- Vì sao xếp hạng tác động
Xếp hạng các trường đại học và chương trình đào tạo đại học đã trở thành một hiện tượng có tính toàn cầu. Với sự đại chúng hoá giáo dục đại học (GDĐH) và định hướng thị trường ngày càng tăng ở trên thế giới, các đối tác hưởng lợi của hệ thống GDĐH như sinh viên, phụ huynh, các cơ sở GD ĐH, các nhà tuyển dụng và Chính phủ thực sự quan tâm đến vị thế của mỗi trường đại học. Trong các bảng xếp hạng trường đại học sự xuất sắc được đo lường dựa trên thành tựu nghiên cứu và danh tiếng của từng trường đại học thay vì dựa trên đóng góp chung cho lợi ích của xã hội, cộng đồng (Hazelkorn, 2020). Trên thực tế các trường đại học đóng góp rất lớn cho sự phát triển khoa học và xã hội. Cho tới trước 2019 chưa có một nỗ lực xếp hạng nào về tác động của trường đại học tới xã hội và cộng đồng.
Năm 2019, lần đầu tiên Times Higher Education (THE) thực hiện “Xếp hạng Tác động của trường đại học”. Đây cũng là bảng xếp hạng duy nhất hiện nay về hiệu quả hoạt động của trường đại học trong việc góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hiệp quốc. Bảng xếp hạng này cũng là lần đầu tiên đánh giá đóng góp của các trường đại học với xã hội và cộng đồng, Trong bảng xếp hạng tác động này, nhiều trường đại học tại các quốc gia chưa có thứ hạng trong nhóm 50 trường đại học hàng đầu thế giới của THE WUR đã lọt vào nhóm 50 hàng đầu của bảng xếp hạng tác động theo từng mục tiêu phát triển bền vững. Bảng xếp hạng đã thu hút được sự tham gia của một lượng rất lớn các trường đại học trên thế giới (gần 1.500 trường gửi dữ liệu xếp hạng của năm 2021). Việt Nam có 4 trường đại học tham gia bảng xếp hạng tác động năm 2021, với thứ hạng khá tốt trong một số mục tiêu như mục tiêu 8 ‘Công việc tốt và phát triển kinh tế’. Để đánh giá mức độ mà trường đại học thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc thì trường đại học cần cung cấp hồ sơ minh chứng tổng hợp về các hoạt động đa dạng của nhà trường. Bài viết so sánh kết quả xếp hạng tác động của một số trường đại học và phân tích dữ liệu xếp hạng của trường Manchester – Vương Quốc Anh xếp hạng thứ nhất năm 2021 để đưa ra bài học cho các trường đại học của Việt Nam.
2. Xếp hạng tác động đánh giá được vai trò địa phương và toàn cầu của trường đại học
Vai trò của trường đại học đối với sự phát triển của khu vực và địa phương được sự quan tâm đặc biệt của các tổ chức quốc tế lớn như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), và chính các cơ sở giáo dục đại học có mong muốn nhân rộng các bài học từ thực hành tốt của nhà trường (Albulescu và Albulescu, 2014). Theo truyền thống, các trường đại học đều tập trung vào nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu. Các cơ sở giáo dục đại học có thể đóng một vai trò quan trọng trong khu vực và xã hội dân sự qua việc kết nối các yếu tố khác nhau của chính sách quốc gia về giáo dục và kỹ năng, nghiên cứu và đổi mới, văn hóa và hòa nhập xã hội (Puukka và Marmolejo, 2008).Các cơ sở giáo dục đại học tham gia vào khu vực thông qua việc (i) tạo ra tri thức qua nghiên cứu và khai thác qua chuyển giao công nghệ (spin-out, IPR và tư vấn); (ii) chuyển giao kiến thức qua phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, bản địa hóa quá trình học tập theo phương thức vừa học vừa làm, việc làm tại khu vựcsau khi tốt nghiệp, học tập suốt đời và phát triển nghề nghiệp; (iii) phát triển văn hóa và cộng đồng để tạo ra môi trường, sự gắn kết xã hội và phát triển bền vững dẫn tới sự đổi mới (OECD, 2007b).
Trong nền kinh tế dựa trên tri thức, trường đại học trở thành nhân tố quan trọng của hệ thống đổi mới với tư cách là nhà cung cấp vốn con người và hạt giống của các doanh nghiệp mới. Theo Chipperfield của Hội đồng Anh (2014), khi mô hình trường đại học mới – trường đại học ‘doanh nghiệp’ xuất hiện, chính tác động tích cực đến khu vực địa phương đã khiến nhà trường trở nên đặc biệt và thành công. Thí dụ, kết quả nghiên cứu của một trường đại học có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các sáng kiếncho cộng đồng. Các nghiên cứu của trường đại học thường chú trọng tới việc giải quyết những thách thức toàn cầu của thời đại thí dụphòng chống dịch bệnh, quản lý thảm họa thiên nhiên, các dạng năng lượng mới. Tuy nhiên trường đại học còn phối hợp với cộng đồng tại địa phươngtrực tiếp giải quyết các vấn đề như cải thiện chất lượng cuộc sống của địa phương, giải pháp cho các vấn đề hàng ngày thí dụ tác động của dân số già ở địa phương; trường đại học cũng có thể quảng bá về rừng địa phương của cộng đồng; thu hút tình nguyện viên cho cộng đồng; khuyến khích lối sống khoa học trong sinh viên….(Chipperfield của Hội đồng Anh, 2014).
Bên cạnh việc chuyển giao công nghệ của các nghiên cứu sang phát triển kinh tế, thì trường đại học còn hỗ trợ hiện đại hóa các công ty công nghệ thấp và trung bình, thí dụ, sinh viên thực tập đóng vai trò trung gian trong việc chuyển giao kiến thức và công nghệ cho các công ty công nghệ thấp tại địa phương (Audretsch, Hülsbeck, Lehmann, 2012). Vai trò của các trường đại học thể hiện qua việc góp phần tạo ra các sáng kiến của địa phương về những ngành công nghiệp mới liên quan đến việc phát triển một lĩnh vực mới chưa có tiền đề công nghệ trong nền kinh tế khu vực. Các trường đại học chuyên sâu về nghiên cứu và các cơ quan phát triển khu vực thường đóng vai trò tiên phong này, tuy việc này đòi hỏi vốn đầu tư mạo hiểm mới và đầu tư đáng kể vào việc thương mại hóa các kết quả và ý tưởng nghiên cứu. Nghiên cứu của OECD xác nhận hầu hết các liên kết công nghiệp địa phương với các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là với các trường đại học chuyên sâu về nghiên cứu, đều thuộc các lĩnh vực công nghệ cao và một số hoạt động, thí dụ Thung lũng Silicon (Hoa kỳ) tập trung vào công nghệ nano, công nghệ sinh học và CNTT-TT.Ngoài ra, trường đại học cũng có vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa các lĩnh vực sản xuất hiện tại thông qua việc tái triển khai các công nghệ cốt lõi của ngành đang suy giảm để tạo cơ sở cho sự xuất hiện của một ngành mới. Ở các khu vực ít các ngành công nghiệp dựa trên tri thức, việc tạo ngành công nghiệp mới đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (Puukka và Marmolejo, 2008).
3. Phương pháp xếp hạng tác động của trường đại học
Trong các bảng xếp hạng đại học, kết quả từ đầu tư cho nghiên cứu thường được đo lường qua số lượng xuất bản; còn đầu tư về giảng dạy được đo lường qua số lượng sinh viên tốt nghiệp.
3.1. Xếp hạng trường đại học trên thế giới chú trọng tới kết quả nghiên cứu
Xếp hạng đại học thế giới do Times Higher Education (THE WUR) thực hiện đánh giá các trường đại học trên các lĩnh vực gồm giảng dạy (môi trường học tập); nghiên cứu (khối lượng, thu nhập và danh tiếng), triển vọng quốc tế (nhân viên, sinh viên và nghiên cứu); trích dẫn (ảnh hưởng của nghiên cứu); thu nhập từ chuyển giao công nghệ (chuyển giao kiến thức). Hệ thống xếp hạng THE ra đời năm 2010 (sau khi tách khỏi hệ thống xếp hạng THE-QS hay THES ra đời năm 2004). Hệ thống xếp hạng THE dựa trên 3 tiêu chí (chất lượng nghiên cứu, chất lượng giảng dạy và mức độ quốc tế hóa) với 13 chỉ số đánh giá[2].
Bảng 3.1. Các chỉ số xếp hạng đại học do THE thực hiện
Tiêu chí | Chỉ báo |
Chất lượng nghiên cứu (Research quality) | – Khảo sát ý kiến đồng nghiệp quốc tế (19.5%) – Thu từ các đề tài nghiên cứu (5.25%) – Tỷ số bài báo trên giảng viên (4.5%) – Tỷ lệ thu từ khu vực công dành cho nghiên cứu trên tổng thu từ nghiên cứu (0.75%) Tổng1: 30% – Trích dẫn bình quân trên giảng viên 32.5% – Tỷ lệ thu từ chuyển giao công nghiệp 2.5% Tổng2: 35% TỔNG CỘNG (1+2): 65% |
Chất lượng giảng dạy (Teaching Quality) | – Khảo sát ý kiến đồng nghiệp quốc tế (15%) – Tỷ số bằng tiến sĩ trên tổng giảng viên (6%) – Tỷ số sinh viên tuyển mới trên giảng viên (4.5%) – Bình quân thu nhập giảng viên (2.25%) – Tỷ số bằng tiến sĩ trên bằng cử nhân được cấp (2.25%) TỔNG CỘNG: 30% |
Mức độ quốc tế hóa (Internationalisation) | – Tỷ lệ giảng viên quốc tế (3%) – Tỷ lệ sinh viên quốc tế (2%) TỔNG CỘNG: 5% |
Các bảng xếp hạng đại học khác do các tổ chức như Bảng xếp hạng hàn lâm các đại học trên thế giới/ The Academic Ranking of World Universities (ARWU), hay QS cũng có các tiêu chí đánh giá tương tự.
Bảng 3.2. Tiêu chí, chỉ báo, và trọng số sử dụng trong phương pháp xếp hạng trường đại học của ARWU[3]
Tiêu chí | Chỉ báo |
Chất lượng giáo dục (Quality of Education) | Cựu sinh viên của trường đoạt giải Nobel hoặc giải Fields |
Chất lượng giảng viên (Quality of Faculty) | – Giảng viên của trường đoạt giải Nobel hoặc giải Fields – Giảng viên của trường có tên trong danh sách những nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất trong 21 lãnh vực tổng quát |
Thành tích khoa học (Research Output) | – Số bài báo đăng trên hai tạp chí khoa học Nature và Science – Số bài báo được chỉ dẫn trong cơ sở dữ liệu các tạp chí của SCIE và SSCI |
Hiệu suất bình quân của giảng viên (Per Capita Performance) | Hiệu suất khoa học bình quân tính trên đầu giảng viên |
Bảng 3.3. Tiêu chí, chỉ báo và trọng số sử dụng trong phương pháp xếp hạng trường đại học của QS World[4]
Tiêu chí | Chỉ báo | Trọng số (Weightings) |
Chất lượng nghiên cứu (Research quality) | Khảo sát ý kiến đồng nghiệp (Academic peer review/ Academic Reputation) | 40% |
Trích dẫn bình quân trên đầu giảng viên (Citations per faculty) | 20% | |
Chất lượng giảng dạy (Teaching Quality) | Khảo sát ý kiến nhà tuyển dụng toàn cầu (Global employer review/ Employer Reputation) | 10% |
Tỷ số giảng viên trên sinh viên (Faculty student ratio) | 20% | |
Mức độ quốc tế hóa (Internationalisation) | Tỷ lệ sinh viên quốc tế (International student ratio) | 5% |
Tỷ lệ giảng viên quốc tế (International faculty ratio) | 5% |
Các bảng xếp hạng đại học thường tập trung đo lường thành tựu nghiên cứu và danh tiếng của từng trường đại học (Hazelkorn, 2020), và chưa đánh giá được đóng góp của các trường đại học cho cộng đồng và xã hội. Các bảng xếp hạng đại học cần tìm ra các thước đo thích hợp để đánh giá tác động hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học tới xã hội và cộng đồng (OECD, 2007b).
3.2. Tác động xã hội của trường đại học cần được đánh giá
Đóng góp của trường đại học cho cộng đồng xã hội có thể qua nhiều kênh khác nhau, thí dụ chuyển giao công nghệ thông qua hợp đồng nghiên cứu hoặc hợp tác nghiên cứu và phát triển, tư vấn của các giảng viên cho các công ty; sử dụng các thiết bị kỹ thuật của trường đại; sinh viên tốt nghiệp đại học được các công ty tuyển dụng sẽ góp phần chuyển giao kiến thức; thu hút các khoản đầu tư doanh nghiệp theo định hướng nghiên cứu và phát triển (R&D); các công ty cung cấp nguồn cung cấp kỹ thuật phức tạp cho trường đại học (được chế tạo phù hợp với các yêu cầu khoa học cụ thể), hoặc cung cấp thông tin cho người dùng bên ngoài trường đại học (ví dụ: thông qua thư viện). Không chỉ các công ty sản xuất hoặc dịch vụ tư nhân, mà các bộ phận của cơ quan hành chính nhà nước cũng sử dụng nguồn nhân lực và dịch vụ tư vấn của các trường đại học (Fromhold-Eisebith, Werker, 2013, tr.627).
Đóng góp của trường đại học còn thể hiện qua nguồn vốn con người là kiến thức chuyên môn, kỹ năng và năng lực được tích lũy trong giảng viên, sinh viên và nhà nghiên cứu. Thí dụ các nhà nghiên cứu của trường đại học kết nối với các nhà nghiên cứu hàn lâm khác hoặc các nhà nghiên cứu của các công ty. Kiến thức còn được chuyển giao qua thị trường lao động theo hình thức sử dụng sinh viên hoặc giảng viên của trường đại học. Nguồn nhân lực còn có thể di chuyển ra ngoài khu vực và có tác động quốc gia và quốc tế (Fromhold-Eisebith, Werker, 2013, tr.628).
Các cơ sở giáo dục đại học chú trọng nhiều đến các vấn đề về dịch vụ y tế và phúc lợi. Các hình thức dịch vụ công này đại diện cho một phần đáng kể hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học trong khu vực, thí dụ vận hành các bệnh viện và mạng lưới y tế hỗ trợ hoặc thay thế các dịch vụ y tế của chính phủ và các nhà cung cấp tư nhân, cung cấp dịch vụ y tế chi phí thấp và các dịch vụ nha khoa, lập các đoàn hội sinh viên, v.v.
Các cơ sở giáo dục đại học còn đóng góp mạnh mẽ vào phát triển nền tảng văn hóa của khu vực và chất lượng cuộc sống của cộng đồng thông qua các chương trình học tập hoặc dự án nghiên cứu về văn hóa(Puukka và Marmolejo, 2008).
3.3. Đánh giá tác động của trường đại học qua việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc
Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) tới 2030 được tất cả các Quốc gia Thành viên Liên hợp quốc thông qua vào năm 2015, là lời kêu gọi hành động khẩn cấp của tất cả các quốc gia – phát triển và đang phát triển – trong mối quan hệ đối tác toàn cầu. Việc chấm dứt nghèo đói và các thiếu hụt phải đi cùng với các chiến lược cải thiện sức khỏe và giáo dục, giảm bất bình đẳng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tất cả góp phần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và nỗ lực bảo tồn đại dương và rừng trên thế giới. Để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030 đòi hỏi sự chung tay của tất cả các bên, đòi hỏi các lĩnh vực và tác nhân khác nhau cùng phối hợp bằng cách tổng hợp các nguồn lực tài chính, kiến thức và chuyên môn, đáng kể là nguồn lực của các trường đại học và của quốc gia dành cho giáo dục đại học.
Giá trị chung của các SDG là việc thừa nhận các thách thức xã hội có tính chất xuyên quốc gia, khả năng tiếp cận các nguồn lực (nhân lực và vốn) vượt quá khả năng hoặc năng lực của các quốc gia và từng tổ chức riêng lẻ, đòi hỏi có sự hợp tác của các nhóm đa quốc gia và đa lĩnh vựcđể cùng giải quyết (Hazelkorn, 2020). Trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, các trường đại học với vai trò độc đáo trong việc tạo ra và chia sẻ tri thức, đã đóng vai trò trực tiếp trong việc giải quyết những thách thức đặt ra trong quá trình Biến đổi thế giới[5].
17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDG) đến năm 2030[6]
- Xóa nghèo: Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở tất cả mọi nơi
- Không còn nạn đói: Kết thúc tình trạng đói, đạt được an toàn thực phẩm, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững
- Sức khỏe và có cuộc sống tốt: Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và thúc đẩy hạnh phúc cho mọi lứa tuổi
- Giáo dục có chất lượng: Đảm bảo Giáo dục có chất lượng, bao trùm và công bằng, đồng thời thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người
- Bình dăng giới. Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái
- Nước sạch và vệ sinh. Đảm bảo quyền được có nước sạch và vệ sinh môi trường cho tất cả mọi người.
- Năng lượng sạch với giá thành hợp lý: Đảm bảo quyền tiếp cận năng lượng với giá phải chăng, đáng tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người.
- Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế: Khuyến khích tăng trưởng kinh tế bền vững, bao trùm, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt, thỏa đáng cho tất cả mọi người
- Công nghiệp, sáng tạo và phát triển hạ tầng: Làm cho các thành phố và khu định cư của con người dành cho tất cả, an toàn, có khả năng chống chịu và bền vững.
- Giảm bất bình đẳng: Giảm bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia.
- Các thành phố và cộng đồng bền vững: Làm cho các thành phố và khu định cư của con người dành cho tất cả, an toàn, có khả năng chống chịu và bền vững.
- Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm: Đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững
- Hành động về khí hậu: Hãy hành động khẩn cấp để chống biến đổi khí hậu và các tác động của nó
- Tài nguyên và môi trường biển: Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững.
- Tài nguyên và môi trường trên đất liền: Bảo vệ, khôi phục và thúc đẩy sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn, quản lý rừng bền vững, chống sa mạc hóa, ngăn chặn và đảo ngược suy thoái đất và ngăn chặn mất đa dạng sinh học.
- Hòa bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ: Thúc đẩy các xã hội hòa bình và hòa nhập để phát triển bền vững, cung cấp quyền tiếp cận công lý cho tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và bao trùm ở tất cả các cấp.
- Quan hệ đối tác vì các mục tiêu: Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vữngng
Theo cơ quan của liên hiệp quốc tại Việt Nam, các hoạt động để đạt mục tiêu số 4 về ‘Giáo dục có chất lượng’ có mối liên quan trực tiếp tới các mục tiêu 3, 5, 11, 13 (https://vietnam.un.org/vi/sdgs/4).
Bảng 3.4. Mối liên quan trực tiếp giữa mục tiêu số 4 và các mục tiêu 3, 5, 11, 13
Mục tiêu 4. Giáo dục có chất lượng: Đảm bảo Giáo dục có chất lượng, bao trùm và công bằng, đồng thời thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người | |||
Mục tiêu 3. Sức khỏe và có cuộc sống tốt: Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và thúc đẩy hạnh phúc cho mọi lứa tuổi | Mục tiêu 5. Bình đẳng giới. Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái | Mục tiêu 11. Các thành phố và cộng đồng bền vững: Làm cho các thành phố và khu định cư của con người dành cho tất cả, an toàn, có khả năng chống chịu và bền vững. | Mục tiêu 13. Hành động về khí hậu: Hãy hành động khẩn cấp để chống biến đổi khí hậu và các tác động của nó |
3.4 Kết quả xếp hạng tác động của trường đại học theo các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) do THE thực hiện
Đặc điểm cơ bản của phương pháp tiếp cận xếp hạng của THE là được thiết kế để tối đa hóa số trường đại học tham gia. Do các trường đại học có cách cung cấp dữ liệu khác nhau, nên THE đã giới hạn số lượng dữ liệu cần có để tham gia xếp hạng. Nhờ đó, THE đã khuyến khích sự tham gia của những trường đại học khó có cơ hội hiện diện trong các bảng xếp hạng đại học quốc tế hiện nay. Năm 2021 đã có 1.115 trường đại học tham gia xếp hạng THE Impact Rankings.
Để tham gia bảng xếp hạng tác động tổng thể của THE, các trường đại học bắt buộc phải tham gia xếp hạng đối với mục tiêu số 17. Ngoài ra trường đại học cần cung cấp dữ liệu của tối thiểu ba SDG khác mà trường tự chọn. Điểm của một trường đại học trong bảng xếp hạng tổng thể về tác động được tính bằng cách kết hợp điểm của trường về mục tiêu 17 với điểm cao nhất của ba mục tiêu khác trong số các mục tiêu mà trường đăng ký tham gia xếp hạng.
Về tỷ trọng của các mục tiêu trong bảng xếp hạng tổng thể: SDG 17 có tỷ trọng 22% tổng điểm, mỗi SDG khác đều có tỷ trọng 26% tổng điểm. Điểm cho mỗi SDG được tính dựa trên các phép đo. Mỗi phép đo có chủ đề riêng và có thể bao gồm các chỉ số nhỏ. Điểm tối đa cho mỗi phép đo được tính dưới dạng (i) tỷ lệ phần trăm của SDG đó và (ii) tỷ lệ phần trăm trong xếp hạng tổng thể nếu SDG đó được sử dụng cho xếp hạng tổng thể.
Mỗi mục tiêu phát triển bền vững được THE đánh giá qua bốn lĩnh vực: Nghiên cứu (Research), Tham gia cộng đồng (Public Engagement), Học tập và Sinh viên (Learning and Students), và Vận hành (Operation). Các trường đại học cung cấp các minh chứng gồm các báo cáo nghiên cứu liên quan tới SDG được đăng ký, báo cáo về các đề án thực hiện các hoạt động liên quan tới SDG đó cho cộng đồng, các học phần có liên quan tới SDG, số lượng sinh viên tham gia học các học phần đó và các hoạt động đào tạo liên quan tới SDG này, báo cáo về các chương trình hành động mà nhà trường tổ chức theo hướng thực hiện SDG đó trong thực tế[7].
Bảng 3.5. Bảng chỉ số và trọng số xếp hạng tác động của trường đại học theo 17 SDG do THE thực hiện
SDG 1: XÓA NGHÈO a) Nghiên cứu (27%) b) Tỷ lệ sinh viên được hỗ trợ tài chính (27%) c) Chương trình hỗ trợ xóa nghèo của trường (23%) d) Các chương trình xóa nghèo cộng đồng (23%) | SDG 2 : KHÔNG CÒN NẠN ĐÓI a) Nghiên cứu liên quan tới nạn đói (27%) b)Rác thải thực phẩm trong khuôn viên (15.4%) c) Tình trạng thiếu ăn ở sinh viên (19.2%) d) Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm bền vững (19.2%) e) Hỗ trợ giảm thiểu nạn đói trên phạm vi toàn quốc (19.2%) |
SDG 3: SỨC KHỎE VÀ CÓ CUỘC SỐNG TỐT a) Nghiên cứu về sức khỏe và cảm xúc (27%) b) Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp về y tế c) Hợp tác và dịch vụ y tế (38,4%) | SDG 4: GIÁO DỤC CÓ CHẤT LƯỢNG a) Nghiên cứu về giáo dục sớm và học tập suốt đời (27%) b) Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có trình độ sư phạm (15,4%) c) Phương pháp học tập suốt đời (26.8%) d) Tỷ lệ sinh viên thế hệ đầu tiên (30,8%) |
SDG 5: BÌNH ĐẲNG GIỚI a) Nghiên cứu (27%) b) Tỷ lệ sinh viên nữ thế hệ đầu tiên (15,4%) c) Các biện pháp tiếp cận của sinh viên (15,4%) d) Tỷ lệ nữ học giả cấp cao (15,4%) e) Tỷ lệ nữ giới được trao bằng (11,5%) f) Các biện pháp vì sự tiến bộ của phụ nữ (15,3%) | SGD 6: NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH a) Nghiên cứu về nước sạch và vệ sinh (27%) b) Sử dụng nước bình quan trên đầu người (19%) c) Chăm sóc nước (23%) d) Tái sử dụng nước (12%) e) Nguồn nước trong cộng đồng (19%) |
SDG 7: NĂNG LƯỢNG SẠCH VỚI GIÁ THÀNH HỢP LÝ a) Nghiên cứu về năng lượng sạch với giá cả hợp lý (27%) b) Các biện pháp năng lượng sạch (23%) c) Sử dụng năng lượng (27%) d) Năng lượng và cộng đồng (23%) | SDG 8: CÔNG VIỆC TỐT VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ a) Nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế và việc làm (27%) b) Tình trạng việc làm (19,6%) c) Các khoản chi cho mỗi nhân viên (15.4%) d) Tỷ lệ sinh viên thực tập (19%) e) Tỷ lệ nhân viên có hợp đồng bảo đảm (19%) |
SDG 9: CÔNG NGHIỆP, SÁNG TẠO VÀ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG a) Nghiên cứu về công nghiệp, đổi mới và phát triển hạ tầng (11.6%) b) Trích dẫn bằng sáng chế (15,4%) c) Số công ty con của trường đại học (34,6%) d) Thu nhập từ nghiên cứu trên mỗi nhân viên (38,4%) | SDG 10: GIẢM BẤT BÌNH ĐẲNG a) Nghiên cứu về giảm bất bình đẳng (27%) b) Tỷ lệ sinh viên thế hệ đầu tiên (15.5%) c) Tỷ lệ sinh viên từ các quốc gia đang phát triển (15.5%) d) Sinh viên và nhân viên khuyết tật (23%) e) Các biện pháp chống phân biệt đối xử (19%) |
SDG 11: CÁC THÀNH PHỐ VÀ CỘNG ĐỒNG BỀN VỮNG a) Nghiên cứu về các thành phố và cộng đồng bền vững (27%) b) Hỗ trợ nghệ thuật và bảo tồn di sản (22.6%) c) Khoản chi dành cho nghệ thuật và di sản (15.3%) d) Thực tiễn bền vững (35.1%) | SDG 12: TIÊU THỤ VÀ SẢN XUẤT CÓ TRÁCH NHIỆM a) Nghiên cứu về tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm (27%) b) Các biện pháp hoạt động (26.7%) b) Tỷ lệ rác thải được tái chế (27%) c) Ấn phẩm về báo cáo bền vững (19.3%) |
SDG 13: HÀNH ĐỘNG VỀ KHÍ HẬU a) Nghiên cứu về ứng phó với khí hậu (27%) b) Sử dụng năng lượng carbon thấp c) Các biện pháp giáo dục về môi trường (23%) d) Trung hòa cacbon (23%) | SDG 14: TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG BIỂN a) Nghiên cứu về tài nguyên và môi trường biển (27%) b) Hỗ trợ hệ sinh thái thủy sinh thông qua giáo dục liên (15.3%) c) Hỗ trợ hệ sinh thái thủy sinh thông qua hành động (19,4%) d) Xử lý chất thải nhạy cảm với nước (19,3%) e) Duy trì hệ sinh thái địa phương (19%) |
SDG 15: TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐẤT LIỀN a) Nghiên cứu về tài nguyên và môi trường trên đất liền b) Hỗ trợ hệ sinh thái đất liền thông qua giáo dục (23%) c) Hỗ trợ hệ sinh thái đất liền thông qua hành động (27%) d) Xử lý chất thải nhạy cảm với đất (23%) | SDG 16: HÒA BÌNH, CÔNG LÝ VÀ CÁC THỂ CHẾ MẠNH MẼ a) Nghiên cứu (27%) b) Các biện pháp quản trị trường đại học (26.6%) c) Phối hợp với chính phủ (23.2%) d) Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành luật và thực thi luật (23,2%) |
SDG 17: QUAN HỆ ĐỐI TÁC VÌ CÁC MỤC TIÊU a) Nghiên cứu (27.1%) b) Các mối quan hệ để hỗ trợ các mục tiêu (18,5%) d) Công bố báo cáo SDG (27,2%) e) Giáo dục về các SDG (27,2%) |
Minh chứng được đánh giá theo cách tính đơn giản. Nếu phép đo yêu cầu minh chứng, THE đặt ra một loạt câu hỏi và cho điểm dựa theo kết quả trả lời. Từng chỉ số có phương pháp luận chi tiết về cách đánh giá.Khi các trường cung cấp minh chứng, THE đánh giá xem minh chứng trả lời đầy đủ các câu hỏi, hay chỉ trả lời được một phần câu hỏi hoặc không trả lời được câu hỏi. Tương ứng với kết quả đánh giá minh chứng, trường sẽ đạt một điểm, nửa điểm hoặc không điểm. Nếu trường đại học không cung cấp dữ liệu cho một phép đo cụ thể thì sẽ nhận được 0 điểm cho phép đo đó.
Trong xếp hạng năm 2021, có 78% trong số 1.239 trường đại học tham gia đã nộp hồ sơ cho SDG 4[8], tiếp theo là SDG 3 (70%), SDG 5 (63%), 46% các trường đại học tham gia đã nộp hồ sơ cho SDG 13 (O’Malley, 2020). Có 53% trường đại học nộp hồ sơ cho SDG 16 ‘hòa bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ’, thể hiện vai trò quan trọng của các trường đại học trong việc cải thiện quản trị, minh bạch và trách nhiệm giải trình ở tất cả các cấp trong xã hội. Theo kết quả năm 2021, lĩnh vực hoạt động tốt nhất của các trường đại học là SDG9. Điểm trung bình của Top 100 là 93,22, với 4 trường đại học đạt 100 điểm. Điều này thể hiện sự xuất sắc trong lĩnh vực đổi mới, huy động tri thức và gắn kết với ngành.
- Bài học về hồ sơ minh chứng của Trường đại học Manchester – Vương Quốc Anh
Một trường đại học có thể chọn tham gia xếp hạng tất cả 17 SDG như trường đại học Manchester, Vương quốc Anh[9]. Đây là trường xếp thứ 1 trong bảng tổng sắp thế giới, của Châu Âu và của Vương quốc Anh về xếp hạng tác động năm 2021. Trường cũng đứng thứ 1 trong các bảng xếp hạng SDG 10 và SDG 11. Hồ sơ dữ liệu của Trường ĐH Manchester đăng ký xếp hạng tác động cho thấy tỷ trọng lớn nhất là về nghiên cứu của nhà trường trong tất cả 17 SDG và kết quả thể hiện là các bài báo nghiên cứu công bố trong 10 năm trước thời điểm xếp hạng. Trong số các SDG, nhà trường có công bố nhiều nhất ở SDG10 (32.130 bài), SDG9 (31.601 bài). Đây là hai lĩnh vực vượt trội hơn hẳn 15 lĩnh vực còn lại. Tiếp sau là SDG8 (23.871 bài), SDG3 (21.399 bài), SDG12 (18.207 bài); SDG11 (16.274 bài). Các SDG còn lại có số lượng bài đăng thấp hơn khá nhiều, từ 621 bài (SDG17) tới 13.360 bài (SDG1). Hồ sơ dữ liệu của nhà trường cho thấy về số lượng sinh viên tham gia vào các học phần liên quan tới các SDG, vượt trội nhất là 22.450 sinh viên liên quan tới SDG3, tiếp theo là SDG16 (18.835 sinh viên). Các SDG khác có từ 1.159 sinh viên (SDG2) tới 15.468 sinh viên (SDG8).
Số lượng các nghiên cứu trường hợp của trường đại học Manchester về tham gia xã hội và vận hành khá thấp so với số lượng bài nghiên cứu công bố.
Bảng 3.6. Phân tích dữ liệu xếp hạng của Trường ĐH Manchester – Vương Quốc Anh năm 2021
Theo lĩnh vực | SDG 1 | SDG 2 | SDG 3 | SDG 4 | SDG 5 | SDG 6 | SDG 7 | SDG 8 | SDG 9 | SDG 10 | SDG 11 | SDG 12 | SDG 13 | SDG 14 | SDG 15 | SDG 16 | SDG 17 |
Nghiên cứu (số bài nghiên cứu đã công bố giai đoạn 2009-2018) | 13.360 | 12.683 | 21.399 | 6.163 | 5.598 | 6.047 | 12.919 | 23.871 | 31.601 | 32.130 | 16.274 | 18.307 | 9.209 | 1.847 | 10.550 | 9.905 | 621 |
Học tập và sinh viên (số lượng sinh viên tham gia học phần) | 4.830 | 1.159 | 22.450 | 11.397 | 5.228 | 1.621 | 3.121 | 15.468 | 10.839 | 11.896 | 6.513 | 4.740 | 3.821 | 1.316 | 4.591 | 18.835 | 2.029 |
Tham gia xã hội (nghiên cứu trường hợp) | 6 | 4 | 21 | 50 | 15 | 1 | 2 | 8 | 16 | 34 | 31 | 9 | 7 | 4 | 9 | 7 | 17 |
Vận hành (các nghiên cúu trường hợp đã thu được) | 18 | 8 | 41 | 23 | 14 | 17 | 23 | 39 | 18 | 29 | 35 | 43 | 33 | 21 | 33 | 14 | 16 |
Nguồn: The university of manchester sustainable development goals.https://documents.manchester.ac.uk/display.aspx?DocID=55489
4. Thứ hạng cao về xếp hạng tác động của các trường đại học không thuộc nhóm đầu xếp hạng đại học thế giới
Trong tốp 50 trường hàng đầu trong bảng xếp hạng các trường đại học thế giới của THE (THE WUR) hàng năm thường chỉ có các trường đại học của một số quốc gia phát triển, hoặc các nước có một số trường đại học luôn giữ vị trí trong nhóm đầu của các bảng xếp hạng thế giới, thí dụ năm 2021 gồm: Hoa kỳ, Vương quốc Anh, Úc, Đức, Thụy Điển, Hà Lan, Đan Mạch, Canada, Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ, Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc[10]. Tuy nhiên trong bảng xếp hạng tác động của trường đại học do THE thực hiện nhiều trường đại học chưa được xếp vào nhóm 50 trường đại học hàng đầu của thế giới của THE (WUR) nay đã được xếp thứ hạng cao trong nhóm 50 (O’Malley, 2020).
Năm 2021, trong bảng xếp hạng tác động tổng thể, trường đại học Chualalongkorn của Thái lan xếp thứ 23[11]. Trong bảng xếp hạng tác động SDG 4 ‘Giáo dục có chất lượng’, trường Amrita Vishwa Vidyapeetham University của Ấn độ xếp thứ 5, trường Plekhanov Russian University of Economics của Liên bang Nga xếp thứ 8, trường Altai State University của Liên bang Nga xếp thứ 9, trường Universidad Católica de la Santísima Concepción của Chile xếp thứ 12, trường Ahlia University của Bahrain xếp thứ 13. Trong bảng xếp hạng tác động SDG 2 ‘Không còn nạn đói’, xếp thứ nhất là Metropolitan Autonomous University của Mexico. xếp thứ 7 là IPB University của Indonesia, xếp thứ 8 là Aswan University của Egypt. Trong bảng xếp hạng SDG 13 ‘Hành động về khí hậu’, University of Agriculture, Faisalabad của Parkistan xếp thứ 24, Bauman Moscow State Technical University của Liên bang Nga xếp thứ 28, Nove de Julho Unviersity của Brazil xếp thứ 33. Trong bảng xếp hạng SDG 5 –‘Bình đẳng giới’, xếp hạng thứ nhất là trường đại học Princess Nourah bint Abdultahman University của Saudi Arabian, xếp thứ 7 là trường Lahore College for Women University (LCWU) của Parkistan, xếp thứ 28 là Universiti Malaysia Sarawak của Malaysia[12].
Năm 2021 cũng có gia tăng đáng kể sự tham gia từ các trường đại học châu Á và châu Âu. Nhiều quốc gia châu Á có số lượng trường đại học trong bảng Xếp hạng tác động nhiều hơn đáng kể so với xếp hạng trường đại học thế giới của THE, thí dụ Iraq (37 so với 3), Pakistan (36 so với 17), Ai Cập (31 so với 21), Indonesia (18 so với 9) và Thái Lan (25 so với 17).
5. Kết quả xếp hạng tác động của trường đại học Việt Nam và của ĐHQGHN
THE Impact Rankings công bố kết quả xếp hạng lần đầu năm 2019. Năm 2020, Việt Nam chỉ có 2 cơ sở giáo dục đại học có mặt trong Bảng xếp hạng này. Năm 2021đã có 4 cơ sở giáo dục được xếp hạng, đó là Đại học Quốc gia Hà Nội (vị trí 401-600), Trường Đại học Tôn Đức Thắng (401-600), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (601-800), và Trường Đại học Phenikaa (801-1000). Các mục tiêu phát triển bền vững mà 4 trường đại học của Việt Nam có thứ hạng cao hơn các mục tiêu còn lại gồm: SDG 4, SDG 8, SDG 3, SDG 7, SDG 5, SDG 16, SDG 11. Riêng mục tiêu 4 chỉ có ĐHQGHN được xếp hạng tốt. Đây là mục tiêu về việc tạo cơ hội học tập cho mọi người, học tập có chất lượng và học tập suốt đời. Như vậy đây là mục tiêu mà các trường cần nỗ lực để có tiến bộ mạnh. Lần lượt từng mục tiêu 3, 7, 16, mỗi mục tiêu cũng chỉ có một trường được vào nhóm xếp hạng khá. Đây là các mục tiêu về ‘súc khỏe và có cuộc sống tốt’, ‘năng lượng sạch với giá thành hợp lý’, ‘hòa bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ’.Đây cũng là các mục tiêu mà các trường đại học Việt Nam cần tập trung phát triển.
Bảng 5.1.Kết quả điểm số xếp hạng tác động của 4 trường đại học Việt Nam năm 2021
Xếp hạng tổng thể | SDG 4 | SDG 8 | SDG 3 | SDG 7 | SDG 5 | SDG 16 | SDG 11 | SDG 17 | |
ĐHQGHN | 401-600 | 71.4 | 55.3-61.2 | 55.6-64.1 | 44.8 – 55.9 | ||||
Trường ĐH Tôn Đức Thắng | 401-600 | 61.3-68.3 | 47.4 – 55.1 | 45.4 – 53.8 | 44.8 – 55.9 | ||||
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội | 601-800 | 61.3-68.3 | 47.0-54.5 | 32.3 – 43.1 | 33.3 – 44.7 | ||||
Trường ĐH Phenika | 801-1000 | 61.3-68.3 | 43.1-57.4 | 0.3-23.8 | 22.7-33.2 |
Trong kỳ xếp hạng năm 2021,Đại học Quốc gia Hà Nội lần đầu tham gia tại 7 SDG bao gồm: SDG 17, SDG 3, SDG 4, SDG 5, SDG 8, SDG 10, SDG 16 và đã có thứ hạng tốt ở 4 SDG nêu trên. Trong 7 SDG tham gia xếp hạng, ĐHQGHN có thứ hạng thuộc top 400 trở lên trong 5 SDG.
Kết quả của ĐHQGHN cụ thể:
SDG 4. ĐHQGHN ở vị trí 92/966 cơ sở giáo dục tham gia xếp hạng. Đây là mục tiêu có thứ hạng cao nhất và ĐHQGHN đã lọt vào top 100 thế giới ở mục tiêu này.
Với điểm số 71.4 trong SDG 4, ĐHQGHN đã cao hơn 17% so với điểm trung bình của top 75% các CSGD tham gia xếp hạng,thấp hơn so với điểm trung bình của nhóm top đầu (kém 21.6 điểm).
Bảng 5.2. Điểm các chỉ số thành phần của ĐHQGHN trong SDG 4
# | Tiêu chí | Điểm số | Trọng số |
1 | Nghiên cứu về giáo dục sớm và giáo dục học tập suốt đời | 47.3 | 27 % |
2 | Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp sư phạm giảng dạy ở cấp tiểu học | 75.3 | 15.4% |
3 | Các biện pháp học tập suốt đời | 62.4 | 26.8% |
4 | Tỷ lệ sinh viên thế hệ đầu tiên | 98.3 | 30.8% |
SDG 5: ĐHQGHN thuộc nhóm 101-200/776 cơ sở giáo dục tham gia xếp hạng.
Điềm xếp hạng chung của SDG 5 của ĐHQGHN là 56.8, nằm trong nhóm 25% các cơ sơ giáo dục top đầu thế giới có đóng góp cho việc đảm bảo bình đẳng giới trong môi trường đào tạo.
Bảng 5.3. Điểm các chỉ số thành phần chính trong SDG 5
# | Tiêu chí | Điểm số | Trọng số |
1 | Nghiên cứu về bình đẳng giới | 59.1 | 27% |
2 | Tỷ lệ sinh viên nữ thế hệ đầu tiên | 85.3 | 15.4% |
3 | Các biện pháp tiếp cận/hỗ trợ sinh viên | 30.8 | 15.4% |
4 | Tỷ lệ nữ cán bộ khoa học cấp cao | 54.5 | 15.4% |
5 | Tỷ lệ sinh viên nữ tốt nghiệp | 95.1 | 11.5% |
6 | Các biện pháp vì sự tiến bộ của phụ nữ | 24 | 15.3% |
SDG 8: ĐHQGHN thuộc nhóm 201-300/685 cơ sở giáo dục tham gia xếp hạng.
Điểm xếp hạng chung của ĐHQGHN trong SDG 8 kém 6.3 điểm so top 25% các cơ sở giáo dục đại học đảm bảo về việc làm cho sinh viên và nhân viên với các chỉ số thành phần chính trong SDG 8 như sau:
Bảng 5.4. Điểm xếp hạng chung của ĐHQGHN trong SDG 8
# | Tiêu chí | Điểm số | Trọng số |
1 | Nghiên cứu về phát triển kinh tế và việc làm | 53.5 | 27% |
2 | Thực tế nghề nghiệp | 44.8 | 19.6% |
3 | Khoản chi trên nhân viên | 67.5 | 15.4% |
4 | Tỷ lệ sinh viên thực tập | 50.6 | 19% |
5 | Tỷ lệ nhân viên có hợp đồng lao động dài hạn | 69.5 | 19% |
SDG 17: ĐHQGHN thuộc nhóm 401-600/1154 cơ sở giáo dục tham gia xếp hạng.
Điểm tổng kết chung của ĐHQGHN trong SDG17 đang nằm trong nhóm giữa nhóm 25% và nhóm 50% cơ sở giáo dục đại học top đầu.
Bảng 5.5. Điểm các chỉ số thành phần chính trong SDG 17
# | Tiêu chí | Điểm số | Trọng số |
1 | Nghiên cứu về hợp tác để hiện thực hóa các mục tiêu | 71.2 | 27.1% |
2 | Quan hệ hợp tác hỗ trợ thực hiện các mục tiêu | 33.3 | 18.5% |
3 | Công bố báo cáo liên quan đến SDG | 33.3 | 27.2% |
4 | Giáo dục về các SDG | 58.3 | 27.2% |
ĐHQGHN cũng được xếp hạng ở SDG 3 với vị trí 601-800, SDG 10 với vị trí 301-400, SDG 16 ở vị trí 301-400.
6. Kết luận
Bảng xếp hạng tác động của trường đại học do THE xây dựng là lần đầu tiên thực hiện đánh giá trực tiếp các tác động xã hội và cộng đồng của trường đại học. Bảng xếp hạng thu hút được sự tham gia của một lượng rất lớn các trường đại học ở khắp thế giới (gần 1.500 trường năm 2021). Trong bảng xếp hạng tác động của trường đại học do THE thực hiện nhiều trường đại học chưa được xếp vào nhóm 50 trường đại học hàng đầu của thế giới của THE (WUR) nay đã được xếp thứ hạng cao, trong nhóm 50. Bảng xếp hạng tác động theo 17 mục tiêu phát triển của liên hiệp quốc đã đánh giá được vai trò của trường đại học tới sự phát triển của địa phương, khu vực đặt các cơ sở của trường.
Trường đại học cần cung cấp hồ sơ minh chứng đa dạng về tất cả các hoạt động của nhà trường. Qua hồ sơ dữ liệu xếp hạng của trường Đại học Manchester – Vương Quốc Anh cho thấy để đáp ứng yêu cầu của mỗi mục tiêu xếp hạng tác động, trường đại học cần phát triển đồng thời các nghiên cứu liên quan tới các mục tiêu, chuyển hóa các mục tiêu phát triển bền vững vào các nội dung giảng dạy của các học phần khác nhau, tất cả sinh viên của nhà trường cần tham gia tối thiểu một học phần như vậy, ngoài ra các hoạt động cộng đồng liên quan tới các mục tiêu phát triển bền vững cần phải được tăng cường. Đặc biệt các sáng kiến vận dụng mục tiêu phát triển bền vững vào thực tế cần trở thành ưu tiên hàng đầu.
Tuy Việt Nam mới chỉ có 4 trường đại học tham gia bảng xếp hạng tác động, nhưng kết quả xếp hạng đã cho thấy vị trí khá tốt trong một số mục tiêu. Cả bốn trường đều vào nhóm xếp hạng khá cao của mục tiêu 8 ‘Công việc tốt và phát triển kinh tế’. Đây là kết quả của sự tham gia tích cực của trường đại học ở Việt Nam vào việc tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng và đóng góp về trí tuệ cho sự phát triển của nền kinh tế. Đây là mặt mạnh mà các trường đại học Việt Nam cần đầu tư để phát triển ngày càng mạnh hơn. Kết quả xếp hạng mục tiêu 17 có kết quả khá tốt. Các lĩnh vực cần tăng cường là Nghiên cứu về hợp tác để hiện thực hóa các mục tiêu, Quan hệ hợp tác hỗ trợ thực hiện các mục tiêu, Công bố báo cáo liên quan đến SDG, Giáo dục về các SDG. Các mục tiêu 5 ‘bình đẳng giới’ và 11 ‘các thành phố và cộng đồng bền vững’ có 2 trường được xếp thứ hạng khá, và là các mục tiêu mà các trường đại học Việt Nam cần tăng cường để ngày càng tốt hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Albulescu, I., & Albulescu, M. (2014). The University in the community. The university’s contribution to local and regional development by providing educational services for adults. Procedia-Social and Behavioral Sciences, 142, 5-11.
Audretsch, David B., Marcel Hülsbeck, and Erik E. Lehmann. “Regional competitiveness, university spillovers, and entrepreneurial activity.” Small business economics 39.3 (2012): 587-601. DOI: 10.1007/s11187-011-9332-9
Các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hiệp quốc. https://vietnam.un.org/vi/sdgs
Chipperfield, Caroline. 2014.How can universities create stronger communities? https://www.britishcouncil.org/voices-magazine/how-can-universities-create-stronger-communities
Duke, C., Goddard, J., Puukka, J., Dubarle, P. and Benneworth, P. (2007) Higher Education and Regions: Globally Competitive, Locally Engaged. Documentation. OECD, Paris.
Fromhold-Eisebith, M., & Werker, C. (2013). Universities’ functions in knowledge transfer: a geographical perspective. The Annals of regional science, 51(3), 621-643.DOI 10.1007/s00168-013-0559-z
Hazelkorn, Ellen. 2020. Should universities be ranked for their SDG performance? University World News. 21 March 2020.
https://www.universityworldnews.com/post.php?story=20200317145134326
Lehmann, Erik E., and Susanne Warning. “The impact of regional endowment and university characteristics on university efficiency.” Available at SSRN 393780 (2010).
Mitchell, Nic. 2021. Treat communities as partners to improve social impact. University World News. 29 January 2021.
https://www.universityworldnews.com/post.php?story=20210129084451125
O’Malley, Brendan. 2019. SDGs ‘not attainable without contribution of HE’, UN told. University World News. 20 July 2019.
https://www.universityworldnews.com/post.php?story=20190719135507840
O’Malley, Brendan. 2020. Universities are key to achieving sustainable development. University World News. 11 July 2020.
https://www.universityworldnews.com/post.php?story=20200711094917938
OECD. (2007a) Higher Education and Regions — Globally Competitive,Locally Engaged: Executive summary. Paris: OECD. https://www.oecd.org/education/imhe/39378517.pdf
OECD. (2007b). Higher Education and Regions: Globally Competitive, Locally Engaged.
Puukka, J., & Marmolejo, F. (2008). Higher education institutions and regional mission: Lessons learnt from the OECD Review Project. Higher Education Policy, 21(2), 217-244.
QS World University Rankings.https://www.topuniversities.com/qs-world-university-rankings
Shin, Jung Cheol, Robert K. Toutkoushian, and Ulrich Teichler, eds. 2011. University rankings: Theoretical basis, methodology and impacts on global higher education. Vol. 3. Springer Science & Business Media, 2011
THE Impact Ranking methodology 2021. Verson 1.9.
The university of manchester sustainable development goals. https://documents.manchester.ac.uk/display.aspx?DocID=55489
Times Higher Education World University Ranking. https://www.timeshighereducation.com/world-university-rankings/2021/world ranking#!/page/0/length/25/sort_by/rank/sort_order/asc/cols/stats
Theo Mai Thị Quỳnh Lan (2021), Sách chuyên khảo “Đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học: Lý luận và thực tiễn”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.