Những khó khăn và thách thức đối với trường đại học địa phương trong kiểm định chất lượng giáo dục để thực thi tự chủ đại học

1. Đặt vấn đề

Trước ảnh hưởng mạnh mẽ của đại dịch Covid – 19, các trường đại học địa phương coi kiểm định chất lượng giáo dục là căn cứ để thực thi tự chủ đại học. Bởi kiểm định chất lượng giáo dục giúp các trường đại học địa phương tìm ra giải pháp tốt nhất nâng cao chất lượng giáo dục và vị thế nhà trường khi thực hiện tự chủ. Do vậy, gần đây nhiều trường đại học địa phương đã ráo riết đầu tư tiến hành kiểm định chất lượng giáo dục như: Trường Đại học An Giang, Trường Đại học Quảng Bình, Trường Đại học Hà Tĩnh, Trường Đại học Quảng Nam, Trường Đại học Phạm Văn Đồng… Hoạt động này, giúp các trường đại học địa phương có cơ sở cải tiến, điều chỉnh chính sách giáo dục phù hợp phục vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương và xu thế thời đại. Tuy nhiên, trong bối cảnh tác động dịch Covid – 19, kiểm định chất lượng giáo dục ở các trường đại học địa phương phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức mới.

2. Phương pháp nghiên cứu

+ Tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu: điều tra xã hội học, thống kê, phân tích, đánh giá, tổng hợp tài liệu thứ cấp.

+ Số phiếu khảo sát 51 phiếu gồm các đối tượng là cán bộ, giảng viên thuộc Trường Đại học An Giang, Trường Đại học Quảng Bình, Trường Đại học Hà Tĩnh, Trường Đại học Quảng Nam, Trường Đại học Phạm Văn Đồng… có nội dung những khó khăn, thách thức với trường đại học địa phương trong kiểm định chất lượng giáo dục để thực thi tự chủ đại học.

+ Tài liệu nghiên cứu: gồm các bài viết Kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam – thực trạng và giải pháp của nhóm tác giả Lê Đức Thọ và Lâm Thị Hồng Thắm, bài viết AUN-QA với sự vươn tầm của các trường đại học Việt Nam hiện nay của tác giả Nguyễn Khoa Huy, bài viết Đảm bảo chất lượng trường đại học tư thục hiện nay thực trạng và giải pháp của tác giả Đinh Thị Kim Loan, bài viết Thực trạng công tác kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA tại Trường Đại học An Giang của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Thảo, Nguyễn Thị Thùy Liên và Hà Lan Vi…

3. Những khó khăn và thách thức trong kiểm định chất lượng giáo dục ở các trường đại học địa phương.

  • Thực thi tự chủ trong các trường đại học địa phương

Căn cứ vào tài liệu thứ cấp được thu thập, thực thi tự chủ trong các trường đại học địa phương hiện nay được thể hiện: “Tự chủ trong quản lý điều hành nhà trường; Tự chủ tài chính; Tự chủ trong tuyển dụng và quản lý cán bộ, giảng viên; Tự chủ trong hoạt động đào tạo, tuyển sinh; Tự chủ trong xác định các chuẩn mực và phương pháp đánh giá…” (Phan Đăng Sơn, 2016). Cụ thể, Trường Đại học An Giang ngày 07/8/2017 chính thức thực hiện tự chủ, nhà trường đã tái cấu trúc lại bộ máy tổ chức, thành lập thêm nhiều đơn vị mới, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ dạy học, thu hút đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao hiệu quả chất lượng đào tạo và bảo đảm kiểm định chất lượng giáo dục… Nên “Năm 2019 thực thi tự chủ đã giúp Trường Đại học An Giang cải thiện chất lượng đào tạo và tài chính ít dựa vào nguồn ngân sách nhà nước” (Nguyễn Mậu Hùng và Hiển Duy Quảng, 2020). Trường Đại học Quảng Bình từ khi được giao quyền tự chủ, “nhà trường thực hiện chính sách tuyển dụng thu giảng viên giỏi có trình độ, mở mã ngành đào tạo mới đảm bảo chất lượng được đánh giá kiểm định chất lượng một cách khách quan” (Nguyễn Đức Vượng và Nguyễn Văn Chung, 2020). Trường Đại học Hà Tĩnh, Trường Đại học Quảng Nam, Trường Đại học Phạm Văn Đồng tự chủ động “xây dựng chương trình đào tạo, mở ngành học mới, tiến hành triển khai nghiên cứu khoa học và kiểm định chất lượng giáo dục; Tự chủ động tổ chức và xây dựng nhân sự như Trường Đại học Hà Tĩnh năm 2018 có 196 cán bộ, giảng viên, Trường Đại học Quảng Nam năm 2019 có 208 cán bộ, giảng viên, Trường Đại học Phạm Văn Đồng năm 2017 có 351 cán bộ, viên chức. Về cơ sở vật chất Trường Đại học Hà Tĩnh, Trường Đại học Quảng Nam, Trường Đại học Phạm Văn Đồng đảm bảo các tiêu chuẩn đề ra” (Nguyễn Mậu Hùng và Nguyễn Thị Hạnh, 2020).

   Tóm lại, trong xu thế thực hiện tự chủ đại học các trường đại học địa phương đều thực thi tự chủ bằng nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Nhưng có điểm chung thực thi tự chủ ở các nhà trường đã đi vào thực tiễn, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định như nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo và tự chủ hơn về tài chính. Một trong những giải pháp đem lại kết quả trên là các trường đại học địa phương đã tăng cường triển khai kiểm định chất lượng giáo dục trong các hoạt động giáo dục của nhà trường. Từ đó, mỗi cán bộ, giảng viên thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu đảm bảo chất lượng giáo dục và coi đây là nền tảng quan trọng để thực thi tự chủ trong các nhà trường hiện nay.

3.2. Những khó khăn và thách thức trong kiểm định chất lượng giáo dục ở các trường đại học địa phương

– Tính cấp thiết trong việc kiểm định chất lượng giáo dục ở các trường đại học.

Có 96,1% trong số 51 phiếu trả lời cho biết các trường đại học địa phương hiện nay thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục bởi: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – ĐHQG Hà Nội; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – ĐHQG TPHCM; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – ĐH Đà Nẵng; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Trường ĐH Vinh; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam (Nhật Nam, 2021). Như trường Trường Đại học Quảng Bình ngày 02/6/2018 đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Đại học Đà Nẵng; ngày 19/3/2018 Trường Đại học An Giang đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục do Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – ĐHQG TPHCM chứng nhận; Ngày 30/06/2018 Trường Đại học Hà Tĩnh đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục do Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – ĐHQG Hà Nội chứng nhận… Đây là căn cứ để các trường đại học địa phương không ngừng nâng cao hiệu quả cạnh tranh về hoạt động đào tạo và nghiên cứu trong môi trường giáo dục để nâng tầm vị thế nhà trường trên bản đồ mạng lưới các trường đại học trong nước và khu vực.

Trong số 51 phiếu hỏi thu thập ở Đại học An Giang, Trường Đại học Quảng Bình, Trường Đại học Hà Tĩnh, Trường Đại học Quảng Nam, Trường Đại học Phạm Văn Đồng…, trả lời về những khó khăn, thách thức với trường đại học địa phương trong kiểm định chất lượng giáo dục có tới 90,2% (46 phiếu) đánh giá cán bộ, giảng viên “nhận thức chưa cao” về kiểm định chất lượng giáo dục; có 82,4% (42 phiếu) đánh giá kinh phí kiểm định chất lượng giáo dục chưa cao; có 76,5% (39 phiếu) đánh giá thu thập minh chứng phục vụ đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục còn nhiều hạn chế; Và có 86,3% (44 phiếu) đánh giá chưa có sự thống nhất cao về bộ công cụ đánh giá dựa trên nguyên lý và bộ công cụ đánh giá dựa trên các chỉ số, quy tắc do các trường đại học địa phương trực thuộc các cơ quan chủ quản khác. Tiêu biểu, trường Đại học An Giang “đội ngũ nhân sự làm công tác đảm bảo chất lượng giáo dục chưa được đào tạo bài bản; nhận thức về công tác đảm bảo chất lượng hay văn hóa chất lượng của một số cán bộ, giảng viên, chuyên viên còn chưa đầy đủ” (Nguyễn  Thị Minh Hải & Nguyễn Thị Thu Thảo, 2020). Trường Đại học Quảng Bình, Trường Đại học Hà Tĩnh, Trường Đại học Quảng Nam, Trường Đại học Phạm Văn Đồng… do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 đã tác động đến tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh nên kinh phí đầu tư cho kiểm định chất lượng giáo dục gặp không ít trở ngại và khó khăn…(Nguyễn Đức Vượng & Nguyễn Văn Chung, 2020).

Căn cứ vào số liệu điều tra, cho thấy thời gian qua các trường đại học địa phương đã và đang rất chú trọng thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục để nâng hiệu quả đào tạo của nhà trường. Tuy nhiên, khi thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục gặp không ít hạn chế và nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ quan là do đội ngũ cán bộ, giảng viên làm kiểm định chất lượng giáo dục chưa chuyên trách, đại đa là cán bộ kiêm nghiệm nên chưa được đào tạo bài bản, các thông tin toàn diện phục vụ kiểm định chất lượng giáo chưa được khảo sát và phân tích khoa học…. Nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 nên kinh phí đầu tư cho kiểm định chất lượng giáo dục của nhà trường còn hạn chế.

Qua 51 phiếu hỏi, cho thấy bên cạnh phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục ở các trường đại học địa phương thời gian qua đã đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ: Xây dựng hệ thống các văn bản kiểm định chất lượng giáo dục phù hợp với các trường đại học địa phương và sớm đưa vào thực thi như Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT, bao gồm 25 tiêu chuẩn với 111 tiêu chí; Các bộ tiêu chí đánh giá, kiểm định phù hợp xu thế quốc tế, bám sát các tiêu chí của tổ chức kiểm định chất lượng uy tín như HCERES, AUN-QA…; Nhiều đơn vị chuyên trách về kiểm định chất lượng giáo dục đã được thành lập như Hội đồng tự đánh giá và đánh giá ngoài cơ sở giáo dục Trường Đại học Quảng Nam, Hội đồng tự đánh giá chất lượng giáo dục trường Trường Đại học Phạm Văn Đồng; Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm định chất lượng giáo dục đã được quan tâm đầu tư (Lê Đức Thọ và Lâm Thị Hồng Thắm, 2020).

Tóm lại, kiểm định chất lượng giáo dục ở các trường đại học địa phương hiện nay còn tồn tại nhiều khuyết điểm, hạn chế và đem lại những kết quả không mong đợi. Ví như trường đại học địa phương trực thuộc các cơ quan chủ quản khác nhau nên phương thức tổ chức kiểm định chất lượng khác nhau. Dẫn đến, tình trạng kết quả kiểm định nhiều khi không được thống nhất hoàn toàn, mang tính hình thức (Nguyễn Mậu Hùng, 2020). Cho nên, để hội nhập quốc tế về kiểm định chất lượng giáo dục các trung tâm kiểm định của Việt Nam sớm thống nhất các bộ tiêu chí chuẩn chất lượng giáo dục chung. Bởi nó có ý nghĩa quyết định tới chất lượng hệ thống giáo dục các trường đại học địa phương thời gian tới.

– Những khó khăn và thách thức khi kiểm định chất lượng giáo dục

Căn cứ vào thực trạng kiểm định chất lượng giáo dục ở Trường Đại học An Giang, Trường Đại học Quảng Bình, Trường Đại học Hà Tĩnh, Trường Đại học Quảng Nam, Trường Đại học Phạm Văn Đồng… cho thấy những khó khăn và thách thức mà các trường đại học địa phương phải đối mặt để thực thi hiệu quả tự chủ đó là:

Một là, cán bộ, giảng viên nhận thức chưa cao kiểm định chất lượng giáo dục. Bởi đa số “đội ngũ cán bộ, giảng viên ở các trường đại học địa phương hiện này đều làm kiêm nhiệm (vừa làm nhiệm vụ chuyên môn, vừa làm kiểm định chất lượng giáo dục) hơn nữa chưa được đào tạo bài bản, chưa nhận thức rõ ràng kiểm định chất lượng giáo dục là công tác đảm bảo chất lượng hay văn hóa chất lượng” (Lê Đức Thọ và Lâm Thị Hồng Thắm, 2020). Như cán bộ, giảng viên ở Trường Đại học An Giang, Trường Đại học Quảng Bình, Trường Đại học Hà Tĩnh…

Hai là, kinh phí phục vụ kiểm định chất lượng giáo dục còn hạn hẹp. Nguyên do dịch bệnh Covid – 19 làm cản trở, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng hoạt động giáo dục của nhà trường. Nên phân bổ kinh phí cho kiểm định chất lượng giáo dục chưa thực sự động viên được cán bộ, giảng viên tham gia.

Ba là, thu thập minh chứng phục vụ đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục còn nhiều khó khăn. Bởi việc “thu thập, lấy ý kiến người học, người dạy, nhà tuyển dụng ở nhiều trường thiếu thường xuyên, mang tính hình thức, làm cho có lệ, thậm trí việc phân tích xử lý số liệu chưa logic, chưa khoa học…” (Lê Đức Thọ và Lâm Thị Hồng Thắm, 2020).

Bốn là, sự thống nhất về bộ công cụ đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục chưa cao. Bởi mỗi trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục sử dụng các chỉ số, quy tắc nhất định theo quan điểm của mình. Nên giữa các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục chưa có sự thống nhất về bộ công cụ đánh giá. Do đó, các chỉ số, quy tắc mang năng tính chủ quan chưa phù hợp thực tế điều kiện cơ sở vật chất, kinh tế, xã hội của từng trường, khi các trường đại học địa phương trực thuộc các cơ quan chủ quản khác. Dẫn đến, có hai kết quả khác nhau cho một trường bởi hai tổ chức kiểm định khác nhau.

Năm là, một số văn bản pháp luật chỉ đạo kiểm định chất lượng giáo dục ở trường đại học địa phương chưa được điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Nên “một số trường trì hoãn đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục như công văn 768/QLCL-KĐCLGD, Thông tư 62/2012/TT-BGDĐT, Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT…” (Đinh Thị Kim Loan, 2020).

Thứ sáu, cơ chế quản lý các Trung kiểm định chất lượng giáo dục hiện nay thiếu chặt chẽ, bởi mỗi Trung tâm lại có chỉ số, quy tắc đánh giá riêng, điều này dễ dẫn đến phát sinh tiêu cực, cạnh tranh không lành mạnh giữa các Trung tâm. Bởi hầu hết các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục hiện nay phải tự chủ về tài chính.

4. Giải pháp nâng cao kiểm định chất lượng giáo dục trong các trường đại học địa phương.

Để thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục hiệu quả đáp ứng yêu cầu nâng cao vị thế và uy tín của trường đại học địa phương trong khu vực và quốc tế, các cơ quan thẩm quyền cần thực hiện một số giải pháp:

Đối với trường đại học địa phương

Khi viết báo cáo tự kiểm định chất lượng giáo dục các nhà trường cần căn cứ vào mục đích và phạm vi đánh giá. Trong quá trình viết báo cáo phải mô tả chi tiết thực trạng của nhà trường, trên cơ sở đó phân tích, giải thích, so sánh đưa ra nhận định về ưu điểm cũng như hạn chế còn tồn tại để nhà trường có giải pháp khắc phục hiệu quả…

Tiếp tục tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về kiểm định chất lượng giáo dục để cán bộ, giảng viên có thể trao đổi và học hỏi kinh nghiệm kiểm định chất lượng giáo dục trong trường đại học địa phương.

Xây dựng mạng lưới tổ tư vấn ĐBCL trong trường nhằm hỗ trợ thu thập minh chứng về Chương trình đào tạo; Hoạt động đào tạo; Người học; Nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ; Hoạt động hợp tác quốc tế… nhằm bảo đảm thông tin thu thập chính xác, khách quan.

Tích cực truyền thông về kiểm định chất lượng giáo dục cho đội ngũ cán bộ, giảng viên trường đại học địa phương. Để đội ngũ cán bộ, giảng viên nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của kiểm định chất lượng giáo dục ở trường đại học địa phương không chỉ nâng cao uy tín, vị thế của nhà trường còn là cơ sở để thu hút sinh viên trong nước và khu vực.

Xây dựng, hoàn thiện đội ngũ cán bộ, giảng viên chuyên trách phụ trách kiểm định chất lượng giáo dục. Và cần có chế độ đãi ngộ hợp lý để động viên, khích lệ kịp thời cán bộ, giảng viên phụ trách kiểm định chất lượng giáo dục. Bởi cán bộ, giảng viên chuyên trách là đầu mối để thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục và là đầu mối để nâng cao hiệu quả các hoạt động giáo dục của nhà trường.

Tăng kinh phí phân bổ cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục để động viên cán bộ, giảng viên tham gia. Nhất trong bối cảnh tác động dịch bệnh Covid – 19, trường đại học địa phương cần có nguồn kinh phí khác để hỗ trợ cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.

Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chi tiết cho cán bộ, giảng viên chuyên trách và kiêm nhiệm kiểm định chất lượng giáo dục. Để cán bộ, giảng viên hiểu và thực hiện nghiêm đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục ở trường đại học địa phương.

– Đối với cán bộ, giảng viên kiểm định chất lượng giáo dục

Vận dụng thành tựu nền tảng công nghệ số để thu thập các minh chứng phục vụ kiểm định chất lượng giáo dục như Limesurvey, google form, Qualtrics… từ người học, người dạy, nhà tuyển dụng. Việc thu thập các minh chứng phục vụ kiểm định chất lượng giáo dục phải tiến hành thường xuyên, tránh mang tính hình thức, làm cho có lệ.

Cán bộ, giảng viên phải có ý thức bồi dưỡng, tự bồi dưỡng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn về kiểm định chất lượng giáo dục.

Đội ngũ cán bộ, giảng viên trường đại học địa phương cần nỗ lực hơn về năng lực đo lường, năng lực đánh giá trong giáo dục, năng lực kiểm định chất lượng giáo dục… để thực thi kiểm định theo tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng giáo dục.

Cần có cơ chế khuyến khích cán bộ, giảng viên tích cực, chủ động tham gia vào hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục trong trường đại học địa phương.

5. Kết luật và Khuyến nghị.

* Kết luận:

Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục để thực thi tự chủ đại học trong bối cảnh tác động của dịch Covid – 19 rất quan trọng và nhiều thách thức, khó khăn. Đòi hỏi, trường đại học địa phương phải triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp để huy động đông đảo cán bộ, giảng viên tham gia tháo gỡ những khó khăn, thách thức trong kiểm định chất lượng giáo dục. Có như vậy trường đại học địa phương mới nâng cao vị thế, uy tín của nhà trường trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đáp ứng mục tiêu cạnh tranh trong với các trường đại học khác trong khu vực và quốc tế.

* Khuyến nghị ở cấp vĩ mô: Để giải quyết dứt điểm những khó khăn và thách thức tồn tại trong kiểm định chất lượng giáo dục ở trường đại học địa phương, các cấp thẩm quyền cần thực hiện:

– Đối với Chính phủ

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản pháp luật chỉ đạo kiểm định chất lượng giáo dục ở trường đại học địa phương để các văn bản pháp luật tiếp cận với các nước trong khu vực và quốc tế.

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bổ sung, chỉnh sửa các chương trình đào tạo đo lường, đánh giá trong giáo dục, kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục… để phù hợp với thực tiễn Việt Nam và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cũng như tạo động lực cho các Trung tâm kiểm định để khuyến khích Trung tâm kiểm định tích cực tham gia kiểm định chất lượng giáo dục.

Hỗ trợ kinh phí cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục ở trường đại học địa phương để động viên các trường tich cực tham gia kiểm định chất lượng giáo dục.

Giám sát, sát hạch năng lực và trình độ của các trung tâm kiểm định để bảo đảm khách quan, liêm chính góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Đối với các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục

Các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục cần thống nhất các chỉ số, quy tắc đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục để khi đánh giá trường đại học địa phương cho kết quả thống nhất, tránh tình trạng có hai kết quả khác nhau cho một trường bởi hai trung tâm kiểm định khác nhau. Đồng thời, ngăn chăn được những tiêu cực phát sinh trong cạnh tranh không lành mạnh giữa các Trung tâm.

Tham khảo những tồn tại và lợi thế của bộ tiêu chí HCERES, AUN-QA, IACBE, ABET, FIBAA…từ đó có những giải pháp đồng bộ và tối ưu nhằm xây dựng bộ tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục uy tín phù hợp với khu vực và quốc tế.

Sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về kiểm định chất lượng giáo dục để có hành lang pháp lý tiếp cận khu vực và quốc tế.

Các trung tâm kiểm định khi thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục cần tuân thủ những cơ sở lý luận của khoa học quản lý và bám sát thực trạng của mỗi nhà trường, trong qua trình thực hiện cần mềm dẻo, linh hoạt để bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Công khai, minh bạch xếp hạng trường đại học địa phương được kiểm định chất lượng giáo dục để các trương có động lực nâng cao chất lượng đào tạo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Hải, N. T., & Thảo, N. T. (2020). Nâng cao công tác đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập theo hướng tiếp cận AUN-QA ở trường Đại học An Giang hiện nay. Kiểm định chất lượng giáo dục Quốc tế – con đường hội nhập và phát triển (trang 239-249). TP.Hồ Chí Minh: Nxb. Tài Chính.

Hùng, N. M. (2020). Công tác kiểm định chất lượng trong bối cảnh đẩy mạnh mô hình quản trị theo cơ chế tự chủ của hệ thống giáo dục Đại học Việt Nam hiện nay. Kiểm định chất lượng giáo dục Quốc tế – Con đường hội nhập và phát triển (trang 41- 59). TP. Hồ Chí Minh: Nxb. Tài chính.

Hùng, N. M., & Hạnh, N. T. (2020). Chính sách tự chủ đại học của nhà nước và năng lực thực tế của hệ thống các trường Đại học công lập địa phương của Việt Nam hiện nay. Hội thảo giáo dục việt nam 2020 “Tự chủ trong giáo dục Đại học – từ chính sách đến thực tiễn” tập 2 (trang 41-64). Hà Nội: Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng. Nxb. Chính trị quốc gia.

Hùng, N. M., & Quảng , H. D. (2020). Cơ hội của mô hình trường Đại học An Giang đối với sự phát triển của hệ thống Đại học địa phương ở Việt Nam trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Hội thảo giáo dục việt nam 2020 “Tự chủ trong giáo dục Đại học – từ chính sách đến thực tiễn” tập 1 (trang 463-475). Hà Nội: Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng. Nxb. Chính trị quốc gia.

Loan, Đ. T. (2020). Đảm bảo chất lượng Đại học tư thục hiện nay: Thực trang và giải pháp. Kiểm định chất lượng giáo dục Quốc tế – Con đường hội nhập và phát triển (trang 205 – 216). Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Tài Chính.

Nam, N. (2021, 06 17). Báo điện tử Chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Được truy lục từ Cho phép 3 tổ chức kiểm định giáo dục nước ngoài hoạt động tại Việt Nam: http://baochinhphu.vn/Giao-duc/Cho-phep-3-to-chuc-kiem-dinh-giao-duc-nuoc-ngoai-hoat-dong-tai-Viet-Nam/435029.vgp

Sơn, P. Đ. (2016, 05 31). Một số giải pháp tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các trường đại học ở Việt Nam. Được truy lục từ Bộ giáo dục và đào tạo: Một số giải pháp tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các trường đại học ở Việt Nam

Thọ, L. Đ., & Thắm, L. T. (2020). Kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp. Kiểm định chất lượng giáo dục Quốc tế – Con đường hội nhập và phát triển (trang 409 – 422). TP. Hồ Chí Minh: Nxb. Tài chính.

Vượng, N. Đ., & Chung, N. V. (2020). Nghiên cứu đánh giá thực trạng lộ trình tự chủ trong giáo dục Đại học địa phương – từ cơ chế đến thực tiễn. Hội thảo giáo dục việt nam 2020 “Tự chủ trong giáo dục Đại học – từ chính sách đến thực tiễn” tập 1 (trang 175-180). Hà Nội: Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng. Nxb. Chính trị quốc gia.

Theo Đặng Danh Hướng (2021), Sách chuyên khảo “Đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học: Lý luận và thực tiễn”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

Leave a reply

https://unihub.vnu.edu.vn/
https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2016/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2017/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2021/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2022/