trong hiệu quả và bền vững. Các yếu tố quyết định đến hiệu quả và tính bền vững của hệ thống ĐBCL bên trong của CSGDĐH bao gồm tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo; các nguồn lực (nhân lực và vật lực); chính sách và chiến lược ĐBCL; cơ cấu tổ chức và nhân sự vận hành hệ thống IQA. Hệ thống IQA cần được xây dựng dựa trên nguyên lý PDCA và cần được cải tiến thường xuyên, liên tục nhằm không ngừng cải tiến chất lượng đào tạo, góp phần khẳng định vị thế và nâng cao uy tín của CSGDĐH.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Aithal, P. (2015). Internal Quality Assurance cell and its contribution to Quality Improvement in Higher Education Institutions: A case of SIMS. GE-International Journal of Management Research, 3, 70-83.

AUN-QA. Manual for the Implementation of the Guidelines.

Bộ GD&ĐT, B. (2016). Thông tư 04/2016/TT-BGDĐT về việc ban hành quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

Cục Quản lý chất lượng – Bộ GD&ĐT (2018). Công văn số 768/QLCL-KĐCLGD của Cục Quản lý chất lượng – Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn đánh giá theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học.

Martin, M. (2018). Internal Quality Assurance: Enhancing higher education quality and graduate employability: UNESCO.

Qureshi, M. I., Bhatti, M. N., Rasli, A. M., Yasir, M., & Zaman, K. (2014). The Delphi method for internationalization of higher education in Pakistan: Integrating theory of constraints and quality function deployment. Mediterranean Journal of Social Sciences, 5(20), 2702-2702.

Sursock, A. (2010). Accountability in Western Europe: Shift ing Quality Assurance Paradigms. In Accountability in Higher Education (pp. 127-148): Routledge.


 [NTN1]Tác giả có ý kiến giữ nguyên từ “phiên chế”. Vì theo công văn số 768/QLCL-KĐCLGD của Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT ban hành ngày 20 tháng 4 năm 2018 v/v hướng dẫn đánh giá theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CSGDĐH, một trong những mốc chuẩn tham chiếu để đánh giá tiêu chí 9.1 đạt mức 4 đó là: “Có hệ thống ĐBCL bên trong bao gồm trung tâm/bộ phận chuyên trách về ĐBCL (phiên chế ít nhất 3 người được đào tạo/bồi dưỡng về đảm bảo/kiểm định chất lượng giáo dục).”

Theo Bùi Minh Đức, Nguyễn Thị Hoàng Liên, Bùi Thanh Tú, Đinh Thị Hương, Vũ Hải Uyên. (2021), Sách chuyên khảo “Đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học: Lý luận và thực tiễn”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

Leave a reply

https://unihub.vnu.edu.vn/
https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2016/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2017/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2021/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2022/