Vai trò của đảm bảo chất lượng bên trong góp phần phát triển văn hóa chất lượng tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà nội

  1. Dẫn nhập

Mối quan hệ giữa đảm bảo chất lượng bên trong và văn hóa chất lượng là mối quan hệ tương tác, phụ thuộc lẫn nhau. Văn hóa chất lượng quyết định tính bền vững của hoạt động đảm bảo chất lượng. Mô hình đảm bảo chất lượng bên trong hoàn thiện với các tiêu chí đánh giá chất lượng rõ ràng, minh bạch trong từng lĩnh vực hoạt động của nhà trường sẽ giúp lượng hóa đánh giá mức độ đạt được của các hoạt động xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng từ đó có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Phát triển văn hóa chất lượng phải phù hợp với điều kiện cụ thể của trường, đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định trong nước và quốc tế. Hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong hiệu quả đã góp phần xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Văn hóa chất lượng của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là hiện thân của các giá trị cốt lõi, các nguyên tắc chỉ đạo, các phong cách và thái độ đóng góp chung vào hoạt động hàng ngày của tổ chức.

2. Khái niệHoạt động đảm bảo chất lượng bên trong ở Trường ĐHKHXH&NV

2.1 Khái niệm Đảm bảo chất lượng và Đảm bảo chất lượng bên trong

Đảm bảo chất lượng thực sự là hiện tượng khá mới trong giáo dục đại học nếu so sánh với các lĩnh vực  khác như công nghiệp hay kinh tế. Đảm bảo chất lượng trong giáo dục liên quan tới các chính sách, qui trình mang tính thực tiễn và đem lại hiệu quả cùng với chất lượng. Theo Harvey ( 2004) “Đảm bảo chất lượng trong giáo dục đại học là tập hợp các chính sách, thủ tục, hệ thống và thực hành trong và ngoài tổ chức được thiết kế để đạt được, duy trì và nâng cao chất lượng” (Harvey, 2004)

Các trường đại học phải thực hiện các chính sách và cơ chế về chất lượng để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng áp dụng trong giáo dục đại học, chính vì vậy đảm bảo chất lượng bên trong là “các chính sách và cơ chế được thực hiện trong trường đại học hoặc chương trình đào tạo để đảm bảo rằng nó được thực hiện các mục đích riêng của mình và đáp ứng các tiêu chuẩn áp dụng cho giáo dục đại học nói chung hoặc các tiêu chuẩn nghề nghiệp” (Martin và Stella, 2007).

 Mô hình ĐBCL bên trong của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á ( AUN) gồm các thành tố: công cụ kiểm tra; công cụ đánh giá; quy trình đảm bảo chất lượng cho các hoạt động cụ thể; công cụ đảm bảo chất lượng cụ thể; và các hoạt động liên tục cải thiện chất lượng. Đối với AUN, đảm bảo chất lượng trong giáo dục đại học là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng tất cả các lĩnh vực công tác của nhà trường và cung cấp định nghĩa đảm bảo chất lượng bên trong như sau:  “ tổng thể các hệ thống, nguồn lực và thông tin dành cho việc thiết lập, duy trì và cải thiện chất lượng và tiêu chuẩn của hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Đó là một hệ thống mà dưới sự tác động của nó, các nhà quản lý và nhân viên hài lòng với cơ chế kiểm soát đang hoạt động để duy trì và nâng cao chất lượng trong giáo dục đại học” (AUN, 2011).

Theo Nguyễn Hữu Cương (2017), ba đặc điểm chính của đảm bảo chất lượng: “Thứ nhất, đảm bảo chất lượng tập trung vào quy trình, để từ đó khẳng định với cả những đối tượng bên trong và bên ngoài nhà trường rằng nhà trường có các quy trình để tạo ra sản phẩm đầu ra có chất lượng cao; Thứ hai, đảm bảo chất lượng tập trung vào chức năng giải trình và cải tiến chất lượng; Thứ ba, đảm bảo chất lượng là một quá trình liên tục và thống nhất dựa trên các tiêu chí đánh giá và thông tin phản hồi” (Nguyễn Hữu Cương, 2016). Các cơ sở giáo dục đại học dựa trên ba đặc điểm của đảm bảo chất lượng để triển khai các hoạt động đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu các bên liên quan trong đó có tiêu chí đánh giá và thông tin phản hồi    Một sự khác biệt chính giữa giữa đảm bảo chất lượng bên ngoài và bên trong là đảm bảo chất lượng bên ngoài có thể là bắt buộc theo qui định của pháp luật hoặc tự nguyện và đảm bảo chất lượng bên trong được thực hiện trong cơ sở giáo dục đại học. Do vậy: “Đảm bảo chất lượng bên trong liên quan đến các chính sách và cơ chế của mỗi cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo để đảm bảo rằng cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo đó thực hiện được các mục tiêu cũng như là các tiêu chuẩn áp dụng cho giáo dục đại học nói chung hoặc cho cho từng lĩnh vực nghề nghiệp nói riêng (Sanya & Martin, 2007). Đảm bảo chất lượng bên ngoài được đặt ở bên ngoài cơ sở giáo dục, liên quan và thúc đẩy đảm bảo chất lượng bên trong thông qua các hình thức đánh giá khác nhau “Đảm bảo chất lượng bên ngoài liên quan đến các hoạt động của một đơn vị bên ngoài nhà trường, đó có thể là một tổ chức kiểm định chất lượng, đánh giá hoạt động của trường hoặc các chương trình đào tạo để quyết định liệu trường hoặc các chương trình đào tạo có đáp ứng các tiêu chuẩn đã thống nhất từ trước hay không” ( Martin & Stella, 2007).

Tuy nhiên cũng có sự chồng chéo hình thức giữa đảm bảo chất lượng bên ngoài và đảm bảo chất lượng bên trong: “Việc đánh giá để chuẩn bị công nhận, ví dụ như một dạng đảm bảo chất lượng bên trong nhưng được thực hiện trong quy trình của một công cụ đảm bảo chất lượng bên ngoài” (Frank Niedermeier, 2017). Giữa đảm bảo chất lượng bên trong và đảm bảo chất lượng bên ngoài là ranh giới về sự hoàn thiện công cụ và cơ chế. Cơ sở giáo dục đại học cần coi trọng các chuyên gia bên ngoài, nhận ra tầm quan trọng của các bên liên quan và hiểu lý do và mục tiêu đằng sau đảm bảo chất lượng bên ngoài.

Như vậy, hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong là hệ thống quản lý tổng thể áp dụng các cơ chế, chính sách để đảm bảo chất lượng tất cả các lĩnh vực hoạt động của nhà trường và khác với đảm bảo chất lượng bên ngoài là đơn vị đánh giá hay kiểm định chất lượng nhà trường và chương trình đào tạo.

2.2. Hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ( ĐHKHXH&NV) là sự nối tiếp từ Ban Văn Khoa của Đại học Tổng hợp cho đến nay đã có bề dày lịch sử hơn 75 năm. Sứ mệnh của Trường là “ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao; nghiên cứu sáng tạo và truyền bá tri thức về khoa học xã hội và nhân văn, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước” với các giá trị cốt lõi và khẩu hiệu hành động “ Tiên phong – Sáng tạo – Chất lượng cao – Trình độ cao”.

    Với triết lý giáo dục “Giáo dục khai phóng”  nhằm đề cao yếu tố con người, hướng tới phát huy tối đa sự sáng tạo của cá nhân, giải phóng tư duy của con người tạo điều kiện cho họ phát huy hết khả năng cá nhân. Triết lý này đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động của Trường ĐHKHXH&NV trong giai đoạn hiện nay.

2.2.1. Cơ cấu tổ chức bộ máy đảm bảo chất lượng của Trường ĐHKHXH&NV

Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của nhà trường được xây dựng trên theo mô hình đảm bảo chất lượng của AUN-QA có sự tham khảo, đối sánh từ các mô hình của các trường tiên tiến trên thế giới.  Cơ cấu tổ chức về hoạt động đảm bảo chất lượng (ĐBCL) bên trong đã được thống nhất từ Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đến Trường ĐHKHXH&NV và đến  các khoa, phòng chức năng trực thuộc trường. Việc thành lập Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Giáo dục năm 2006 là bước ngoặt quan trọng để hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong  của Trường hình thành và dần được hoàn thiện. Hệ thống ĐBCL bên trong được định hướng đáp ứng tốt sứ mệnh, tầm nhìn, đạt các mục tiêu chiến lược của nhà trường và đáp ứng tốt yêu cầu của các bên có liên quan. Hệ thống ĐBCL bên trong được thiết kế và vận hành thực hiện các mục tiêu:  Đánh giá, đo lường, kiểm soát chất lượng toàn diện từ đó bảo đảm và nâng cao chất lượng của nhà trường; Đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn, qui định của các tổ chức, cơ quan kiểm định chất lượng trong nước và quốc tế.

Trung tâm Đảm bảo chất lượng giáo dục ( TTĐBCLGD) thành lập theo Quyết định số 1784/QĐ-XHNV-TC, ngày 21/6/2006.  Trung tâm có chức năng tham mưu cho Ban Giám hiệu trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, nguồn lực, công cụ thực hiện, kiểm tra, đánh giá… nhằm vận hành hệ thống ĐBCL bên trong và tổ chức triển khai các kế hoạch công tác ĐBCL trong toàn Trường. Trung tâm ĐBCLGD cũng có nhiệm vụ giám sát và hỗ trợ các đơn vị trong Trường thực hiện các hoạt động ĐBCL, hướng dẫn, phối hợp với các khoa các phòng chức năng trong công tác đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục và đánh giá chất lượng cấp chương trình đào tạo theo các bộ tiêu chuẩn khác nhau. Tính đến năm 2020, Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Đào tạo gồm 4 cán bộ: 01 PGS; 02 TS; 01 ThS, trong đó lãnh đạo trung tâm được tham gia khóa học đào tạo kiểm định viên và có thẻ kiểm định viên, 01 cán bộ có bằng Thạc sĩ về đo lường đánh giá.

Đồng thời, để đảm bảo vận hành các hoạt động đảm bảo chất lượng có hiệu quả, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng vì đây là công việc mới mẻ, triển khai khó tránh khỏi lúng túng. Những cán bộ có năng lực, có khả năng tiếp thu cái mới, có tinh thần trách nhiệm với công việc được bố trí tham gia công tác đảm bảo chất lượng. Ngoài ra nhà trường rất chú trọng đào tạo bồi dưỡng cán bộ kiến thức, chuyên môn và nghiệp vụ đảm bảo chất lượng. Các cán bộ của trường đã được tham dự khóa tập huấn IQA ( ĐBCL bên trong) do DAAD phối hợp với AUN, Đại học Potsdam ( CHLB Đức)  tổ chức giai đoạn 2016 -2018. Ngoài ra, các cán bộ tham gia các khóa tập huấn về ĐBCL theo hình thức webinar do các tổ chức quốc tế thực hiện như ASEANQA, AUN, SEAMEO hay các hội thảo online về ĐBCL do Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và một số trường đại học trong nước tổ chức.

Hàng năm, cán bộ các khoa có chương trình đào tạo (CTĐT) được đánh giá chất lượng (ĐGCL) hay kiểm định chất lượng (KĐCL) đều được tham gia khóa tập huấn viết báo cáo tự đánh giá do chuyên gia Viện Đảm bảo Chất lượng Giáo dục ( ĐHQGHN) hướng dẫn tập huấn. Các giảng viên còn được tham gia các khóa học về thiết kế chuẩn đầu ra, xây dựng đề cương học phần, thiết kế các phương pháp kiểm tra đánh giá do ĐHQGHN tổ chức. Mặt khác, để nâng cao nhận thức và nghiệp vụ về ĐBCL như xây dựng văn hóa chất lượng, Nhà trường tổ chức tập huấn cho từng khoa/bộ môn có CTĐT sẽ được đánh giá trong năm về viết báo cáo tự đánh giá và cách thức thu thập, mã hóa và lập danh mục mã hóa minh chứng và lưu giữ hồ sơ đánh giá từng CTĐT. Các chuyên gia ĐBCL nước ngoài từ Đại học Potsdam ( CHLB Đức), Úc đã đến trao đổi kinh nghiệm về ĐBCL trong giảng dạy và học tập với các lãnh đạo khoa và phòng chức năng của nhà trường.  

2.2.2  Các qui định về đảm bảo chất lượng

   Ban Giám hiệu trường tổ chức xây dựng chiến lược, định hướng phát triển, ban hành chính sách, mục tiêu chất lượng, phê duyệt các kế hoạch, chương trình và phân bổ nguồn lực, chỉ đạo thực hiện các kế hoạch, chương trình nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra. Để các hoạt động ĐBCL thực hiện chuyên nghiệp, thống nhất từ cấp trường tới các đơn vị trong trường ĐHQGHN,  nhà trường đã ban hành các qui định, hướng dẫn về hoạt động ĐBCL. Bên cạnh đó, Trường đã ban hành một số quy định và hướng dẫn bổ sung nhằm tăng cường công tác ĐBCL của đơn vị trên cơ sở quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm, cụ thể như: Phân cấp quản lý và Quy trình quản lý, Quy chế Tổ chức và Hoạt động của Trường; Quy chế chi tiêu nội bộ. Vai trò và trách nhiệm của Trung tâm ĐBCLGD được phân định rõ ràng trong “Phân cấp quản lý các hoạt động tại trường ĐHKHXH&NV”. Tất cả các hoạt động ĐBCL của trường đều thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, ĐHQGHN và hướng dẫn của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN). 

Mọi qui định ĐBCL được triển khai theo kế hoạch chiến lược ĐBCL theo Chiến lược phát triển trường đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Chiến lược phát triển trường đến năm 2025, tầm nhìn 2035. Từ chỉ tiêu cơ bản Chiến lược phát triển trường, nhà trường đã xây dựng kế hoạch đánh giá chất lương và kiểm định chất lượng các CTĐT giai đoạn 2016 -2020 và 2021-2025. Hàng năm, nhà trường đều xây dựng kế hoạch công tác ĐBCL, các đơn vị dựa trên kế hoạch đó triển khai các hoạt động khảo sát lấy ý kiến các bên liên quan và ĐGCL, KĐCL các CTĐT. Các hoạt động lấy ý kiến phản hồi các bên liên quan đều được thực hiện hàng năm theo “Hướng dẫn lấy ý kiến phản hồi các bên liên quan” của ĐHQGHN. Ngoài ra, các hoạt động khảo sát khác cũng được thực hiện theo nhu cầu đánh giá chất lượng các CTĐT, cơ sở giáo dục và các yêu cầu từ các bộ ngành liên quan.

2.2.3. Các công cụ, qui trình đảm bảo chất lượng bên trong  

Mô hình ĐBCL của trường rất chú trọng vào mô hình cấp chương trình đào tạo thể hiện rõ điểm mạnh vào tính mới của tri thức, thương hiệu của nhà trường gắn với các nghiên cứu khoa học được công bố. Chất lượng đào tạo gắn liền với toàn bộ qui trình đào tạo liên quan tới đội ngũ cán bộ, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, nội dung chương trình dạy học, chuẩn đầu ra… điều này có ý nghĩa quan trọng đến chất lượng đầu ra của sinh viên. Hoạt động lấy ý kiến phản hồi của các bên liên quan rất cần thiết để đo lường và đánh giá kết quả đầu ra. Hoạt động khảo sát các bên liên quan được thực hiện định kỳ theo “ Hướng dẫn đánh giá chất lượng thông qua phản hồi các bên liên quan” với các mẫu phiếu khảo sát: Hoạt động lấy ý kiến giảng viên,  Lấy ý kiến phản hồi người học về học phần, Lấy ý kiến phản hồi về chất lượng các hoạt động hỗ trợ người học, Lấy ý kiến phản hồi của người học tốt nghiệp, Lấy ý kiến nhà sử dụng lao động.  Năm 2017, Nhà trường đã chuyển đổi hình thức thực hiện khảo sát Lấy ý kiến phản hồi người học về học phần từ phát giấy trực tiếp sang hình thức trực tuyến. Đến nay phần mềm khảo sát trực tuyến đã được nâng cấp nhiều lần, sử dụng ổn định trong năm 2020 và 2021. Việc khảo sát bằng hình thức trực tuyến đã tiết kiệm nhiều chi phí về nguồn lực con người và tài chính. Số lượng học phần/số lượng giảng viên đã được lấy phản hồi là 100%.

Ngoài ra, Trường còn xây dựng thêm Bộ công cụ khảo sát tự đánh giá chất lượng giáo dục CTĐT, Bộ công cụ khảo sát đánh giá chất lượng giáo dục cấp Trường lấy ý kiến các bên liên quan về chuẩn đầu ra, chương trình dạy học , cơ sở vật chất … để phục vụ cho cải tiến chất lượng CTĐT và nhà trường.

Trung tâm ĐBCLGD với chức năng nhiệm vụ là đầu mối thực hiện công tác ĐBCL của Trường, tham mưu cho Ban Giám hiệu về quản lý chất lượng giáo dục, rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Trường đã ban hành Sổ tay ĐBCL bao gồm các qui trình hướng dẫn triển khai các hoạt động tự đánh giá, đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn AUN – QA, Bộ GD&ĐT và đánh giá đồng cấp của ĐHQGHN; Các qui trình thực hiện khảo sát các bên liên quan. Tất cả các phòng chức năng của trường đều xây dựng qui trình thực hiện công việc nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy, kiểm tra đánh giá và nghiên cứu khoa học.

Cuối tháng 12 hàng năm, Hội nghị công tác ĐBCL được tổ chức nhằm đánh giá hoạt động ĐBC , tập trung vào các nhóm vấn đề: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác ĐBCL (gồm ĐGCL và hoạt động khảo sát) nêu điểm mạnh, hạn chế và nguyên nhân; Rà soát các qui trình thực hiện hoạt động ĐBCL; Ý kiến đóng góp của các đơn vị về công tác ĐBCL của nhà trường; Thống nhất mục tiêu, kế hoạch ĐBCL cho năm tiếp theo. Hội nghị có sự tham của tất cả các phòng chức năng, khoa/bộ môn trong trường.

3. Xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng tại Trường ĐHKHXH&NV

Những năm gần đây, văn hóa chất lượng trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu trong các cơ sở giáo dục đại học. Văn hóa chất lượng là khái niệm trung tâm của mọi chính sách phát triển giáo dục đại học ở các cấp độ khác nhau và có rất nhiều khái niệm về văn hóa chất lượng.  Theo Harvey (2004)“Văn hóa chất lượng là một tập hợp các nhóm giá trị hướng dẫn cách thực hiện các cải tiến đối với thực tiễn làm việc hàng ngày và kết quả đầu ra” (Harvey, 2004). Từ định nghĩa của Harvey cho thấy văn hóa của một tổ chức là hiện thân của các giá trị cốt lõi, các nguyên tắc chỉ đạo, các phong cách và thái độ đóng góp chung vào hoạt động hàng ngày của tổ chức.

   Cách tiếp cận văn hóa chất lượng của Đại học Quốc gia Hà Nội theo quan điểm là hệ thống, các giá trị chuẩn mực và thói quen làm việc có chất lượng từ những công việc thực tiễn hàng ngày của từng đơn vị và cá nhân cũng tương đồng với cách tiếp cận của Harvey (2004). Văn hóa chất lượng phải được thấm nhuần trong qui tắc hành động và thói quen thực hiện tốt nhiệm vụ được giao của tất cả đội ngũ cán bộ, giảng viên và người học nhằm tạo ra những sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xã hội.

ĐHQGHN đã xác định các cấp độ văn hóa chất lượng và các nội dung thực hiện xây dựng văn hóa chất lượng đối với các trường đại học thành viên (Phạm Trọng Quát, 2011):

– Ở cấp độ đơn vị (là các trường đại học thành viên), văn hoá chất lượng biểu hiện qua việc xây dựng và vận hành có hiệu quả hệ thống đảm bảo chất lượng bao gồm việc xây dựng được chiến lược tốt về đảm bảo chất lượng của đơn vị, xây dựng bộ phận thường trực về đảm bảo chất lượng làm việc có hiệu quả.

– Ở cấp độ cá nhân, được biểu hiện qua việc hoàn thành công việc có chất lượng cao, đúng thời hạn, đảm bảo đủ số lượng sản phảm, đáp ứng yêu cầu, chi phí hợp lý đáp ứng kĩ năng làm việc nhóm, đoàn kết, dân chủ…

Với cách tiếp cận văn hóa chất lượng tại trường ĐHKHXH&NV, PGS. Nguyễn Kim Sơn đề xuất: “Văn hóa chất lượng trong giáo dục đại học hiểu một cách đơn giản là những suy nghĩ, quan điểm và định hướng của một người, một tổ chức đến chất lượng dạy và học nhằm đạt đến các mức chất lượng tốt hơn theo thời gian”. (Nguyễn Kim Sơn, 2011).

Mặc dù, quan niệm về văn hóa chất lượng của các nhà nghiên cứu từ các góc độ khác nhau nhưng tựu chung: văn hóa chất lượng là một hệ thống các giá trị của tổ chức.
        Để có thể đạt được các mục tiêu,  ĐHQGHN thống nhất 6 nội dung để triển khai các bước thực hiện xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng tại các trường thành viên.

TTNội dung các bước triển khaiHoạt động triển khai tại trường và kết quả đạt được
1Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho tất cả các bên liên quan hiểu đúng giá trị, ý nghĩa và lợi ích do chất lượng giáo dục đem lại.– Thông tin ĐBCL đăng tải trên website của trường ( http://ussh.edu.vnu.vn) – Phổ biến về ĐBCL trong các cuộc tập huấn về ĐBCL và tập huấn viết báo cáo tự đánh giá CTĐT cho các cán bộ trong nhà trường.
2 Ban hành và tổ chức thực hiện các quy chế, quy định về đảm bảo chất lượng giáo dục trong đơn vị như các quy định về kiểm định chất lượng giáo dục, đánh giá chất lượng, quy định về xây dựng và phát triển VHCL, các quy trình ISO trong đơn vị…– Phân cấp quản lý các hoạt động trong trường ĐHKHXH&NV trong đó có qui định hoạt động ĐBCL. – Mục tiêu chiến lược phát triển văn hóa chất lượng trong trường trong Chiến lược phát triển trường đến năm 2025 và tầm nhìn 2035. – Ban hành kế hoạch đánh giá chất lượng và kiểm định chất lượng CTĐT theo tiêu chuẩn AUN –QA, Bộ GD&ĐT và ĐHQGHN theo giai đoạn 2016-2020, 2021-2025 và kế hoạch đánh giá chất lượng hàng năm. – Tất cả các phòng chức năng đều xây dựng các qui trình triển khai công việc theo ISO.
3Hướng dẫn tập huấn để triển khai các qui định về ĐBCL giáo dục trong đơn vị– Hàng năm, nhà trường đều tổ chức tập huấn viết báo cáo tự đánh giá CTĐT cho cán bộ các phòng chức năng  và giảng viên các khoa có CTĐT sẽ được đánh giá chất lượng hoặc kiểm định chất lượng
4 Xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch nhiệm vụ năm học và kế hoạch đảm bảo chất lượng tích hợp với các nội dung thực hiện VHCL.– Hàng năm , nhà trường đều xây dựng kế hoạch công tác đảm bảo chất lượng từng tháng và từng năm học.
5Triển khai kiểm tra, giám sát định kì, chú trọng các đánh giá từ bên ngoài đơn vị để xác định những mặt tích cực và những điểm còn hạn chế, những điển hình tiêu biểu của đơn vị trong các hoạt động đảm bảo chất lượng và xây dựng VHCL.

– Hàng năm đều triển khai lấy ý kiến phản hồi các bên liên quan theo Hướng dẫn của Viện ĐBCLGD (ĐHQGHN) – Lấy ý kiến phản hồi các bên liên quan về CTĐT, về cơ sở giáo dục.
6Tổ chức sơ kết, tổng kết về xây dựng và phát triển VHCL, phát hiện những điển hình tiêu biểu để phổ biến và nhân rộng, đồng thời chỉ ra những mặt còn hạn chế và đưa ra các biện pháp cải tiến.  – Tổ chức Hội nghị đảm bảo chất lượng hàng năm .

   Từ các nội dung văn hóa chất lượng của ĐHQGHN, trường ĐHKHXH&NV đã chi tiết hóa các nội dung cụ thể đối với văn hóa chất lượng trong lĩnh vực đào tạo (Nguyễn Kim Sơn, 2011).

TTVăn hóa chất lượng trong lĩnh vực đào tạoHoạt động triển khai tại trường ĐHKHXH&NV
1Xây dựng văn hóa chất lượng gắn liền với ĐBCL giảng dạy và học tập của thầy và trò– Hàng năm, lấy ý kiến phản hồi các bên liên quan về học phần, chất lượng các hoạt động hỗ trợ học tập, chương trình đào tạo. – Lấy ý kiến các bên liên quan phục vụ đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục.
2Văn hóa chất lượng gắn liền với đảm bảo chất lượng của các khoa/ ngành/ chương trình đào tạo-Trong giai đoạn 2016 -2020, 100% CTĐT của nhà trường đã được ĐGCL và KĐCL theo các bộ tiêu chuẩn khác nhau trong đó có 7 CTĐT được ĐGCL theo tiêu chuẩn AUN – QA, 4 CTĐT được KĐCL theo tiêu chuẩn Bộ GD&ĐT, các CTĐT còn lại được ĐGHQGHN đánh giá đồng cấp. -Trong giai đoạn 2021 -2025, kế hoạch ĐGCL và KĐCL CTĐT gồm: 100% CTĐT của nhà trường đã được ĐGCL và KĐCL theo các bộ tiêu chuẩn khác nhau trong đó 30% CTĐT Thạc sĩ, thêm 1/3 CTĐT đại học được ĐGCL theo tiêu chuẩn AUN – QA.  
3Văn hóa chất lượng gắn liền với cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo.– Xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng trường và các chương trình đào tạo theo khuyến nghị đánh giá ngoài. – Đề án cải tiến chất lượng Trường giai đoạn 2018 – 2021 được xây dựng và triển khai ở tất cả các lĩnh vực hoạt động nhà trường có những hạng mục đầu tư kinh phí lớn như: Đào tạo tiếng Anh cho cán bộ, Điều chỉnh CTĐT, chuẩn đầu ra CTĐT, đa dạng hóa các loại hình khảo sát lấy ý kiến các bên liên quan…..

   Từ các hoạt động triển khai của trường, có thể khẳng định xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng là một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi thời gian thực hiện, quá trình thực hiện cùng với đầu tư các nguồn lực để hoạt động được tiến hành một cách chuyên nghiệp và khoa học.

4. Những giá trị văn hóa chất lượng ở trường ĐHKHXH&NV

Xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng đã, đang và sẽ giúp trường ĐHKHXH&NVcó định hướng chiến lược phát triển phù hợp, định vị rõ chất lượng và văn hóa chất lượng trong các văn bản, nghị quyết của trường. Với hệ thống chính sách chất lượng, kế hoạch chất lượng, các giá trị chia sẻ, công cụ, tiêu chí và qui trình ĐBCL phù hợp, mọi thành viên trong trường cam kết thực hiện công việc có chất lượng sẽ giúp hình thành văn hóa chất lượng trong trường. Đồng thời qua đó sẽ giúp trường thích ứng với những thay đổi tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế, thể hiện rõ cam kết chất lượng với xã hội, hình thành môi trường quản lý chất lượng. Văn hóa chất lượng chính là nền tảng và động lực để trường duy trì và nâng cao chất lượng tạo dựng một bản sắc riêng mang tính nhân văn, văn hóa phương Đông. Một vài giá trị đã được đúc kết từ các hoạt động đảm bảo chất lượng nhằm xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng trong trường.

4.1. Giá trị cốt lõi “chất lượng”

Chất lượng được xác định là giá trị ưu tiên hàng đầu trong hệ thống giá trị cốt lõi của trường. Với phương châm “chất lượng là sự phù hợp với mục tiêu” nên trong các văn bản tuyên bố sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi đều có từ “chất lượng cao”. Từ sứ mệnh, tầm nhìn, trường đã xây dựng các chiến lược phát triển ngắn hạn, trung hạn và dài hạn phù hợp với tình hình phát triển từng giai đoạn.  Giá trị cốt lõi của nhà trường được tuyên bố trong Chiến lược phát triển trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đến năm 2025 và tầm nhìn 2035 như sau: Tiên phong – Sáng tạo – Chất lượng cao – Trình độ cao. Giá trị cốt lõi của trường đã truyển tải văn hóa chất lượng mang bản sắc khoa học xã hội và nhân văn, mang tính định hướng và dẫn dắt các hoạt động nhà trường đáp ứng yêu cầu của xã hội và các bên liên quan.  Văn hóa chất lượng được hình thành và phát triển tại Trường ĐHKHXH&NV song hành với chính sách chất lượng, là những yếu tố then chốt hàng đầu, đồng thời thể hiện văn hóa tổ chức của trường. Trường cũng đã ban hành Chính sách chất lượng gồm 6 hoạt động cốt lõi liên quan tới các lĩnh vực công tác của trường.

Văn hóa chất lượng là một trong 5 mục tiêu chiến lược phát triển trường được ghi nhận trong Chiến lược phát triển trường đến năm 2025 và tầm nhìn 2035 với nội dung: “Tăng cường văn hóa chất lượng từ tiến độ đến hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của Trường, chuyên nghiệp hóa các hoạt động quản lý, đào tạo, nghiên cứu; xây dựng tinh thần cộng đồng, cùng gánh vác, chia sẻ trách nhiệm trong việc giải quyết các công việc chung vì sự phát triển của Nhà trường. Đặt chất lượng phù hợp với chiến lược và mục tiêu lên hàng đầu; Tiến tới thực hiện kiểm định chất lượng nhà trường theo tiêu chuẩn Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA), đồng thời, 100 % các chương trình đào tạo cử nhân và 30% chương trình đào tạo thạc sĩ được kiểm định chất lượng và đánh giá chất lượng theo các bộ tiêu chuẩn trong nước và quốc tế”.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hiện nay cũng như trong tương lai sẽ phát triển trong quan hệ hữu cơ với định hướng, thành tựu, những bước phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội, của ngành giáo dục và đất nước. Trường quán triệt sâu sắc và thực hiện sáng tạo định hướng xây dựng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành một trường đại học nghiên cứu tiên tiến, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, tiến tới có một số lĩnh vực nghiên cứu, ngành và chuyên ngành đào tạo đạt trình độ khu vực và quốc tế.

4.2. Giá trị nhận thức và cùng hành động

 Vai trò của người lãnh đạo trong phát triển văn hoá chất lượng để tạo ra sự gắn kết tự nguyện và sự đồng thuận sáng tạo cán bộ, giảng viên và sinh viên trong nhà trường rất quan trọng. Xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng phải đảm bảo sự cân bằng giữa tiếp cận từ trên xuống Ban Giám hiệu nhà trường khởi xướng, lãnh đạo và gương mẫu thực hiện. Các hoạt động đánh giá chất lượng và kiểm định chất lượng các CTĐT theo các bộ tiêu chuẩn AUN – QA, Bộ GD&ĐT, ĐHQGHN được thực hiện thường xuyên và đạt kết quả tốt. Đấy chính là sự đồng thuận tạo nên một thể thống nhất từ Ban Giám hiệu tới Ban lãnh đạo các khoa, cán bộ và giảng viên của nhà trường. Giá trị nhận thức và cùng hành động này được kết tinh từ nhận thức của từng cá nhân hội tụ lại tạo thành ý chí, sức mạnh tập thể cùng hành động, một nét đẹp trong văn hóa phương Đông.

Sự nhận thức về yêu cầu đảm bảo chất lượng trong giảng dạy và học tập, nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng viên nhà trường đã có bước tiến đột phá. Với tư duy bảo thủ cố hữu 5 năm trước đây rất nhiều giáo sư, phó giáo sư, giảng viên các khoa đều có ý kiến” CTĐT của chúng tôi rất tốt vẫn tuyển sinh được rất nhiều không cần phải đánh giá chất lượng” nhưng đến nay các khoa đào tạo đều nhất trí với chủ trương nhà trường: tất cả các CTĐT đại học được đánh giá chất lượng và trong 5 năm tới có thêm 1/3 CTĐT được đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn AUN – QA, 35% CTĐT Thạc sĩ cũng được đánh giá chất lượng và kiểm định chất lượng.  Các hoạt động của trường luôn hướng đến mục tiêu đào tạo chất lượng cao và điều đó đã đặt ra cần có sự đổi mới trong công tác đảm bảo chất lượng. Sự thay đổi nhận thức đã tạo ra thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đánh giá CTĐT, lấy ý kiến phản hồi các bên liên quan và sự tiếp thu ý kiến đóng góp từ bên ngoài đối với nhà trường và CTĐT.

Lãnh đạo nhà trường rất mong muốn lắng nghe các ý kiến đóng góp của cán bộ, giảng viên và sinh viên về tất cả các lĩnh vực hoạt động trong trường. Các giảng viên, cán bộ và sinh viên nhà trường đều được cử đại diện trong các Hội đồng tự đánh giá cấp cơ sở giáo dục và chương trình đạo tạo, tham gia, thảo luận, đóng góp và thực hiện cải tiến chất lượng các hoạt động để xây dựng và phát triển văn hoá chất lượng trong trường. Chính văn hóa chất lượng giúp mọi thành viên tuân theo các giá trị, nguyên tắc và chuẩn mực của tổ chức với tinh thần tự giác, thái độ hợp tác, trách nhiệm và chia sẻ, đề cao ý thức tập thể, đấy cũng chính là bản sắc nhân văn mang dấu ấn văn hóa phương Đông. Một số khoa đã phân công Phó trưởng khoa phụ trách công tác ĐBCL có nhiệm vụ giúp lãnh đạo triển khai các hoạt động ĐBCL đơn vị. Công việc của phó trưởng khoa phụ trách ĐBCL tập trung điều phối triển khai các hoạt động tự đánh giá CTĐT theo bộ tiêu chuẩn AUN – QA, Bộ GD&ĐT, ĐHQGHN; xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động cải tiến chất lượng theo khuyến nghị của đoàn đánh giá ngoài; phối hợp với TTĐBCLGD thực hiện các công việc khác theo quy định, quy trình về các hoạt động ĐBCL của Trường; Thực hiện khảo sát lấy ý kiến các bên liên quan về CTĐT.

    Để nâng cao kiến thức trong lĩnh vực ĐBCL và tự đánh giá CTĐT, Trường phối hợp với Viện ĐBCLGD thường xuyên tổ chức tập huấn về ĐBCL và viết báo cáo tự đánh giá CTĐT theo các bộ tiêu chuẩn khác nhau cho đội ngũ cán bộ các phòng chức năng và lãnh đạo và giảng viên của khoa đào tạo. Trường cũng mong muốn các cán bộ giảng viên được tiếp cận với các xu thế nghiên cứu ĐBCL mới nhất trên thế giới nên đã mời các chuyên gia nước ngoài từ CHLB Đức và Úc đến trao đổi kinh nghiệm về ĐBCL trong giảng dạy và học tập. Chỉ khi các cán bộ và giảng viên của nhà trường hiểu đầy đủ về văn hóa chất lượng thì mọi công việc sẽ được triển khai một cách nhanh chóng và hiệu quả.  

4.3.   Giá trị cải tiến không ngừng

    Văn hóa chất lượng là công cụ và phương pháp phù hợp với triết lý cải tiến chất lượng liên tục cho mô hình quản lý chất lượng tổng thể. Tất cả mọi hoạt động bên trong và lẫn bên ngoài trường đại học có thể được gắn kết và hợp tác chặt chẽ hướng đến mục tiêu chung và đặt chất lượng lên hàng đầu. Hoạt động ĐBCL bên trong những năm qua đã mang lại nhiều hiệu quả, đóng góp tích cực góp phần phát triển văn hóa chất lượng của nhà trường. Mặc dù đạt được những kết quả tốt nhưng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của trường vẫn luôn được cải tiến liên tục.

 Năng lực tổ chức triển khai các hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong được nâng cao cùng với các kiến thức chuyên sâu về ĐBCL đã đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra trong công tác ĐBCL của trường và luôn được ĐHQGHN đánh giá cao các hoạt động ĐBCL. Hoạt động tự đánh giá và đánh giá ngoài cơ sở giáo dục và các CTĐT đã triển khai thực hiện có hiệu quả và sau mỗi lần đánh giá chất lượng CTĐT, bộ phận ĐBCL của nhà trường đều có cải tiến những hạn chế để các lần đánh giá sau được tốt hơn. Trường đã hoàn thành chỉ tiêu của Nghị quyết Đảng ủy nhà trường 100 % các CTĐT được đánh giá chất lượng và kiểm định chất lượng theo các bộ tiêu chuẩn khác nhau giai đoạn (2016 – 2020).  Việc vận dụng bộ tiêu chuẩn AUN – QA để đánh giá chất lượng các CTĐT của trường đã góp phần thúc đẩy đảm bảo chất lượng trong giảng dạy và học tập cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất của từng khoa nói riêng và nhà trường nói chung. Việc đánh giá chất lượng CTĐT theo tiêu chuẩn AUN –QA giúp cho các CTĐT và nhà trường hội nhập với các trường đại học khác trong khu vực.

Trường đã xây dựng và ban hành được hệ thống văn bản, quy trình, quy định tạo cơ sở cho các hoạt động đảm bảo chất lượng trong Trường được triển khai trong toàn trường. Việc ban hành Sổ tay đảm bảo chất chất lượng ( 2018) và điều chỉnh bổ sung (2020)  với các qui trình triển khai lấy ý kiến các bên liên quan, qui trình tự đánh giá, đánh giá ngoài là cẩm nang để các phòng chức năng và các khoa đối chiếu thực hiện. Các qui trình này được cải tiến liên tục để thích ứng và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới ví dụ: do dịch bệnh SAR CoV- 2 nên AUN – QA đã chuyển hình thức đánh giá ngoài CTĐT từ khảo sát thực địa sang trực tuyến, ngay sau đó trường cũng đã thay đổi qui trình đánh giá ngoài theo hình thức trực tuyến.

Nhà trường chú trọng tới hoạt động phản hồi các bên liên quan tăng cường và mở rộng các đối tượng khảo sát. Các hoạt động lấy ý kiến phản hồi các bên liên quan về chất lượng giảng dạy, chất lượng học phần, chất lượng chương trình đào tạo, chất lượng các hoạt động hỗ trợ học tập được thực hiện thường xuyên với các chỉ số khảo sát tăng dần theo từng năm. Bộ công cụ khảo sát lấy ý kiến phản hồi các bên liên quan cũng được cải tiến vào các năm 2015, 2018 để phù hợp hơn với các bộ tiêu chuẩn đánh giá và kiểm định chất lượng các CTĐT. Những dữ liệu khảo sát và ý kiến đóng góp của các bên liên quan được tiếp thu và làm cơ sở cho việc cải tiến và nâng cao chất lượng CTĐT, chuẩn đầu ra, qui trình đào tạo của trường.

Phát triển văn hóa chất lượng sẽ giúp Trường thích ứng, cập nhật với những thay đổi của hệ thống tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế và nhất là trong thời đại công nghiệp số 4.0; thể hiện rõ cam kết chất lượng với xã hội; hình thành môi trường quản lý chất lượng; có định hướng rõ ràng trong việc phát triển nguồn nhân lực, …

 5. Hạn chế

  • Mặc dù trường đã có được bộ máy triển khai các hoạt động ĐBCL bên trong nhưng đến nay vẫn chưa thành lập chính thức được tổ tư vấn ĐBCL ở các phòng chức năng và khoa đào tạo. Tổ tư vấn có nhiệm vụ hỗ trợ cho các phòng và các khoa triển khai các hoạt động ĐBCL một cách có hệ thống và xuyên suốt từ trường tới khoa.            
  • Hiện công tác đảm bảo chất lượng bên trong chủ yếu theo các qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo các tiêu chuẩn của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN – QA) mà chưa tham khảo và áp dụng các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng ở các nước có nền giáo dục tiên tiến với các đặc thù về Khoa học xã hội và nhân văn.  
  • Mặc dù trường và các khoa đều đã xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng theo khuyên nghị đánh giá ngoài nhưng chưa giám sát thực hiện các hoạt động cải tiến chất lượng theo các kế hoạch đó.  

6.Kết luận và khuyến nghị

Phát triển văn hóa chất lượng tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là hoạt động mang tính hệ thống và lâu dài gắn liền với các hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong. Đảm bảo chất lượng bên trong là yếu tố then chốt nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học  đáp ứng nhu cầu xã hội và phát triển văn hóa chất lượng. Vấn đề nâng cao và đảm bảo chất lượng là yếu tố cơ bản đảm bảo cho sự phát triển văn hóa chất lượng của trường. Trường đã xác lập được giá trị cốt lõi phát triển văn hóa chất lượng, xây dựng được giá trị nhận thức tầm quan trọng của văn hóa chất lượng, giá trị cải tiến không ngừng. Mô hình đảm bảo chất lượng bên trong cần tiếp tục hoàn thiện với các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chi tiết, cụ thể giúp các lĩnh vực hoạt động nâng cao chất lượng nhằm phát triển văn hóa chất lượng. Để tăng cường phát triển văn hóa chất lượng, Trường cần thực hiện các biện pháp khắc phục các hạn chế đã nêu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1, AUN Secretariat. (2011). Guide to AUN Actual Quality Assessment At Programme Level – Version No. 2.0.

2, Bikas C. Sanya, B.C., & Martin, M. (2007). Quality assurance and the role of accreditation: An overview. In Global University Network for Innovation (Ed). Higher Educational in the world 2007. Accreditation for quality assurance: What is at stake? ( 2nd ed.) New Yourk: Palgrave Macmillan, tr5.

3, Cương, N.H. (2017). Phân biệt 3 mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục đại học: Kiểm định chất lượng, đánh giá chất lượng và kiểm toán chất lượng, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Nghiên cứu giáo dục, Tập 33, số 1 (2017) tr 91 – 96.

4, Frank N. (2017). Designing Effective Quality Management System in Higher Education Institutions. Training on Internal Quality Assurance Series/ Module1. Tredition, Hamburg, Germany.  tr 77.

5, Harvey L. (2004-14). Analytic quality glossary. Quality Research International. Retrieved on January 22,2015, from http://www.qualityresearchinternational.com/glossary/

6, Martin, M. & Stella A. (2007). External quality assurance in higher education: Making choices. Paris: UNESCO,tr 33

7, Oxford Dictionaries. (2014). Quality. Oxford Dictionary. Oxford: Oxford University Press. Retrieved from http://www.oxforddictionaries.com/definition/enghoish/quality

8, Quát, P.T. (2011). Đẩy mạnh xây dựng văn hóa chất lượng, (http://www.vnu.edu.vn/btdhqghn/?C2149/N108 34/day-manh-xay-dung-van-hoa-chatluong.htm).

9, Phương, L.T. (2018).Xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng tại Trường Đại học Công nghệ thông tin, ĐHQGTPHCM, Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt tháng 8/2018, tr 77 -81

10, Sơn, N.K. (2011). Bước đầu xây dựng văn hóa chất lượng ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tham luận tại Hội thảo Khoa học “Văn hóa chất lượng trong trường đại học” (http://ussh.vnu.edu.vn/buocdau-xay-dung-van-hoa-chat-luong-o-truongdhkhxhnv/4738).

Theo Trần Thúy Anh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. (2021), Sách chuyên khảo “Đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học: Lý luận và thực tiễn”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

Leave a reply

https://unihub.vnu.edu.vn/
https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2016/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2017/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2021/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2022/