Xếp hạng đại học thế giới và kinh nghiệm cho các trường đại học của Việt Nam

1. Đặt vấn đề

Xếp hạng đại học là một phần quan trọng trong bối cảnh hệ thống giáo dục đại học cần phải nâng cao tính giải trình xã hội, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng. Các kết quả xếp hạng mang đến cho người học thông tin lựa chọn trường học, ngành nghề đào tạo; nhà quản lý thông tin hoạch định chính sách; nhà nghiên cứu thông tin định hướng công bố; chính phủ và các tổ chức định hướng đầu tư phát triển… Kết quả xếp hạng cao mang đến danh tiếng và uy tín cho trường đại học, quốc gia và thu hút nhân tài, đầu tư và hợp tác. Tuy nhiên cũng có thể thấy việc đánh giá một cách toàn diện một cơ sở giáo dục là rất khó và việc đối sánh chất lượng giữa các cơ sở giáo dục với nhau lại càng khó do sứ mạng, mục tiêu của các trường là khác nhau và sự sẵn có của các dữ liệu phục vụ xếp hạng. Nhưng dù sao, các bảng xếp hạng đều mang đến thông tin hữu ích nào đó đối các trường đại học, xã hội và cộng đồng.

Có thể chia các bảng xếp hạng ra thành nhóm các bảng xếp hạng tự động (sử dụng dữ liệu của các bên thứ 3 để phân tích) (Academic Ranking of World Universities, Nature Index Rankings, SCImago Institutions Rankings, Webometrics Rankings), xếp hạng có sự tham gia gửi dữ liệu của các trường đại học (kèm theo phân tích dữ liệu của bên thứ 3) (THE World University Rankings) và xếp hạng kết hợp giữa dữ liệu của bên thứ 3, dữ liệu do đơn vị cung cấp kết hợp với đánh giá chủ động của tổ chức xếp hạng thông qua khảo sát uy tín về trường đại học (QS World University Rankings). Trong bài báo này, tác giả nghiên cứu các bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học thế giới đại diện cho các nhóm trên: ARWU, THE và QS với sự xuất hiện của các trường đại học của Việt Nam. Việc nghiên cứu, phân tích các kết quả xếp hạng nhằm đưa ra các khuyến nghị cho các trường đại học của Việt Nam về khả năng tham gia xếp hạng, thăng hạng trong các bảng xếp hạng này; đưa ra các giá trị tham chiếu để các trường đại học đối sánh và phấn đấu để có thể được xếp hạng theo từng thang bậc xếp hạng. Các giá trị tham chiếu cũng đồng thời là các yêu cầu về định mức chất lượng, số lượng kết quả đầu ra mà trường đại học cần đáp ứng để có được vị trí xếp hạng mong muốn.

2. Phương pháp nghiên cứu

Tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu xếp hạng, kết quả xếp hạng của 3 bảng xếp hạng đại học thế giới ARWU, THE và QS cùng với phương pháp phân tích các số liệu thứ cấp phản ánh kết quả xếp hạng, dữ liệu được cung cấp cho các tổ chức xếp hạng… để luận giải những đặc trưng cần lưu ý của các bảng xếp hạng, phân tích thực trạng kết quả xếp hạng của các trường đại học Việt Nam và đề xuất các giải pháp nhằm tăng số lượng, vị trí xếp hạng cho các trường đại học Việt Nam.

Các bảng xếp hạng sẽ được nghiên cứu bao gồm bảng xếp hạng thế giới của QS, THE và ARWU. Các bảng xếp hạng khác không cung cấp đủ thông tin để có thể nghiên cứu sâu như dữ liệu xếp hạng[1] [2] [3] [4], trọng số hay sử dụng các tiêu chí tương tự như 3 bảng xếp hạng đã được chọn 4 hay ngoài phạm vi nghiên cứu của bài viết [5]

3. Tổng quan về xếp hạng

Đã có nhiều bảng xếp hạng đại học ra đời và tiến hành xếp hạng các cơ sở giáo dục, lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu của các trường. Mặc dù số lượng các bảng xếp hạng là nhiều, đa dạng trên các tiêu chí đánh giá khác nhau như đánh giá tập trung vào học thuật, tập trung vào sự phát triển đại học số, hay uy tín nghiên cứu, tuyển dụng… Không có một bảng xếp hạng nào là hoàn hảo và hoàn toàn khách quan do phương pháp và tiêu chí đánh giá, trọng số và định hướng “khách hàng” có sự tham gia bởi yếu tố chủ quan của tổ chức xếp hạng. QS (Quacquarelli Symonds) xếp hạng các cơ sở giáo dục với sự ưu tiên nhiều cho học giả và nhà tuyển dụng; Academic Ranking of World Universities (ARWU) ưu tiên cho giải thưởng, ấn phẩm khoa học đỉnh cao; SCImago Institutions Rankings ưu tiên cho công bố, sự sáng tạo và ảnh hưởng xã hội; CWTS Leiden Ranking ưu tiên cho công bố và hợp tác, lan tỏa trong công bố; và Times Higher Education (THE) ưu tiên cho uy tín giảng dạy, ảnh hưởng của công bố…; hay thậm chí người dùng tự xác định các trọng số để xếp hạng các cơ sở giáo dục theo nhu cầu cá nhân[6]… Mỗi bảng xếp hạng có một định hướng ưu tiên bên cạnh việc tìm cách đánh giá tổng thể nên việc trường đại học lựa chọn bảng xếp hạng phù hợp để tham gia mang đến cơ hội được xếp hạng cao hơn.

Quyết định 121/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 27 tháng 7 năm 2007[7] phê duyệt mạng lưới các trường đại học và cao đẳng Việt Nam giai đoạn 2006-2020 trong đó có chỉ tiêu về xếp hạng: có 1 trường đại học được xếp hạng trong số top 200 trường hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, chưa có trường đại học nào của Việt Nam xuất hiện được ở nhóm top 200 của các bảng xếp hạng có uy tín và thực sự đây là một thách thức.

Tác giả Nguyễn Tấn Đại, Vũ Thị Phương Anh (2011) cho rằng xếp hạng đại học có những hạn chế của nó như chưa chú trọng đầy đủ đến vai trò, sứ mạng của trường đại học: tập trung chủ yếu vào nghiên cứu và đào tạo mà bỏ qua mất vai trò chuyển giao công nghệ và tri thức cho xã hội. Tuy nhiên, nhận định này không hẳn đúng với tất cả các bảng xếp hạng. Chẳng hạn, bảng xếp hạng THE có các tiêu chí về Thu nhập (Institutional income), Thu nhập từ nghiên cứu (Research income), Thu nhập từ chuyển giao (Industrial income) đánh giá mức độ đóng góp trong việc chuyển giao các kết quả khoa học cho xã hội; tiêu chí Trích dẫn khoa học (Citations) đánh giá về mức độ ảnh hưởng của các nghiên cứu đối với cộng đồng nghiên cứu. Bên cạnh đó, các khảo sát (Research Reputation survey) đánh giá uy tín khoa học của cơ sở giáo dục. QS cũng đánh giá uy tín học thuật của trường đại học thông qua khảo sát toàn cầu (Academic Reputation Survey) và Trích dẫn khoa học (Citations)… Bảng xếp hạng Leiden có các chỉ số về Ảnh hưởng khoa học (Sciencetific impact), Hợp tác (Collaboration), Truy cập mở (Open access) để đánh giá về sự hợp tác và ảnh hưởng khoa học của cơ sở giáo dục tới cộng đồng và xã hội, hợp tác doanh nghiệp trong nghiên cứu… Một số bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học khác đánh giá các khía cạnh khác nhau như: mức độ đóng góp của lĩnh vực giáo dục đại học đối với sự phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia (THE Impact Rankings), uy tín học thuật và sáng tạo (QS, THE, ARWU, Natural Index, SCIMago Institutional Rankings) hay chất lượng chuyển đổi số (Webometrics)… Như vậy, có thể thấy các bảng xếp hạng mặc dù có định hướng ưu tiên riêng nhưng rõ ràng mang lại những thông tin hữu ích cho xã hội về năng lực trường đại học.

Millot. B (2015) trong một nghiên cứu đối sánh giữa xếp hạng cơ sở giáo dục đại học và xếp hạng hệ thống giáo dục đại học đã chỉ ra những điểm hạn chế của vấn đề xếp hạng đại học. Ông cho rằng xếp hạng cơ sở giáo dục đại học mới chỉ tập trung vào một số lượng nhỏ các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới và chủ yếu dành cho các trường đại học lớn. Điều này đúng bởi lẽ được xếp hạng có nghĩa các trường đại học phải thể hiện được vai trò, sự ảnh hưởng trước một số lượng rất lớn các trường đại học khác. Do đó, cơ hội được xếp hạng sẽ ít hơn với các trường đại học có năng lực hạn chế. Xếp hạng đại học không tốn kém chi phí nhưng để được xếp hạng thì cần đầu tư rất nhiều vào nguồn lực và phát triển bởi lẽ có một sự cạnh tranh gay gắt về các kết quả cần đạt được để có thứ hạng. Tuy nhiên cũng nên tránh đánh đồng chất lượng của hệ thống giáo dục của một quốc gia với số lượng các trường đại học được xếp hạng thế giới: một quốc gia có hệ thống giáo dục đại học đẳng cấp thế giới nếu có các trường đại học đẳng cấp thế giới (Kováts, 2015).

Để kết quả xếp hạng được ổn định và nâng cao, việc tham gia bảng xếp hạng cần đến một cách tự nhiên cũng như đảm bảo và cải tiến chất lượng liên tục một cách thực sự bền vững. Đồng thời, các cơ sở giáo dục cần có chiến lược phát triển tổng thể, toàn diện để đảm bảo chất lượng từ bên trong hệ thống, phù hợp với bối cảnh, đáp ứng mục tiêu, sứ mệnh giáo dục quốc gia. Điều này được thể hiện trực diện qua các chính sách về giáo dục, nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Ở góc độ tổng thể cả hệ thống giáo dục, sự phối hợp của các cơ sở giáo dục trong các hoạt động của mình cũng đem lại một uy tín lớn và mang đến vị trí trong các bảng xếp hạng.

4. Kết quả xếp hạng đại học thế giới của các trường đại học của Việt Nam

4.1. Bảng xếp hạng QS thế giới 2022

QS (Quacquarelli Symonds) là một công ty của Anh được Nunzio Quacquarelli thành lập từ năm 1990. QS xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới dựa vào 11 chỉ báo, xếp hạng 51 lĩnh vực (thuộc 5 lĩnh vực lớn) cùng với các bảng xếp hạng theo các khu vực: Châu Á, Mỹ La-tinh, các nền kinh tế mới nổi ở Châu Âu và Trung Á và BRICS[8]. Xếp hạng QS có tiền thân là Times Higher Education – QS World University Rankings, một xếp hạng hợp tác trong giai đoạn 2004-2009 giữa QS World University Rankings với Times Higher Education (THE) trước khi THE tách ra xếp hạng riêng vào năm 2009. QS tiếp tục xếp hạng đại học với sự phối hợp của Elsevier – một công ty xuất bản có trụ sở tại Hà Lan. Theo kết quả xếp hạng, Việt Nam có 4 trường đại học có tên trong kỳ xếp hạng năm 2021 (QS 2022)[9].

Bảng 4.1. Top 10 quốc gia có số trường được QS xếp hạng nhiều nhất

Quốc giaSố trường ĐH được xếp hạng
India35
Australia38
South Korea39
Italy41
Germany46
Japan48
Russia48
China (Mainland)58
United Kingdom90
United States177
Tổng620

Bảng trên cho thấy số trường đại học của nhóm 10 quốc gia top hàng đầu chiếm gần một nửa (49,7%) số trường đại học được xếp hạng (1300 trường). Các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á đóng góp 61 trường, nhiều nhất là Malaysia với 22 trường. Vị trí cao nhất mà các trường đại học trong khu vực đạt được là ĐHQG Singapo (thứ 11), ĐH Kỹ thuật Nanyang (thứ 13), ĐH Malaya (thứ 59).

Bảng 4.2. Điểm xếp hạng của các trường đại học của Việt Nam

Thứ hạngTên trườngNCUy tín học thuậtUy tín tuyển dụngTỷ lệ GV/SVTrích dẫn/ CBKHGV quốc tếSV quốc tế
ĐiểmThứ hạngĐiểmThứ hạngĐiểmThứ hạngĐiểmThứ hạngĐiểmThứ hạngĐiểmThứ hạng
  801-1000Viet Nam National University Ho Chi Minh City (VNU-HCM)VH20.739815.3501+12.2601+1.6601+2.1601+1.4601+
  801-1000Vietnam National University, Hanoi (VNUHN)HI16.649912.1501+15.5601+2.3601+1.6601+1.8601+
1001+Ton Duc Thang UniversityVH6.2501+7.1501+8.4601+6.6601+46.12951.9601+
1001+Hanoi University of Science and TechnologyVH7.8501+6.4501+4.1601+5.2601+1.5601+1.2601+

4.2. Bảng xếp hạng THE thế giới 2022

Bảng xếp hạng THE tiền thân là Bảng xếp hạng Times Higher Education – QS World University Rankings, bắt đầu tách xếp hạng riêng từ năm 2009 và lần đầu công bố kết quả xếp hạng năm 2010. Bảng xếp hạng của THE có sự phối hợp của Tập đoàn thông tin Thomson Reuters có trụ sở đặt tại Canada. THE sử dụng 13 chỉ báo (theo 5 nhóm) để xếp hạng các cơ sở giáo dục. THE cũng tham gia xếp hạng 11 lĩnh vực[10] và một số bảng xếp hạng khu vực khác như Bảng xếp hạng ảnh hưởng (THE Impact Rankings)…

Trong kỳ xếp hạng đại học thế giới năm 2021 (THE 2022), Việt Nam có 5 trường đại học được xếp hạng[11].

Bảng 4.3 Kết quả xếp hạng THE 2022 của các trường đại học của Việt Nam

Thứ hạngTên trườngNo. of students per staffInt’al StudentsOverallTeachingResearchCitationsIndustry IncomeInt’al Outlook
401–500Duy Tan University23.60%40.944.013.110.810035.949.4
401–500Ton Duc Thang University22.31%40.944.014.513.499.338.462.6
1001–1200Vietnam National University, Hanoi14.31%22.427.119.410.541.536.645.6
1201+Hanoi University of Science and Technology27.91%10.622.314.59.820.443.342.4
1201+Vietnam National University (Ho Chi Minh City)22.71%10.622.315.710.923.940.839.5

Tương tự như kết quả xếp hạng QS, tổng số các trường đại học được xếp hạng ở top 10 quốc gia hàng đầu chiếm tới 53,3%, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đóng góp 59 trường, trong đó Malaysia vẫn là quốc gia trong khu vực có số trường được xếp hạng nhiều nhất (18 trường). Quốc gia có trường được xếp hạng cao nhất là Singapo (ĐHQG Singapo ở vị trí 21 và ĐH Nanyang ở vị trí 46).

Bảng 4.4. Top 10 quốc gia có số trường được THE xếp hạng nhiều nhất

Quốc giaSố trường được xếp hạng
Spain52
Turkey54
Iran58
Brazil59
Russian Federation60
India71
China97
United Kingdom101
Japan118
United States183
Tổng853

Khác với các kỳ xếp hạng trước đó, kỳ xếp hạng THE 2022 có điều chỉnh số trích dẫn giai đoạn 2016-2020 theo quốc gia để các tổ chức có mức độ hoạt động nghiên cứu cao trong các lĩnh vực có số lượng trích dẫn truyền thống cao sẽ không đạt được lợi thế không công bằng[12]. Tuy nhiên, với cách tiếp cận mới này, phân tích điểm trung bình ở từng nhóm thứ hạng của các trường đại học cho thấy không có sự chênh lệch nhiều giữa các nhóm.

Bảng 4.5. Điểm trung bình theo phân nhóm xếp hạng các trường đại học

Thứ hạngNo. of students per staffInter’nal StudentsTeachingResearchCitationsIndustry IncomeInter’al Outlook
Top 20018.50.253.457.885.262.973.6
201-25019.80.253.157.585.162.873.5
251-30020.60.252.857.285.062.673.5
301-35017.10.252.456.885.062.673.6
351-40018.70.252.156.585.062.373.6
401-50019.70.151.856.184.962.273.6
501-60018.60.151.555.884.861.973.6
601-80019.00.151.155.584.861.773.6
801-100018.20.150.955.284.761.673.6
1001-120017.80.150.654.984.761.573.6
1201+18.10.050.354.684.761.473.7

Như vậy, thông qua việc chuẩn hóa dữ liệu trích dẫn theo quốc gia, kết quả xếp hạng THE đã cho thấy chỉ số trích dẫn (chiếm trọng số 30%) thay đổi rất nhiều đến kết quả xếp hạng tại các quốc gia. Cụ thể, trong kết quả xếp hạng các trường đại học của Việt Nam, chỉ số trích dẫn vượt trội đã giúp Trường ĐH Duy Tân và Trường ĐH Tôn Đức Thắng vươn lên vị trí top 401-500 và đứng đầu ở Việt Nam trong khi theo kết quả xếp hạng THE 2021, cả hai trường này đều chưa thuộc top 1001+[13]. Đồng thời, do việc chuẩn hóa trích dẫn theo quốc gia nên điểm số theo tiêu chí xếp hạng giữa các nhóm không có sự chênh lệch lớn.

4.3. Bảng xếp hạng ARWU 2021

Bảng xếp hạng The Academic Ranking of World Universities (ARWU) là bảng xếp hạng của Trường Đại học Giao thông Thượng Hải – Trung Quốc (Shanghai Jiao Tong University, China), lần đầu được công bố vào tháng 6/2003 bởi Trung tâm đại học đẳng cấp thế giới (Center for World-Class Universities – CWCU) thuộc Trường Giáo dục sau đại học – Graduate School of Education (tiền thân là Viện nghiên cứu giáo dục đại học – Institute of Higher Education) công bố và được cập nhật hàng năm. Từ 2009, ARWU được công bố và bản quyền thuộc về Tổ chức tư vấn xếp hạng Thượng Hải (ShanghaiRanking Consultancy). Tổ chức tư vấn xếp hạng Thượng Hải là tổ chức độc lập và không chịu sự chi phối hợp pháp (legally subordinated) của đại diện chính phủ hay trường đại học nào. ARWU sử dụng 6 chỉ báo để xếp hạng các đại học, bao gồm: số cựu người học (Alumni – 10%) và nhân viên (Award – 20%) đạt giải Nobel và huy chương Fields, số lượng các nhà nghiên cứu được trích dẫn cao do Clarivate Analytics lựa chọn (HiCi – 20%), số lượng bài báo được công bố trên tạp chí Nature and Science (N&S – 20%), số lượng các bài báo được Science Citation Index – Expanded (SCIE) và Social Sciences Citation Index (SSCI) trích dẫn (PUB – 20%) và hiệu suất bình quân theo đầu cán bộ khoa học của trường đại học (PCP – 10%). Có 2000 trường đại học được ARWU xếp hạng hằng năm và công bố 1000 đại học tốt nhất[14].

Bảng 4.6. Top 10 quốc gia có số trường được ARWU xếp hạng nhiều nhất

Quốc giaSố trường được xếp hạng
France30
South Korea30
Australia34
Japan38
Spain39
Italy45
Germany50
United Kingdom65
China180
United States200
Tổng711

Tổng số các trường đại học được xếp hạng ở top 10 quốc gia hàng đầu chiếm tới 71,1%, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đóng góp 15 trường, trong đó Malaysia vẫn là quốc gia trong khu vực có số trường được xếp hạng nhiều nhất (5 trường). Quốc gia có trường được xếp hạng cao nhất là Singapo (ĐHQG Singapo ở vị trí 75 và ĐH Nanyang ở vị trí 81).

5. Một số nhận định về kết quả xếp hạng thế giới

Phân tích kết quả xếp hạng QS 2022 cho thấy có mối liên hệ giữa quy mô tuyển sinh và thứ hạng các trường đại học. Các trường đại học có quy mô tuyển sinh nhỏ (S, dưới 5000 học viên) không có lợi thế xếp hạng so với các trường đại học có quy mô tuyển sinh lớn (L, từ 12.000 đến 30.000 học viên). Các trường đại học có quy mô tuyển sinh trung bình (M, từ 5000 đến 12.000) và rất lớn (XL, trên 30.000) học viên có lợi thế xếp hạng không quá chênh lệch và nghiêng lợi thế một chút về các trường có quy mô tuyển sinh trên 30.000 học viên.

Bảng 5.1. Số lượng trường được xếp hạng theo quy mô người học

Quy mô (người học)Số trường được xếp hạng QSSố trường được xếp hạng THE
<5.000 (S)65141
5.000-12.000 (M)308409
12.000-30.000 (L)611736
>30.000 (XL)316376

Đối với bảng xếp hạng THE, các trường đại học có quy mô lớn người học lớn (L) có cơ hội được xếp hạng gấp 5,2 lần các trường đại học so với các trường đại học có quy mô người học nhỏ (S), trong khi đó các trường đại học có quy mô người học cỡ trung bình và rất lớn không có sự khác biệt nhiều về cơ hội và có chênh lệch một chút (1,09) về các trường đại học có quy mô trung bình. Kết quả này cũng tương đồng với phân tích trên kết quả xếp hạng của QS.  Trong số các trường đại học của Việt Nam được xếp hạng, Trường ĐH Duy Tân và Trường ĐH Tôn Đức Thắng có lợi thế hơn so với hai ĐHQG về quy mô tuyển sinh.

Số chuyên ngành đào tạo của trường đại học cũng có sự tác động tới kết quả xếp hạng. Có thể nhận thấy lợi thế rơi vào các trường đa ngành và y khoa, tiếp theo đến các trường đa ngành. Các trường đào tạo chuyên ngành có ít lợi thế rõ rệt so với 3 nhóm còn lại, chỉ bằng 1/5 của nhóm trường chuyên sâu, bằng 1/8 trường đa ngành và 1/10 các trường đa ngành và y khoa.

Bảng 5.2. Số lượng trường được xếp hạng theo sự đa dạng lĩnh vực nghiên cứu của bảng xếp hạng QS

Chuyên ngànhSố trường được xếp hạng
Đa ngành và Y khoa562
Đa ngành (5 lĩnh vực[15])412
Chuyên sâu (3-4 lĩnh vực)272
Chuyên ngành (1-2 lĩnh vực)54

Độ tập trung nghiên cứu cũng ảnh hưởng đến lợi thế xếp hạng. Nghiên cứu kết quả xếp hạng QS cho thấy có đến 3/4 trường được xếp hạng là nghiên cứu chuyên sâu rất cao. Số lượng trường đại học nghiên cứu chuyên sâu rất cao được xếp hạng cao gấp 2,6 lần so với nhóm trường nghiên cứu cao và gấp 6,6 lần so với các trường nghiên cứu ở mức trung bình. Lợi thế kém nhất rơi vào các trường có mức độ nghiên cứu chuyên sâu thấp khi chỉ chiếm tỷ lệ được xếp hạng vào khoảng 1,15%. Đồng thời, các trường có mức độ nghiên cứu chuyên sâu thấp thì điểm đánh giá cho tiêu chí nghiên cứu là 0[16].

Bảng 5.3. Số lượng trường đại học được xếp hạng theo độ chuyên sâu nghiên cứu

Nghiên cứu chuyên sâuSố trường được QS xếp hạngSố trường được THE xếp hạngSố trích dẫn
Rất cao83634362
Cao32291399
Trung bình127393448
Thấp151144453

Nghiên cứu trên kết quả xếp hạng theo tứ phân vị kết quả xếp hạng của THE về độ chuyên sâu nghiên cứu, điểm theo mức độ chuyên sâu của nghiên cứu không được ưu tiên, phân bố điểm theo thang đánh giá nên số trường có mức điểm thấp hơn sẽ nhiều hơn, có xu hướng ngược lại so với đánh giá của QS. Phân tích điểm theo điểm số trích dẫn cho thấy sự phân bố không quá chênh lệch theo mức độ trích dẫn chứng tỏ THE đang tập trung nhiều vào số lượng công bố. Nhóm trường có số trích dẫn rất cao và số lượng trường được xếp hạng ít hơn so với hai nhóm còn lại (Bảng 5.3).

Bảng 5.4. Số lượng trường được xếp hạng theo thu nhập và mức độ quốc tế hóa

 Thu nhập từ doanh nghiệpQuốc tế hóa
Rất cao3259
Cao124376
Trung bình646697
Thấp893330

Với thu nhập từ doanh nghiệp, top đầu chỉ có 3 trường đại học được xếp hạng trong khi số lượng được xếp hạng nằm ở nhóm có thu nhập ở mức trung bình và thấp, số này chiếm lượng áp đảo (96,2%). Điều này cho thấy hầu như thu nhập của các trường được xếp hạng đều chưa cao, tập trung ở nhóm trung bình và thấp (Bảng 5.4). Mức độ quốc tế hóa có ưu thế nhiều ở nhóm Trung bình, số lượng trường được xếp hạng cao gấp 2-3 lần so với các nhóm còn lại. Có thể thấy các trường được THE xếp hạng hầu hết có mức thu nhập trung bình đến thấp chiếm đa số và chủ yếu có mức quốc tế hóa Trung bình (Bảng 5.4).

Về độ tuổi của các trường đại học cũng có vai trò liên quan. Các trường đại học được xếp hạng tập trung vào nhóm được thành lập trên 50 năm, đặc biệt là nhón các trường đại học được thành lập trên 100 năm, có truyền thống và nhóm này có sự chênh lệch đáng kể so với nhóm được thành lập dưới 50 năm. Các trường được thành lập dưới 10 năm được xếp hạng chỉ chiếm tỷ lệ 1,23% và thành lập trên 100 năm có cơ hội được xếp hạng gấp 5,32 lần so với các trường được thành lập trong khoảng 10 đến dưới 25 năm, và gấp 2 lần so với các trường được thành lập trong khoảng 25 đến dưới 50 năm.

Bảng 5.5. Tuổi của các trường đại học được xếp hạng QS

Số năm thành lậpSố trường được xếp hạng
Trên 100500
50 đến dưới 100441
25 đến dưới 50 năm249
10 đến dưới 25 năm94
Dưới 10 năm16

Bảng 5.6. Điểm trung bình kết quả xếp hạng ARWU theo phân nhóm

Trung bình/MinAlumniAwardHiCiN&SPubPCP
Top 10022.628.333.932.259.033.1
Min top 1000.00.00.09.516.520.4
Top 101-1509.38.722.718.050.324.3
Top 151-2006.14.119.614.448.621.3
Top 201-3003.92.715.211.941.120.9
Top 301-4002.40.811.59.336.719.1
Top 401-5002.80.58.27.031.918.5
Top 501-6000.90.26.25.929.716.2
Top 601-7001.20.64.84.726.915.3
Top 701-8001.10.03.33.825.614.1
Top 801-9000.80.02.53.522.914.0
Top 901-10001.00.22.03.221.612.5

Đối với bảng xếp hạng ARWU, có thể thấy trong những trường đại học được xếp thuộc nhóm top 100, có những trường có điểm cho cựu người học (17 trường) và nhân viên (18 trường) đạt giải Nobel và huy chương Fields bằng 0, điểm trích dẫn cao (1 trường) bằng 0 chứng tỏ trong các trường thuộc top 100 của ARWU có những trường không phải nghiên cứu đỉnh cao và tiêu chí giải thưởng đỉnh cao đang sử dụng ít ảnh hưởng đến kết quả xếp hạng do ít trường đạt được thành tích này (Bảng 5.6). Với 50% điểm trọng số ở số lượng bài công bố trên tạp chí Nature (Anh) và Science (Mỹ), số lượng bài báo SCIE và SSCI, và hiệu suất bình quân đầu cán bộ khoa học có thể đưa các trường đại học vào top 100 thế giới. Có thể nói rằng bảng xếp hạng này tập trung vào số lượng công bố và trích dẫn. Đồng thời có thể nhận thấy có mối liên hệ giữa thứ hạng với các chỉ số xếp hạng: các trường thuộc top cao thì điểm ở các chỉ số cũng cao đều, không có sự bất thường ở các chỉ số. Điều này cho thấy có mối liên hệ tuyến tính giữa 6 chỉ số. Kết quả phân tích này cũng phù hợp với nhận định của (Altbach, 2006; Enserink, 2007; Salmi, Saroyan, 2007), ảnh hưởng đến tính chính xác khách quan trong kết quả của bảng xếp hạng. Như vậy, kết quả xếp loại không đánh giá đa dạng sự phát triển của một trường đại học.

Bảng 5.7. Việt Nam có 2 trường được xếp hạng trong bảng xếp hạng ARWU

Vị tríTrườngAlumniAwardHiCiN&SPubPCP
601-700Duy Tan University000236.114.4
601-700Ton Duc Thang University000039.715.8

Ở tiêu chí Số lượng công bố SCIE/SSCI (Pub), hai trường đại học của Việt Nam thuộc top 301-400, còn tiêu chí Hiệu suất công bố PCP, Trường ĐH Duy Tân được xếp lần lượt ở top 701-800 và Trường ĐH Tôn Đức Thắng được xếp vào top 801-900.

6. Kinh nghiệm cho các trường đại học Việt Nam

Qua các phân tích nêu trên, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

– Sự đa dạng lĩnh vực nghiên cứu là một lợi thế khi tham gia xếp hạng QS (Bảng 5.2). Do đó, các trường đại học đơn (hoặc ít hơn 5) ngành nên cân nhắc khi lựa chọn tham gia bảng xếp hạng QS.

– Do THE tập trung nhiều vào số lượng công bố (cùng với số trích dẫn) nên các trường có số công bố lớn trên ISI/Scopus sẽ có lợi thế (Bảng 5.3). 

– Quy mô tuyển sinh của các trường nằm trong khoảng 12.000-30.000 người học có lợi thế xếp hạng QS và THE bởi quy mô là đủ lớn để vận hành hiệu quả và đủ nguồn lực để đáp ứng các yêu cầu khác nhau của đào tạo, nghiên cứu (Bảng 5.1).

– Uy tín học thuật được đánh giá cao trong bảng xếp hạng QS. Hiện ĐHQGHCM lọt vào nhóm top 400 với 20,7 điểm, ĐHQGHN lọt vào top 500 và cao hơn so với điểm trung bình của nhóm top 511-520. Các trường còn lại đều thuộc nhóm top 501+, tuy nhiên điểm trung bình còn cách khá xa điểm trung bình của nhóm 501+ khá xa, thực tế chỉ bằng điểm trung bình của nhóm top 1001-1200. Điều này cho thấy ngoài hai ĐHQG, các trường ĐH của Việt Nam chưa có lợi thế về uy tín học thuật trên bảng xếp hạng QS (Bảng 4.2).

– Uy tín tuyển dụng của cả 4 trường đại học của Việt Nam được QS xếp hạng đều lọt vào nhóm top 501+ và điểm cao nhất thuộc về ĐHQGHCM (15,3 điểm). Điểm cao nhất này xấp xỉ với trung bình của nhóm top 511-520 và điểm của ĐHQGHN xấp xỉ với điểm trung bình của nhóm 541-550. Hai trường còn lại có điểm xấp xỉ của nhóm top 1001-1200. Như vậy, ngoài hai ĐHQG, các trường đại học khác chưa có lợi thế ở tiêu chí này (Bảng 4.2).

– Tỷ lệ sinh viên/giảng viên mang lại điểm cao nhất cho ĐHQGHN khi tỷ lệ này chỉ là 14,3 và cả 4 trường đều ở vị trí top 601+. Điểm của ĐHQGHN cũng chỉ cao hơn điểm trung bình của nhóm top 1001-1200. Tuy nhiên, tỷ lệ này có sự giao động khác nhau giữa các phân khúc xếp hạng và không phản ánh thành quy luật (Bảng 4.2).

– Trong số các trường đại học của Việt Nam được xếp hạng, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đang ở giai đoạn vàng (Golden Age), Trường ĐH Duy Tân (thành lập năm 1994), Trường ĐH Tôn Đức Thắng (thành lập năm 1997), ĐHQGHN (thành lập năm 1993), ĐHQGHCM (thành lập năm 1995) là các đại học trẻ, có ít lợi thế truyền thống hơn so với Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội (Bảng 5.5).

– Trích dẫn trên cán bộ khoa học của cả 4 trường đại học của Việt Nam đều thuộc top 601+ nhưng điểm của Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Bách Khoa cũng chỉ cao hơn điểm trung bình của nhóm top 1200+, còn điểm của hai ĐHQG thấp hơn điểm trung bình của nhóm top 1200+ cho thấy mặc dù được xếp hạng nhưng trích dẫn trên cán bộ khoa học của các trường đại học của Việt Nam còn cách xa các trường đại học được xếp hạng của thế giới (Bảng  4.2).

– Tỷ lệ giảng viên quốc tế cao nhất thuộc về Trường ĐH Tôn Đức Thắng và đạt vị trí top 295. Ba trường còn lại thuộc top 601+ nhưng điểm chỉ xấp xỉ với điểm trung bình của nhóm top 1200. Tỷ lệ sinh viên quốc tế, cả 4 trường đại học của Việt Nam được xếp hạng đều nằm ngoài top 1200+. Điều này cho thấy mức độ quốc tế hóa của các trường đại học Việt Nam còn nhiều hạn chế (Bảng 4.2).

– Việt Nam có 2 trường được xếp hạng (Bảng 5.7). Trường ĐH Duy Tân có điểm ở tiêu chí N&S và cả hai trường đại học của Việt Nam đều không có điểm ở các tiêu chí Alumni, Award, HiCi. Do có chính sách chuẩn hoá số công bố SCIE/SSCI và số trích dẫn theo quốc gia nên các trường có số lượng công bố nhiều, số trích dẫn cao sẽ có lợi thế ở bảng xếp hạng ARWU.

7. Giải pháp

Để nâng cao vị thế của giáo dục Việt Nam nói chung, vị trí của các trường đại học nói riêng, cần một chiến lược tổng thể phát triển giáo dục Việt Nam. Ở tầm quốc gia, Việt Nam cần xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với những mục tiêu cụ thể về thứ hạng đại học quốc tế và giải pháp có tính đột phá, thể hiện quyết tâm cạnh tranh giáo dục quốc tế cao. Điều đó đòi hỏi phải có sự nỗ lực mạnh mẽ và sáng tạo trong việc thực hiện những mục tiêu, giải pháp trong thực tiễn của các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục, các cơ sở giáo dục cùng với sự ủng hộ của toàn xã hội. Một số giải pháp sau có thể là những gợi ý hữu ích:

– Giải pháp 1: Các trường đại học, căn cứ trên thực lực của mình chủ động tham gia các bảng xếp hạng phù hợp. Căn cứ trên phân tích kết quả xếp hạng, các trường đại học có thể lựa chọn một bảng xếp hạng mục tiêu và củng cố các hoạt động của mình, phát triển có sự ưu tiên và lưu ý đến các tiêu chí xếp hạng. Mặc dù không nên vị xếp hạng, đạt được thứ hạng bằng mọi giá nhưng nếu xếp hạng dựa trên kết quả các hoạt động thực sự của cơ sở giáo dục thì đó là thứ hạng bền vững.

– Giải pháp 2: Cần có các chương trình thúc đẩy sự phát triển của các trường đại học hàng đầu, dẫn dắt hệ thống giáo dục. Các trường đại học với vai trò là tiên phong, làm ngọn cờ cho các trường đại học khác noi theo trong hệ thống giáo dục. Kinh nghiệm xây dựng và phát triển các trường đại học hàng đầu có thể được sử dụng và nhân rộng cho các trường đại học khác.

– Giải pháp 3: Có chiến lược thu hút nhân tài về làm việc tại các cơ sở giáo dục. Các nhân tài cần điều kiện và môi trường làm việc, trường nghiên cứu trong một cộng đồng học thuật. Chế độ đãi ngộ là quan trọng nhưng không hoàn toàn quyết định việc cống hiến và đóng góp của các nhà khoa học. Do đó, tạo điều kiện thuận lợi và cơ chế làm việc không bị ràng buộc về thời gian, vị trí địa lý sẽ tạo thêm nguồn lực cho các trường đại học khi hợp tác với các nhà nghiên cứu có uy tín trong và ngoài phạm vi quốc gia.

– Giải pháp 4: Cần có chiến lược hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và gia tăng ảnh hưởng của các nghiên cứu, tăng cường số lượng và chất lượng nghiên cứu, nghiên cứu mang tính dẫn dắt. Các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu đặt nền móng cần được sự đặt hàng và ưu tiên của Nhà nước vì mục tiêu dài hạn. Song song với đó là chiến lược về phát triển khoa học công nghệ gắn với giải quyết các vấn đề thực tiễn, tăng cường các đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng. Sự hợp tác đem đến uy tín trong bầu chọn khoa học, mang lại địa vị khoa học cho hệ thống các trường đại học của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc chia sẻ thông tin về kết quả nghiên cứu khoa học thông qua một hệ thống quản lý nghiên cứu sẽ giúp lan tỏa tầm ảnh hưởng và cơ hội được ứng dụng của các thành quả nghiên cứu, tăng số lượng trích dẫn và hoạt động chuyển giao.

– Giải pháp 5: Đảm bảo cơ cấu đào tạo sau đại học so với đào tạo đại học trong các cơ sở giáo dục đại học. Đào tạo sau đại học mang đến thêm các nghiên cứu, khai thác chất xám và bồi dưỡng đội ngũ nghiên cứu. Để đảm bảo điều này, việc phối hợp Giải pháp 3 là rất quan trọng. Các cơ sở giáo dục nên duy trì quy mô đào tạo ở mức 12.000 đến 30.000 người học để có thể linh hoạt và hiệu quả cao trong triển khai các hoạt động đào tạo và nghiên cứu.

8. Kết luận

Xếp hạng đại học là một xu hướng của các đại học hàng đầu vươn tới, khẳng định vị trí trên bản đồ giáo dục thế giới. Tuy nhiên, việc xếp hạng đại học cần dựa trên thực lực và cũng cần có chiến lược ở cả tầm vĩ mô (quốc gia) và ở từng cơ sở giáo dục. Lựa chọn một bảng xếp hạng phù hợp, đầu tư nguồn lực cho phát triển tương xứng sẽ mang lại các cơ hội được xếp hạng đồng thời kết quả xếp hạng cũng góp phần nâng cao uy tín và thúc đẩy hợp tác cùng phát triển của trường đại học cũng như hệ thống giáo dục của các quốc gia, nâng cao chỉ số phát triển con người.

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.shanghairanking.com/rankings/arwu/2021.
  2. https://www.topuniversities.com/qs-world-university-rankings/methodology.
  3. https://www.topuniversities.com/university-rankings/world-university-rankings/2022.
  4. https://www.timeshighereducation.com/world-university-rankings/world-university-rankings-2022-methodology.
  5. https://www.timeshighereducation.com/world-university-rankings/2022/world-ranking#!/page/0/length/-1/sort_by/rank/sort_order/asc/cols/stats.
  6. https://www.natureindex.com/
  7. https://www.scimagoir.com/methodology.php.
  8. https://www.scimagoir.com/rankings.php?sector=Higher%20educ.
  9. https://www.webometrics.info/en/current_edition
  10. CWTS Leiden Ranking – Information – Indicators, https://www.leidenranking.com/information/indicators
  11. https://www.umultirank.org/.
  12. https://urapcenter.org/.
  13. https://urapcenter.org/Methodology
  14. https://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=13751&Keyword=121/2007/Q%C4%90-TTg.
  15. , N.T., & Anh, V.T.P. (2011). Xếp hạng đại học và chất lượng giáo dục, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP. HCM, pp.105-119, 2011. hal-01563508.

17. Millot, B. (2015). International Rankings: Universities vs. Higher Education Systems. International Journal of Educational Development, Vol. 40, pp.156-165.

  18. G. Kováts, New Rankings on the Scene: The U21 Ranking of National Higher Education Systems and U-Multirank, In A. Curaj, L. Matei, R. Pricopie, J. Salmi, P. Scott (eds.), The European Figher Education Area: Between Critical Reflections and Future Policies, Springer Nature, Cham, 2015, pp. 293-311.


[1] https://www.natureindex.com/

[2] https://www.scimagoir.com/rankings.php?sector=Higher%20educ

[3] CWTS Leiden Ranking – Information – Indicators, https://www.leidenranking.com/information/indicators

[4] https://urapcenter.org/Methodology

[5] https://www.webometrics.info/en/current_edition

[6] U-multirank, https://www.umultirank.org/

[7] Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006 – 2020, https://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=13751&Keyword=121/2007/Q%C4%90-TTg

[8] Nhóm 5 nền kinh tế lớn mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn độ, Trung Quốc và Nam Phi.

[9] https://www.topuniversities.com/university-rankings/world-university-rankings/2022

[10] Arts & humanities (1), Business & economics (2), Clinical & health (3), Computer science (4), Education (5), Engineering (6), Law (7), Life sciences (8), Physical sciences (9), Psychology (10), Social sciences (11).

[11] https://www.timeshighereducation.com/world-university-rankings/2022/world-ranking#!/page/0/length/-1/sort_by/rank/sort_order/asc/cols/stats

[12] https://www.timeshighereducation.com/world-university-rankings/2022/world-ranking#!/page/0/length/-1/sort_by/rank/sort_order/asc/cols/stats

[13] https://www.timeshighereducation.com/world-university-rankings/2022/world-ranking#!/page/0/length/-1/sort_by/rank/sort_order/asc/cols/stats

[14] https://www.shanghairanking.com/rankings/arwu/2021

[15] Arts & Humanities (1), Engineering and Technology (2), Life Sciences & Medicine (3), Natural Sciences (4), Social Sciences & Management (5)

[16] https://www.topuniversities.com/qs-world-university-rankings/methodology

Theo Bùi Vũ Anh. (2021), Sách chuyên khảo “Đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học: Lý luận và thực tiễn”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

Leave a reply

https://unihub.vnu.edu.vn/
https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2016/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2017/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2021/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2022/