Đổi mới phương pháp giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội đáp ứng giáo dục 4.0

1.     Mở đầu

Giáo dục 4.0 dẫn đến sự thay đổi lớn trong mục tiêu và cách thức đào tạo, chuyển từ truyền thụ kiến thức cho số đông sang khai phóng tiềm năng, đồng thời trao quyền sáng tạo cho từng cá nhân. Người dạy không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà trở thành người hỗ trợ, khơi mở, thúc đẩy tiềm năng học tập của từng người học. Lớp học trở thành nơi kiến thức và ý tưởng được kiến tạo thông qua sự hợp tác, tranh luận và giảng viên đóng vai trò là người hướng dẫn. Đáp ứng xu thế này, giảng viên cần chuyển đổi cách thức giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất và năng lực, phát huy tối đa tiềm năng của người học; giảng dạy những kiến thức tích hợp, tăng cường kỹ năng làm việc nhóm để từ đó sinh viên biết cách tìm hiểu vấn đề, giải quyết vấn đề và xử lý được thông tin. Giảng viên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng các công cụ kĩ thuật số để hỗ trợ công tác giảng dạy. Điều này cho phép người dạy có thể nâng cao chất lượng giảng dạy và người học sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp nhận kiến thức và phản hồi kết quả giảng dạy. Trên nền tảng công nghệ cho phép giảng viên tạo ra các tài liệu học tập tương tác hấp dẫn và linh hoạt hơn. Những thay đổi này đang cho phép các nhà giáo dục có phương pháp sư phạm đa dạng hơn để hỗ trợ sinh viên, đồng thời, cũng tạo sự linh hoạt về thời gian và không gian phù hợp với điều kiện và nhu cầu của người học.

Bằng việc cung cấp cơ hội học tập bình đẳng với nội dung học tập số hóa tới mọi đối tượng, cơ sở giáo dục đại học hỗ trợ từng người học tự xây dựng lộ trình học tập riêng phù hợp với từng cá nhân. Đồng thời, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, cán bộ quản lý, giảng viên có thể theo dõi quá trình học tập và rèn luyện; thu thập dữ liệu, phân tích và đánh giá khách quan về người học. Vì vậy, nghiên cứu đề xuất giải pháp nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội trong giáo dục 4.0 là cần thiết.

2.  Tổng quan về phương pháp giảng dạy trong giáo dục 4.0

Trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế toàn cầu hóa đã đặt ra những thách thức ngành giáo dục phải thay đổi cách dạy học cho phù hợp. Người học cần nắm vững các kiến thức và kỹ năng như tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, giao tiếp và hợp tác, sáng tạo và đổi mới. Bên cạnh đó, các kỹ năng đọc viết liên quan đến kỹ thuật số bao gồm kiến thức thông tin và kiến thức truyền thông cũng được chú trọng (Nguyễn Văn Tỵ, 2019). Và khi đó khái niệm giáo dục 4.0 ra đời. Giáo dục 4.0 là một mô hình giáo dục thông minh, liên kết chủ yếu giữa các yếu tố nhà trường – nhà quản lý – nhà doanh nghiệp, tạo điều kiện cho việc đổi mới, sáng tạo và năng suất lao động trong xã hội tri thức. Mô hình này cũng thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của giảng viên, sinh viên; tạo điều kiện cho hợp tác giữa giáo dục đại học và sản xuất công nghiệp; gắn kết cùng các nỗ lực phát triển kinh tế khu vực và địa phương. Giáo dục 4.0 giúp hoạt động dạy và học diễn ra mọi lúc và mọi nơi, giúp người học có thể cá nhân hóa, hoàn toàn quyết định việc học tập theo nhu cầu của bản thân (Nguyễn Văn Toàn, 2020). Bên cạnh đó, thay đổi mô hình giáo dục là cần thiết để có thể hình thành một thế hệ cởi mở, sáng tạo, chấp nhận sự đổi mới và cạnh tranh. Một trong số đó có thể đạt được bằng cách tối ưu hóa việc sử dụng công nghệ trong giáo dục và đào tạo, qua đó hình thành các đầu ra có thể thích ứng với thời đại (Huy, N. Q, 2020). Để đáp ứng sự thay đổi, tất cả cơ sở giáo dục đại học hiện nay đều nhận thấy tầm quan trọng của việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong giáo dục nhằm đổi mới căn bản phương pháp dạy và học. Theo Hadley Ferguson, Giám đốc điều hành của Edcamp Foundation, thay đổi và tiếp cận công nghệ hiện đại không chỉ là sở hữu máy tính trong lớp học, mà còn là hiểu biết đúng đắn về các ứng dụng của công nghệ để xử lý từ đó mang lại hiệu quả tốt hơn. (Miraz, Ali, Excell, & Picking, 2015) cũng dự đoán rằng nhu cầu giáo dục sẽ thay đổi theo công nghệ, chứ không phải công nghệ sẽ thay đổi bản chất của giáo dục và công nghệ giáo dục hiện đại sẽ hỗ trợ học sinh hoàn thiện việc học một cách độc lập. Hơn nữa, công nghệ cũng đang thay đổi trải nghiệm lớp học. Thông tin và giao tiếp công nghệ đã tạo ra nhiều đổi mới trong lĩnh vực giảng dạy và cũng tạo ra một thay đổi mô hình dạy và học cũ. Trong mô hình học tập mới, vai trò của học sinh quan trọng hơn giáo viên. Các khái niệm về lớp học không giấy và không bút đang nổi lên như một giải pháp thay thế cho phương pháp dạy học cũ. Ngày nay với việc dân chủ hóa kiến thức và vai trò của giáo viên đang chuyển sang vai trò của người hỗ trợ. Chúng ta cần phải có hoạt động dạy học tương tác và vai trò thay đổi này của giáo dục là không thể tránh khỏi với sự ra đời của các giải pháp công nghệ tiên tiến và tạo ra một nền giáo dục hiểu biết về công nghệ của thế hệ thanh niên tương lai (Vijayalakshmi Murugesan, 2019). Khi đó, các nhà giáo dục đóng một vai trò hỗ trợ quá trình chuyển đổi và không coi đó là mối đe dọa đối với việc dạy học truyền thống. Giáo viên phải sử dụng các phương pháp giảng dạy và tiếp cận khác nhau cho phép học sinh trở thành những người tham gia tích cực với động lực và sự tham gia mạnh mẽ vào việc học của chính họ. Các mô hình và xu hướng sư phạm hiện đại trong giáo dục được củng cố bằng việc sử dụng công nghệ thông tin, tạo ra các điều kiện tiên quyết để sử dụng các phương pháp và kỹ thuật mới nhằm thực hiện học tập tích cực. Một phương pháp giảng dạy đổi mới là một cách tiếp cận chủ động để tích hợp các chiến lược giảng dạy và phương pháp mới vào một lớp học (Vijayalakshmi Murugesan, 2019). Thích ứng với xu hướng giáo dục này đảm bảo các cá nhân và cộng đồng phát triển các năng lực, kỹ năng và kiến thức hoàn chỉnh và khuyến khích tiềm năng sáng tạo của họ. Như vậy, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mới có ý nghĩa quan trọng đối với hệ thống giáo dục (Huy, N. Q, 2020). Các nghiên cứu đều khẳng định nền giáo dục 4.0 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giáo dục và các chủ thể trong đó đều phải chuẩn bị cho mình những kĩ năng cần thiết để thích ứng với sự thay đổi này.

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đổi mới phương pháp dạy học đang được coi là vấn đề cấp bách, thực hiện bước chuyển đổi từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học, nghĩa là từ chỗ quan tâm đến việc sinh viên học được cái gì đến chỗ quan tâm sinh viên vận dụng được cái gì qua việc học. Để đảm bảo được điều đó, phải thực hiện chuyển từ phương pháp dạy học theo lối “truyền thụ một chiều” sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất. Tăng cường việc học tập trong nhóm, đổi mới quan hệ giảng viên – sinh viên theo hướng cộng tác có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển năng lực xã hội. Bên cạnh việc học tập những tri thức và kỹ năng riêng lẻ của các môn học chuyên môn cần bổ sung các chủ đề học tập tích hợp liên môn nhằm giúp sinh viên phát triển năng lực giải quyết vấn đề phức hợp (Hồ Thu Quyên, 2016). Bên cạnh đó, dạy học tích hợp cũng là một định hướng trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, là một bước chuyển từ cách tiếp cận nội dung giáo dục sang tiếp cận phẩm chất, năng lực nhằm đào tạo con người có tri thức mới, năng động, sáng tạo khi giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống. Dạy học tích hợp là sự kết hợp giữa các phương pháp dạy và học thông thường với các hệ thống  kỹ thuật số. Dạy học tích hợp thể hiện như một mô hình tốt nhất của hai mô hình giảng dạy riêng biệt trong lịch sử: giảng dạy trực tiếp trên lớp và hệ thống học tập phân tán. Trong giáo dục đại học, gần đây dạy học tích hợp đang có xu hướng tăng thậm chí còn bị thúc đẩy nhiều hơn bởi cuộc khủng hoảng COVID (Crawford J, et al, 2020; Verpoorten. D, et al, 2020). Trong quá trình đổi mới giáo dục, dạy học tích hợp đóng vai trò quan trọng giúp sinh viên phát triển khả năng huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống, phát triển được những năng lực cần thiết, nhất là năng lực giải quyết vấn đề (Chu Thị Hảo, 2020). Các nghiên cứu đã đưa ra những nỗ lực của cơ sở giáo dục đại học trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm đáp ứng sự thay đổi của môi trường và giảng viên đóng vai trò quan trọng nhất giúp cho cơ sở giáo dục hoàn thành sứ mệnh của mình.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, trong nghiên cứu của (Terry D.Buss, 1976) cũng đã nghiên cứu sự cần thiết phải lấy ý kiến đánh giá của sinh viên về chất lượng giảng dạy của giảng viên. Kết quả cho thấy các trường đại học ở Hoa Kỳ đã sử dụng đánh giá người học để cải tiến chất lượng giảng dạy và nội dung chương trình đào tạo (Erdle, S., Murray, H. G., & Rushton. J, 1985). Hầu hết các nghiên cứu đều khẳng định rằng sinh viên là nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định chất lượng của một trường đại học. Bên cạnh vấn đề nghiên cứu sự thay đổi về chất lượng đào tạo thì vấn đề cần xem xét thêm đó là sự thay đổi hoạt động của giảng viên đã thay đổi như thế nào khi các trường đại học đã thực hiện công tác lấy ý kiến phản hồi của người học. Việc nghiên cứu này có giá trị và là một nguồn thông tin hết sức bổ ích và cần thiết cho việc nâng cao chất lượng đào tạo (Lê. C. L., & Đỗ. Đ. T, 2017).

Giáo dục đại học thời đại 4.0 đã đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các cơ sở giáo dục, bằng cách tối ưu hóa việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy và đổi mới phương pháp giảng dạy tích hợp theo hướng phát triển năng lực cho người học. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục luôn chú trọng việc nâng cao chất lượng giảng dạy thông qua việc lấy ý kiến đánh giá của người học. Từ đó cho thấy, đổi mới phương pháp giảng dạy trong thời đại giáo dục 4.0 đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi toàn diện giáo dục.

Với vai trò quan trọng của việc đổi mới phương pháp dạy học, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ra Quyết định thành lập Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy ngày 11 tháng 7 năm 2019 với nhiệm vụ hỗ trợ giảng viên trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy: thường trực hướng dẫn và hỗ trợ tác nghiệp, giải đáp thắc mắc của giảng viên và giáo viên trong hoạt động giảng dạy; tổ chức các hoạt động, sự kiện (toạ đàm, tập huấn, hội thảo…) về những xu thế và tiếp cận mới trong khoa học giáo dục; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho giảng viên, giáo viên về các kỹ năng liên quan tới công nghệ và phương pháp dạy học; về các phần mềm, trang thiết bị công nghệ thông tin hiện đại; kỹ năng sử dụng hệ thống giảng dạy trực tuyến, hệ thống phòng học thông minh, phòng thí nghiệm; quản lý, sử dụng học liệu… phục vụ cho việc đổi mới hoạt động giảng dạy[1].

3. Phương pháp nghiên cứu

Chúng tôi đã tiến hành khảo sát đánh giá tại các đơn vị đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội trong năm 2020. Nhóm nghiên cứu tiến hành thu thập dữ liệu theo hình thức phát phiếu khảo sát bản cứng và thu thập câu trả lời trực tuyến qua ứng dụng Google Form.

Bảng 3.1. Cơ cấu mẫu theo đơn vị

Đơn vịSố giảng viên (*)Tỷ lệ (%)Tần suất theo mẫu khảo sátTỷ lệ trên mẫu khảo sát (%)
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên368198921.6%
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn414227818.9%
Trường Đại học Ngoại ngữ540298219.9%
Trường Đại học Công nghệ1498307.3%
Trường Đại học Kinh tế734245.8%
Trường Đại học Giáo dục1126348.3%
Khoa Luật663215.1%
Khoa Quản trị kinh doanh43281.9%
Khoa Quốc tế462133.2%
Khoa Y Dược22171.7%
Trung tâm Giáo dục thể chất26141%
Trung tâm Giáo dục quốc phòng An ninh312102.4%
Khác41%
Không trả lời81.9%
Tổng1890100412100%

Nguồn: Dữ liệu giảng viên VNU tính đến ngày 31/12/2018[2]

Mẫu nghiên cứu được chọn theo phương pháp phân tầng với tỷ lệ cân đối giữa các đơn vị đào tạo trong Đại học Quốc gia Hà Nội. Kết quả, chúng tôi thu về tổng mẫu là 412 cán bộ giảng viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Về cơ cấu mẫu thu được, chúng tôi tiến hành phân theo giới, theo thâm niên giảng dạy, theo giảng viên có tham gia quản lý, và theo đơn vị. Khi xem xét mẫu theo giới, nhóm nghiên cứu nhận thấy tỷ lệ nữ giới (54.1%) tham gia khảo sát cao hơn so với tỷ lệ nam giới (45.6%). Tuy nhiên tỷ lệ nam và nữ tham gia khảo sát vẫn đảm bảo được tính cân đối về giới trong tổng mẫu. Theo thâm niên giảng dạy: đa số giảng viên tham gia khảo sát có thâm niên lâu năm, trên 15 năm (34%) và giảng viên có thâm niên từ 10-15 năm (23.5%). Trong khi đó số giảng viên có thâm niên 1-5 năm (21.8%) và 5-10 năm (20.4%) chiếm tỷ lệ thấp hơn. Theo giảng viên tham gia quản lý: giảng viên tham gia khảo sát có kiêm nhiệm quản lý chiếm 41.3%, trong khi đó số giảng viên không tham gia quản lý là 58.5%.

4. Thực trạng phương pháp giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội

Trong bối cảnh thời đại mới – thời đại công nghệ số, phương pháp giảng dạy của giảng viên chịu tác động mạnh mẽ về cả công cụ lẫn phương pháp giảng dạy. Các kết quả nghiên cứu được nhóm tác giả sử dụng lấy từ kết quả nghiên cứu của đề tài QG.19.52.

Để đánh giá phương pháp dạy học của giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát các phương pháp dạy học mà giảng viên sử dụng trong hoạt động giảng dạy của họ. Kết quả khảo sát cho thấy phương pháp thuyết trình (95.4%) và phương pháp thảo luận nhóm (92%) là hai phương pháp phổ biến nhất được giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội sử dụng. Phương pháp ít phổ biến nhất là phương pháp đóng vai (34%) và các phương pháp khác (3.9%).

Bảng 4.1. Phương pháp giảng dạy được giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội sử dụng

Phương pháp dạy họcTần suấtTỷ lệ (%)
Thuyết trình39395.4%
Thảo luận nhóm37992%
Giải quyết vấn đề25361.4%
Xêmina23757.5%
Nghiên cứu tình huống23557%
Theo dự án16139.1%
Đóng vai14034%
Khác163.9%

Về sự đa dạng trong ứng dụng các nền tảng công nghệ để thực hiện hoạt động giảng dạy của giảng viên, chúng tôi tiến hành khảo sát các ứng dụng mà giảng viên hiện đang sử dụng trong hoạt động giảng dạy. Kết quả phân tích cho thấy ứng dụng Google Forms là ứng dụng phổ biến nhất đối với giảng viên (61.5%) được sử dụng để khảo sát người học. Xếp thứ hai là ứng dụng Google Classroom được sử dụng để quản lý lớp học trực tuyến (53%). Xếp thứ ba là Kahoot (36.5%) được sử dụng để khởi động, điểm danh lớp học. Xếp thứ tư là ứng dụng Microsoft form (25.8%) được sử dụng để khảo sát người học. Ứng dụng Zoom xếp thứ năm chiếm 24.3% Ứng dụng MOOC ít được giảng viên sử dụng nhất trong hoạt động giảng dạy của mình (5.8%). Một số ứng dụng khác (20.5%) được giảng viên sử dụng gồm có Google Meet, Skype, Facebook, Microsoft Team, … đặc biệt, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã sử dụng ứng dụng UPM là ứng dụng riêng của trường dùng cho giảng viên để giảng dạy trực tuyến.

Bảng 4.2. Một số Ứng dụng CNTT được giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội sử dụng trong hoạt động giảng dạy

Ứng dụngTần suấtTỷ lệ (%)
Google Form (khảo sát người học) 24661.5%
Google Classroom (quản lý lớp học trực tuyến)21253%
Kahoot (khởi động, điểm danh lớp học)14636.5%
Microsoft Form (khảo sát người học)10325.8%
Zoom9724.3%
Moodle (quản lý lớp học trực tuyến)9423.5%
Prezi (soạn bài giảng, thuyết trình)7318.3%
MOOC (các khóa học trực tuyến)     235.8%
Khác8220.5%

Về dạng tài liệu giảng dạy, kết quả khảo sát thu được cho thấy hình thức tài liệu giảng viên sử dụng để gửi cho sinh viên phổ biến là bản giấy và bản điện tử. Cụ thể, tỷ lệ giảng viên trong mẫu khảo sát của chúng tôi sử dụng bản điện tử là 96.6%, trong khi đó tỷ lệ sử dụng bản giấy là 74.7%. Điều này cho thấy giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội đã ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động giảng dạy của mình. Tỷ lệ sử dụng bản điện tử cao hơn cho thấy xu hướng bản điện tử đã chiếm ưu thế hơn so với tài liệu bằng bản giấy. Một bộ phận giảng viên khác sử dụng đa dạng tài liệu gửi cho sinh viên (12.7%). Các dạng tài liệu này có thể kể đến: đường link tài liệu, website, danh mục tài liệu tham khảo, phim ảnh, hoặc thông tin để sinh viên tự tìm thêm tài liệu, …

Bảng 4.3. Dạng tài liệu giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội sử dụng

Dạng tài liệuTần suấtTỷ lệ (%)
Bản điện tử39796.6%
Bản giấy30874.9%
Khác5112.4%

Hoạt động lấy ý kiến phản hồi là hoạt động không thể thiếu trong triển khai giảng dạy của Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhóm nghiên cứu cũng đã khảo sát và nhận thấy hầu hết các đơn vị trong Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai rất tốt vấn đề này (96.8%). Tuy nhiên vẫn còn một số giảng viên cho biết nhà trường không lấy ý kiến phản hồi của sinh viên về hoạt động giảng dạy (3.2%). Số giảng viên này rải rác trong các đơn vị của Đại học Quốc gia Hà Nội mà không tập trung ở đơn vị nào cụ thể.

Một trong các vấn đề nhóm nghiên cứu muốn đi sâu làm rõ là việc các giảng viên có sử dụng ý kiến phản hồi của sinh viên để đổi mới hoạt động giảng dạy của mình hay không. Dữ liệu thu được cho thấy đa số giảng viên sử dụng ý kiến phản hồi của sinh viên để thay đổi ứng dụng giảng dạy (95.4%) và đổi mới phương pháp giảng dạy (92%). Ngoài ra, giảng viên cũng sử dụng ý kiến của sinh viên để đổi mới nội dung giảng dạy (61.4%) và các hoạt động khác (3.9%).

Bảng 4.4. Triển khai hoạt động và sử dụng ý kiến sinh viên phản hồi về hoạt động giảng dạy

Nội dungTần suấtTỷ lệ (%)
Hoạt động lấy ý kiến phản hồi
39996.8%
Không133.2%
Tổng412100%
Sử dụng ý kiến phản hồi
Thay đổi các ứng dụng trong giảng dạy39395.4%
Đổi mới phương pháp giảng dạy37992%
Đổi mới nội dung giảng dạy25361.4%
Khác163.9%

Ngoài việc sử dụng ý kiến phản hồi của sinh viên theo đề tài QG.19.52, nhóm tác giả còn lấy số liệu từ báo cáo hằng năm về kết quả đánh giá chất lượng thông qua phản hồi của các bên liên quan của Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo đó, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thực hiện lấy ý kiến phản hồi của người học về phương pháp giảng dạy của giảng viên tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Khảo sát được thực hiện năm 2020 với 11 đơn vị đào tạo, tổng số lượng sinh viên lấy ý kiến là 37.386 sinh viên. Kết quả thu được như sau: Người học đánh giá mức độ đồng ý với phương pháp giảng dạy của giảng viên khá cao (trung bình ở mức 4.29/5- Hoàn toàn đồng ý), trong đó người học có mức độ đồng ý cao với tiêu chí “Giảng viên ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin trong giảng dạy” và “Hoạt động giảng dạy của giảng viên có tích hợp với việc phát triển kỹ năng mềm và kỹ năng học tập suốt đời của sinh viên”. Tiêu chí được sinh viên đồng ý với mức thấp hơn là “Phương pháp giảng dạy của giảng viên khuyến khích được sinh viên tích cực tham gia vào các hoạt động học tập”. Qua đó cho thấy, giảng viên cần tích cực phát huy ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, tích hợp kĩ năng mềm trong giảng dạy và chú trọng hơn nữa đến việc khuyến khích sinh viên tích cực tham gia vào hoạt động học tập.

Để nhìn nhận khách quan về hoạt động giảng dạy của giảng viên trong bối cảnh mới, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát những khó khăn mà giảng viên gặp phải trong quá trình thực hiện hoạt động giảng dạy trực tuyến, cụ thể là quá trình biên soạn bài giảng trực tuyến của họ. Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy, giảng viên thiếu thời gian trong việc chuẩn bị các bài giảng trực tuyến (69.5%). Khó khăn xếp thứ hai giảng viên gặp phải trong biên soạn bài giảng trực tuyến là thiếu trang thiết bị để soạn bài (46.2%). Khó khăn thứ ba là không biết sử dụng một số công cụ hỗ trợ biên soạn (31.6%). Và xếp cuối cùng là không biết công cụ hỗ trợ biên soạn (36%). Một số giảng viên gặp phải nhóm khó khăn khác (13.5%), chủ yếu là do cơ sở vật chất như hệ thống đường truyền trực tuyến chậm, giảng viên chưa có phòng cách âm và máy tính cấu hình đảm bảo để thực hiện bài giảng, …; do thiếu kỹ năng sử dụng các phần mềm hỗ trợ biên soạn bài giảng.

Bảng 4.5. Khó khăn trong quá trình biên soạn bài giảng trực tuyến

Khó khănTần suấtTỷ lệ (%)
Không có nhiều thời gian19169.5%
Thiếu trang thiết bị12746.2%
Không biết sử dụng một số công cụ hỗ trợ biên soạn8731.6%
Không biết công cụ hỗ trợ biên soạn 9936%
Khác3713.5%

Để đáp ứng được yêu cầu dạy và học trong bối cảnh giáo dục toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi các đột phá công nghệ phát triển nhanh và liên tục, giảng viên cần có sự nhạy bén nhất định trong việc điều chỉnh bài giảng trên lớp. Nhằm tìm hiểu tần suất cập nhật bài giảng của giảng viên, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các mốc thời gian cập nhật gồm 6 tháng/lần, 1 năm/lần, 2 năm/lần, và một câu trả lời mở. Kết quả thu được cho thấy phần lớn giảng viên cập nhật bài giảng hàng năm (46.7%). Còn lại giảng viên cập nhật bài giảng nửa năm một lần (37.5%). Một bộ phận giảng viên cập nhật mỗi 2 năm một lần (2.2%). Các giảng viên cập nhật khác (13.6%) là các giảng viên thường xuyên, liên tục cập nhật bài giảng của mình hoặc cập nhật theo điều kiện nhất định như tùy vào đối tượng người học, khi có điều kiện.

Nhóm nghiên cứu cũng tìm hiểu động cơ thúc đẩy việc cập nhật bài giảng của giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội. Kết quả nghiên cứu cho thấy phần lớn nguyên nhân là do nhu cầu từ sự phát triển của chuyên ngành (87.4%) và nhu cầu từ chính bản thân giảng viên muốn đổi mới bài giảng (81.1%). Ngoài ra, một phần nguyên nhân từ phía sinh viên (52.7%). Nguyên nhân từ phía yêu cầu của nhà trường không được xem là nguyên nhân chủ yếu để cập nhật bài giảng (34%). Một bộ phận giảng viên có nguyên nhân khác nhưng không đáng kể (1.9%).

Bảng 4.6. Tần suất và lý do cập nhật bài giảng của giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội

Nội dungTần suấtTỷ lệ (%)
Tần suất cập nhật bài giảng
1 năm/lần19246.7%
6 tháng/lần15437.5%
2 năm/lần92.2%
Khác5613.6%
Lý do cập nhật bài giảng
Do nhu cầu từ sự phát triển của chuyên ngành36087.4%
Do nhu cầu của bản thân33481.1%
Do yêu cầu của sinh viên21752.7%
Do yêu cầu từ nhà trường14034%
Khác81.9%

Các kết quả nghiên cứu vừa trình bày ở trên dựa trên số liệu khảo sát năm 2020, theo đó giảng viên tại Đại học Quốc gia Hà Nội đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng thường xuyên các công cụ hỗ trợ dạy học, tích cực điều chỉnh bài giảng cho phù hợp với bối cảnh giáo dục 4.0, quan tâm đến ý kiến phản hồi của người học để điều chỉnh phương pháp dạy học của mình. Kết quả giảng dạy của giảng viên được người học đánh giá cao. Đồng hành cùng các giảng viên trong hoạt động dạy học, Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy đã rất tích cực triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng dạy học. Tính đến ngày 31 tháng 7 năm 2021, sau 2 năm thành lập, Trung tâm đã tổ chức tập huấn cho 2.168 lượt giảng viên về đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; tổ chức 21 hội thảo, toạ đàm về đổi mới hoạt động dạy học, … góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng đào tạo tại Đại học Quốc gia Hà Nội. (Nguồn: Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy). Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số giảng viên gặp khó khăn trong việc triển khai hoạt động dạy học, vì vậy, cần có giải pháp cụ thể đồng bộ để nâng cao chất lượng giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

5.  Giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội

5.1. Mục tiêu giải pháp

– Đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm thiết kế các hoạt động giảng dạy phù hợp với phương thức đào tạo kết hợp (blended learning), trong đó chú ý quan tâm chất lượng đào tạo của phương thức đào tạo trực tuyến để đạt được chuẩn đầu ra của học phần.

– Đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm thúc đẩy việc dạy cách học, rèn luyện các kĩ năng, nâng cao khả năng học tập suốt đời của người học.

5.2. Nội dung giải pháp

– Tổ chức tập huấn, hỗ trợ, hướng dẫn việc thực hành, áp dụng các phương pháp giảng dạy phối hợp cho đội ngũ giảng viên.

– Triển khai phối hợp giảng dạy trực tuyến với các hình thức giảng dạy khác để đáp ứng chuẩn đầu ra của học phần.

– Tổ chức lấy ý kiến phản hồi các bên liên quan để cải tiến chất lượng giảng dạy và thực hiện các hoạt động thi đua khen thưởng cho giảng viên.

5.3. Cách thức thực hiện

a. Đối với giảng viên

– Tích cực sử dụng các công cụ, phần mềm hỗ trợ giảng dạy trực tuyến; tham gia các lớp tập huấn, toạ đàm, hội thảo, nghiên cứu và công bố khoa học về đổi mới phương pháp giảng dạy.

– Định kỳ cập nhật bài giảng đảm bảo thực hiện chuẩn đầu ra: xác định rõ phương pháp giảng dạy và hình thức kiểm tra đánh giá nhằm đạt chuẩn đầu ra của học phần thông qua việc xây dựng ma trận chuẩn đầu ra về phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá đối với các chương hay mô đun của từng học phần.

– Tương tác và có phản hồi kịp thời tới người học trên hệ thống LMS (Learning Management System) hoặc tương đương; hỗ trợ người học giải quyết những khó khăn nảy sinh do quá trình thông tin liên lạc gặp sự cố và đảm bảo tiến độ học tập của người học. Ngoài tổ chức dạy học trực tuyến theo thời gian thực, xây dựng một số nội dung giảng dạy dưới dạng video, đặc biệt là các nội dung liên quan đến lý thuyết, tổng quan, đưa các video hoặc đường dẫn tới video này lên hệ thống quản trị học tập LMS để người học có thể chủ động tiếp cận và học tập.

– Thông báo ngay từ đầu học kỳ cho người học biết rõ lịch trình học tập, cách thức tổ chức các hoạt động học tập khác nhau (cả trực tuyến và trực tiếp) để người học chủ động chuẩn bị, hoàn thành các yêu cầu học tập và làm bài tập đúng hạn.

– Thực hiện các hoạt động tuyên dương, khuyến khích, ghi nhận sự tham gia tích cực của người học để thúc đẩy tinh thần và ý thức tự giác học tập của người học.

– Rà soát, đánh giá các hoạt động giảng dạy phối hợp theo tiến trình đào tạo của từng phần (3 tuần, 7 tuần, 10 tuần, 15 tuần); sử dụng ý kiến phản hồi của người học về hoạt động dạy và học để kịp thời điều chỉnh, cải tiến chất lượng dạy và học.

b. Đối với các khoa, bộ môn

– Xác định và cụ thể hóa các hoạt động của giảng viên phù hợp với phương thức đào tạo phối hợp.

– Hướng dẫn giảng viên thiết kế các phương pháp giảng dạy phù hợp nhằm thúc đẩy việc rèn luyện các kĩ năng thiết yếu, kĩ năng mềm cho người học; thiết kế hoạt động tự nghiên cứu/tự học nhằm hướng đến việc nâng cao khả năng học tập suốt đời cho người học.

c. Đối với đơn vị đào tạo

– Tổ chức phổ biến, tập huấn về sử dụng các phương pháp dạy và học phù hợp với phương thức đào tạo phối hợp cho giảng viên.

– Chỉ đạo xây dựng quy trình thực hiện các phương pháp dạy học kết hợp và chuẩn bị các điều kiện để tổ chức dạy học kết hợp có hiệu quả.

– Sắp xếp bố trí thêm tối thiểu 01 giảng viên hoặc trợ giảng cho những lớp học trực tuyến có nhiều hơn 40 người học.

– Tổ chức thi đua khen thưởng cho những giảng viên có nhiều sáng kiến và hiệu quả cao trong giảng dạy phối hợp.

– Các đơn vị đào tạo lập nhóm hỗ trợ kỹ thuật/nhóm chuyên trách để triển khai công tác đào tạo trực tuyến; tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá hoạt động dạy học kết hợp (có danh mục các nội dung kiểm tra sau mỗi buổi dạy phối hợp và sau khi kết thúc học phần); tổ chức hội thảo, hội nghị tổng kết để đánh giá và rút kinh nghiệm trong dạy và học kết hợp; lấy ý kiến phản hồi của các bên liên quan và chỉ đạo cải tiến hoạt động dạy và học phối hợp.

d. Đối với Đại học Quốc gia Hà Nội

– Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng các văn bản quy định, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện đào tạo phối hợp; thường xuyên kiểm tra, thanh tra hoạt động giảng dạy phối hợp của giảng viên tại các đơn vị.

– Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy tổ chức các buổi toạ đàm, tập huấn hỗ trợ giảng viên cập nhật và thực hành các phương pháp, công cụ giảng dạy phối hợp nói riêng và phương pháp giảng dạy, công nghệ giảng dạy nói chung.

5.4. Điều kiện thực hiện

– Giảng viên nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đổi mới giảng dạy trong thời đại 4.0 để cải tiến chất lượng đào tạo, nâng cao vị thế của Đại học Quốc gia Hà Nội.

– Các đơn vị đào tạo quan tâm tới các giảng viên mới và giảng viên có năng lực công nghệ thông tin còn hạn chế để kịp thời hỗ trợ giảng viên trong hoạt động giảng dạy phối hợp.

– Đại học Quốc gia Hà Nội đảm bảo hạ tầng mạng truyền thông, cung cấp các hỗ trợ và giải pháp công nghệ để đơn vị lựa chọn và áp dụng trong xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến.

6. Kết luận

Nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng phương pháp giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Kết quả khảo sát cho thấy các giảng viên đã ứng dụng các nền tảng công nghệ để thực hiện hoạt động giảng dạy và sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học khác nhau. Hoạt động lấy ý kiến phản hồi của người học về phương pháp giảng dạy của giảng viên được thực hiện định kỳ tại các đơn vị. Phần lớn các giảng viên đều sử dụng ý kiến phản hồi của sinh viên để đổi mới phương pháp giảng dạy. Bên cạnh đó, trong bối cảnh giáo dục toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi các đột phá công nghệ phát triển nhanh và liên tục, giảng viên luôn định kì cập nhật bài giảng để đáp ứng yêu cầu của chuyên ngành. Nghiên cứu cũng đưa ra một số giải pháp, cách thức thực hiện cũng như điều kiện để có thể thực hiện được các giải pháp một cách hiệu quả. Các giải pháp được đưa ra đều nhằm thiết kế các hoạt động giảng dạy phù hợp với định hướng đổi mới trong giảng dạy đại học. Nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy rất cần thiết đối với Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng và các cơ sở đào tạo đại học nói chung để xây dựng một chiến lược giảng dạy phù hợp, giúp sinh viên phát huy khả năng tổng hợp kiến thức, kĩ năng giải quyết các vấn đề nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Buss, T. D. (1976). Student evaluation for curriculum and teacher development. The Vocational Aspect of Education, 28(69), 19-23.

Crawford J và nnk., Butler-Henderson K, Rudolph J, Malkawi B, Glowatz M, Burton R. (2020). COVID-19: 20 countries’ higher education intra-period digital pedagogy responses. Journal of Applied Learning & Teaching, 3(1): 9-28

Erdle, S., Murray, H. G., & Rushton, J. P. (1985). Personality, classroom behavior, and student ratings of college teaching effectiveness: A path analysis. Journal of Educational Psychology, 77(4), 394.

Chu Thị Hảo. (2020). Thực trạng năng lực dạy học tích cực của giáo viên trung học cơ sở tỉnh Phú Thọ theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông. Tạp chí giáo dục, số 469 (Kì 1 – 1/2020), tr 17-21.

Huy, N. Q. (2020). Approaches to Higher Education Innovation in the Context of Industrial Revolution 4.0. VNU Journal of Science: Policy and Management Studies, 36(2).

Lê, C. L., & Đỗ, Đ. T. (2017). Sự thay đổi hoạt động giảng dạy môn học của giảng viên dưới góc nhìn phản hồi từ người học (Nghiên cứu tại Trường Đại học Sài Gòn).

Miraz, M. H., Ali, M., Excell, P. S., & Picking, R. (2015, September). A review on Internet of Things (IoT), Internet of everything (IoE) and Internet of nano things (IoNT). In 2015 Internet Technologies and Applications (ITA) (pp. 219-224). IEEE.        

Hồ Thu Quyên. (2016). Nghiên cứu về dạy học theo tiếp cận phát triển năng lực người học. Tạp chí Quản lý giáo dục, số 83-Tháng 04/2016.

Nguyễn Văn Tỵ. (2019). Đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0. Truy cập 16/08/2019, từ http://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/doi-moi-giao-duc-dai-hoc-trong-boi-canh-cach-mang-cong-nghiep-4-0-123652.

Nguyễn Văn Toàn. (2020). Thay đổi phương pháp dạy và học trước tác động cách mạng công nghiệp 4.0, từhttps://daihoclongan.edu.vn/tin-tuc-su-kien/tin-tuc-chung/1588-thay-doi-phuong-ph%C3%A1p-day-va-hoc-truoc-tac-dong-cach-mang-cong-nghiep-4-0.html

Vijayalakshmi Murugesan. (2019). Innovations in Teaching Methods. JASC: Journal of Applied Science and Computations, Volume VI, Issue I, 2588 – 2596.

Verpoorten, D., Huart, J., Detroz, P., & Jérôme, F. (2020). Blended Learning in Higher Education: Faculty Perspective through the Lens of the Planned Behaviour Theory. E-Learning and Digital Education in the Twenty-First Century-Challenges and Prospects.

http://cte.vnu.edu.vn/


[1] http://cte.vnu.edu.vn/

[2] Trang điện tử trực tuyến vnu.edu.vn, truy cập ngày 31/3/2020.

Theo Ngô Thị Thanh Huyền, Nguyễn Hồng Hạnh. (2021), Sách chuyên khảo “Đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học: Lý luận và thực tiễn”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

Leave a reply

https://unihub.vnu.edu.vn/
https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2016/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2017/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2021/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2022/