Kết quả đánh giá các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của AUN-QA và các hoạt động cải tiến chất lượng tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

Mở đầu

Bảo đảm chất lượng giáo dục đại học là một trong những vấn đề được các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức và mạng lưới khu vực và quốc tế quan tâm nhiều nhất trong những thập kỉ qua trong quá trình hội nhập toàn cầu trong đó không ngoại trừ Việt Nam (Nguyễn Hữu Cương, 2017). Bảo đảm chất lượng giáo dục là trách nhiệm của tất cả các cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, bảo đảm chất lượng bên ngoài đóng vai trò rất quan trọng, là yếu tố nền tảng giúp duy trì, cải tiến và nâng cao chất lượng tất cả các lĩnh vực của mỗi CSGD.

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để hình thành hệ thống bảo đảm chất lượng và Kiểm định chất lượng giáo dục trong cả nước, sau hơn 15 năm chính thức triển khai thực hiện, hệ thống bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học đã đạt được những thành tựu quan trọng bước đầu (Lê Mỹ Phong và Nguyễn Thái Sơn, 2019). Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học đã giúp các trường xác định được điểm mạnh, điểm yếu và từ đó có kế hoạch để cải tiến chất lượng, nâng cao chất lượng dựa trên kết quả đánh giá (Tạ Thị Thu Hiền, 2015). Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học được công bố công khai để xã hội biết và giám sát (Luật Giáo dục, 2005).

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương khuyến khích các trường đăng ký đánh giá ngoài theo bộ tiêu chuẩn ở khu vực và quốc tế. Trong các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục đại học quốc tế thì bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của AUN-QA (ASEAN University Network – Quality Assurance) đang được sử dụng rộng rãi nhất ở Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã việt hóa bộ tiêu chuẩn này thành bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của quốc gia, ban hành quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học theo thông tư số 04/2016/TT-BGD&ĐT (Bộ GD&ĐT, 2016). Qua thống kê mới nhất của Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT tính đến ngày 31/07/2021 cho thấy tổng số các chương trình được đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước và ngoài nước là 457, trong đó 241 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước và 216 chương trình được đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài. Số lượng các chương trình đào tạo đã được đánh giá theo tiêu chuẩn AUN-QA tương đối lớn với 173 chương trình đào tạo (Cục Quản lý chất lượng, 2020)

Mạng lưới các trường Đại học ASEAN (ASEAN University Network, AUN[1]) là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, được thành lập năm 1995 với mục đích thúc đẩy sự hợp tác và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, trao đổi giảng viên và sinh viên giữa các trường ở ASEAN. Từ khi thành lập, AUN có 13 thành viên là các trường hàng đầu của 10 nước trong khu vực; đến nay đã có 30 trường thành viên (Trong đó Việt Nam có Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và gần đây vừa kết nạp thêm Đại học Cần Thơ). Một trong những hoạt động thành công nhất của tổ chức này là Mạng lưới chuyên về bảo đảm chất lượng và Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng AUN-QA. Đây là bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng được xây dựng với mục tiêu chuẩn hóa chất lượng giáo dục đại học Đông Nam Á, tạo điều kiện cho hoạt động công nhận lẫn nhau giữa các trường đại học trong khu vực. Hiện nay, AUN-QA đã xây dựng các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cấp chương trình đào tạo (CTĐT) và cấp cơ sở giáo dục (CSGD). Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cấp CTĐT của AUN-QA bắt đầu được xây dựng từ năm 1998, phiên bản đầu được đưa vào sử dụng từ năm 2008 đến năm 2010, sau đó được điều chỉnh vào năm 2011 (phiên bản 2.0), 2015 (phiên bản 3.0) và 2020 (phiên bản 4.0). Bộ tiêu chuẩn AUN-QA không mang tính chuẩn tắc, có thể áp dụng để đánh giá chương trình thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau, các tiêu chuẩn có thể được chia thành 3 nhóm bao gồm nhóm 1: thiết kế và triển khai chương trình đào tạo, nhóm 2: nguồn lực và nhóm 3: bảo đảm chất lượng (Nguyễn Quốc Chính và cộng sự, 2020).

Ở Việt Nam, trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBK HN) với sứ mạng là ” Phát triển con người, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ và chuyển giao tri thức, phục vụ xã hội và đất nước”, công tác bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục trở thành mối quan tâm hàng đầu để trường hoàn thành sứ mạng, thêm vào đó kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đã khẳng định uy tín, vị thế của trường và hội nhập vào nền giáo dục toàn cầu. Dựa trên phương pháp phân tích tài liệu và nguồn dữ liệu thứ cấp số liệu thống kê để phân tích kết quả đánh giá các CTĐT theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA và các hoạt động cải tiến chất lượng các CTĐT sau đánh giá ngoài.

  1. Hoạt động đánh giá chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội

Trường ĐHBK HN được Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trao quyền thực hiện tự chủ hoàn toàn vào tháng 10/2016. Dựa trên quyền và trách nhiệm tự chủ, Trường đang xây dựng lại điều lệ của trường đại học, tái cấu trúc từng đơn vị trong Trường để đảm bảo hợp lý, hiệu quả hệ thống, đây là cơ hội để trường nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, tạo sức bật cho phát triển. Việc thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục là công cụ để trường vừa thực hiện đảm bảo chất lượng, vừa đảm bảo trách nhiệm giải trình về chất lượng đối với xã hội.

Lãnh đạo Trường ĐHBK HN rất quan tâm hoạt động bảo đảm chất lượng, nhận thức sâu sắc và chỉ đạo sát sao chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai công tác bảo đảm chất lượng, Ban Giám hiệu Trường ĐHBK HN đã ban hành quyết định số 1578/QĐ-ĐHBK-TCCB ngày 30/9/2008 về việc thành lập Trung tâm Đảm bảo chất lượng (Tên tiếng Anh: Center for Quality Assurance – CEQUA), 10 năm sau đó đã đổi tên là phòng Quản Lý Chất lượng. Trải qua 13 năm phát triển, đơn vị chuyên trách về đảm bảo chất lượng của Trường đã ngày càng không ngừng lớn mạnh với trách nhiệm được phân công thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hướng dẫn và giám sát triển khai hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ phù hợp với chuẩn ISO 21001, nghiên cứu các bộ tiêu chuẩn đánh giá, hỗ trợ hướng dẫn thực hiện các hoạt động kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học và cấp CTĐT.

Trường ĐHBK HN cũng là một trong những trường đã tham gia viết báo cáo tự đánh giá cơ sở giáo dục đại học sớm theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ những năm 2005 và được đánh giá tiêu chuẩn chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2006.  Trường chú trọng đẩy mạnh công tác triển khai đánh giá ngoài các CTĐT theo AUN-QA và đã trở thành thành viên liên kết của mạng lưới AUN-QA mạng lưới các trường đại học ở Đông Nam Á năm 2015.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng CTĐT, Trường ĐHBK HN đã chọn sử dụng Bộ tiêu chuẩn AUN-QA làm cơ sở để đánh giá các CTĐT. Quá trình thực hiện đánh giá CTĐT của trường được thực hiện theo các giai đoạn: (1) Tự đánh giá nội bộ cấp trường; (2) đánh giá đồng cấp; và (3) đánh giá cấp khu vực và quốc tế.

Hình 1.1: Tổng quan về thành tựu kiểm định chất lượng của trường ĐHBK HN

(Nguồn: Báo cáo tổng kết các CTĐT được đánh giá và công nhận năm 2020 – Trường ĐHBK HN)

Theo số liệu thống kê từ các báo cáo tổng kết đánh giá chất lượng từ tháng 03/2013 đến tháng 12/2020 cho thấy đã có 12 CTĐT đã được đánh giá đạt chất lượng theo bộ chuẩn AUN-QA. Dựa vào những phản hồi của đoàn đánh giá ngoài, phản hồi của các bên liên quan; bao gồm lãnh đạo, giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên, doanh nghiệp, nhà trường tiếp tục cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và không ngừng cải tiến chất lượng các CTĐT. 

Hình 1.1 chỉ ra Trường ĐHBK HN đã được tổ chức HCÉRES đánh giá và công nhận cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng tháng 06/2017. Một số CTĐT khác của trường được kiểm định chất lượng theo bộ tiêu chuẩn khác như 03 CTĐT kỹ sư chất lượng cao được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn CTI và đã tái kiểm định 2 lần, chuẩn bị tái kiểm định chất lượng lần 3 vào năm 2022.

Theo mục tiêu đề án 69/QĐ-TTg  của chính phủ về nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025, lộ trình mục tiêu đến năm 2025 đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng hơn trên 35% chương trình đào tạo, Trường đã lên kế hoạch thực hiện viết các báo cáo tự đánh giá để chuẩn bị các chương trình đào tạo được đánh giá chất lượng  và công nhận bởi các tổ chức kiểm định có uy tín quốc tế như CTI,  ASIIN, HCERES, AUN-QA. Trong năm 2020, trường đã đăng ký thành công 08 CTĐT kỹ thuật và sẽ được đánh giá ngoài vào 02 đợt trong năm 2021 theo hình thức trực tuyến. Ngoài ra, Hiệu trưởng đã phê duyệt kế hoạch tới cuối năm 2022, tái kiểm định 02 CTĐT PFIEV vào tháng 3/2022, chuẩn bị hồ sơ báo cáo thực hiện tái kiểm định cấp trường theo tiêu chuẩn HCERES, ký hợp đồng thỏa thuận kiểm định chất lượng khoảng 10 CTĐT với tổ chức kiểm định ASIIN và tiếp tục đăng ký đánh giá ngoài 08 CTĐT của Trường theo bộ tiêu chuẩn của AUN-QA vào năm 2022.

2. Kết quả đánh giá các CTĐT theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA

Hoạt động bảo đảm chất lượng bên ngoài được chú trọng hơn, chuyển biến mạnh mẽ điều đó xuất phát từ nhu cầu tất yếu khách quan của công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Trường ĐHBK HN đã có 12 CTĐT được đánh giá chất lượng và công nhận bởi AUN-QA. Bộ tiêu chuẩn AUN-QA phiên bản 3 ở cấp độ CTĐT bao gồm 11 tiêu chuẩn và mỗi tiêu chuẩn được đánh giá dựa trên thang điểm 7 mức như sau 1: Hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu; mức 2: Không đáp ứng yêu cầu, cần thiết phải cải tiến chất lượng; mức 3: không đáp ứng yêu cầu nhưng chỉ cần cải thiện nhỏ sẽ đáp ứng đầy đủ; mức 4: Đáp ứng đầy đủ yêu cầu mong đợi; mức 5: Tốt hơn mức đáp ứng đầy đủ yêu cầu; mức 6: là ví dụ điển hình tốt nhất; mức 7; Vượt trội (AUN-QA, 2017).

Bảng 2.1: Kết quả kiểm định chất lượng CTĐT tại trường ĐHBK HN

(Nguồn: Báo cáo tổng kết các CTĐT được đánh giá và công nhận tính đến năm 2020 – phòng QLCL, Trường ĐHBK HN)

STTTên CTĐTThời điểm KĐCLBộ tiêu chuẩnKết quả KĐCL
1Truyền thông và mạng máy tính4/2013AUN-QA V2.04.0
2CTTT KT Y Sinh6/2017AUN-QA V3.04.8
3CTTT KT Vật liệu6/2017AUN-QA V3.04.4
4CTTT KT Cơ điện tử6/2017AUN-QA V3.04.3
5Điện tử truyền thông10/2017AUN-QA V3.04.5
6KT Vật liệu10/2017AUN-QA V3.04.0
7Cơ điện tử10/2017AUN-QA V3.04.1
8KT Hóa học10/2017AUN-QA V3.04.2
9KT Điện6/2019*AUN-QA V3.0Đạt (4.0)
10KT Sinh học6/2019*AUN-QA V3.0Đạt (4.0)
11KT Cơ khí Động lực6/2019*AUN-QA V3.0Đạt (4.0)
12KT Điều khiển và tự động hóa6/2019*AUN-QA V3.0Đạt (4.0)

*Từ năm 2019 cách tính mới là tính điểm tiêu chuẩn, không còn là cách tính điểm từng tiêu chí, điểm lẻ mà làm tròn. Điểm được làm tròn theo tiêu chuẩn, có thể hiểu tiêu chuẩn ghi điểm 4, có nghĩa là ≥ 4 (khoảng 4.1-4.9).

Số liệu bảng 2.1 cho thấy CTĐT được điểm trung bình cao nhất với 4.8 điểm là chương trình tiên tiến Kỹ thuật Y Sinh. Các chương trình tiên tiến có nhiều lợi thế hơn các chương trình thường, được thiết kế, xây dựng dựa trên CTĐT hiện đại của các trường đại học ở Mỹ (những trường này trong top 100 xếp hạng thế giới), kể cả nội dung và phương pháp giảng dạy, quy trình tổ chức, chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh. Thực tế 04 chương trình được đánh giá ngoài bởi AUN-QA năm 2019 theo cách tính mới là tính điểm tiêu chuẩn, không còn là cách tính điểm từng tiêu chí, không có điểm lẻ mà làm tròn, nên có thể tiêu chí đang triển khai hiệu quả cạnh tiêu chí mới đáp ứng trong 1 tiêu chuẩn khi tính điểm trung bình chỉ đạt điểm trung bình là mức 4.

Kết quả kiểm định chất lượng CTĐT dựa trên những thông tin được cung cấp trong báo cáo tự đánh giá, các minh chứng, tham quan thực tế và phỏng vấn các bên liên quan được lựa chọn bao gồm cán bộ lãnh đạo, cán bộ hỗ trợ, sinh viên, cựu sinh viên và nhà tuyển dụng. Tại lễ tổng kết đánh giá, các khuyến nghị, điểm mạnh và điểm tồn tại cần cải thiện đã được chỉ ra bởi đoàn đánh giá ngoài.

Hình 2.1: Điểm trung bình của 11 tiêu chuẩn

(Nguồn: Báo cáo tổng kết các CTĐT được đánh giá và công nhận tính đến năm 2020 – Trường ĐHBK HN)

Hình 2.1 là bảng kết quả của 11 CTĐT được đánh giá theo tiêu chuẩn AUN-QA phiên bản 3 tại Trường ĐHBK HN. Điểm trung bình các tiêu chí ở hình trên có thể thấy điểm cao nhất trong 11 tiêu chuẩn là tiêu chuẩn 6 chất lượng giảng viên với mức điểm trung bình 4.55. Giảng viên của trường được đào tạo bài bản, tỷ lệ lớn được đào tạo sau đại học, thực tập, tập huấn ở các nước tiên tiến như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Nga. Các giảng viên đều tham gia nghiên cứu khoa học hàng năm trong các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Trường hoặc tương đương, giúp cho các kiến thực truyền tải đến SV có thông tin khoa học và thực tiễn.

Bảng 2.2: Các khuyến nghị của đoàn đánh giá của các chương trình đào tạo

(Nguồn: AUN-QA Presentation: Preliminary Finding and AUN-QA assessment feedback report at programme level và Báo cáo hành động khắc phục các tồn tại sau kết quả đánh giá ngoài 12 CTĐT- Trường ĐHBK HN năm 2017)

STTCác khuyến nghị chung của đoàn đánh giá cho 3 đợt đánh giá 12 CTĐT được đánh giá theo tiêu chuẩn AUN-QA
1Các chương trình cần xây dựng chuẩn đầu ra với động từ rõ ràng hơn, các động từ ngắn gọn và dễ dàng đánh giá chuẩn đầu ra.  Khảo sát các bên liên quan còn ít, đặc biệt đối với nhà tuyển dụng và cựu sinh viên dẫn đến việc rà soát, điều chỉnh và cải tiến chất lượng chưa được quan tâm.
2Các khóa học đặc biệt để phát triển kỹ năng mềm hoặc khóa học tự chọn nâng cao kiến thức để sinh viên chọn lựa Nên bổ sung thêm. Các hoạt động tham quan thực tế, thực hành ở các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa. Hoạt động thực hành trong phòng thí nghiệm với thời gian ngắn, cần tăng thời lượng thực hành trong phòng thí nghiệm cho sinh viên.
3Triết lý giáo dục cần được tuyên bố và phổ biến trong các diễn đàn và các buổi gặp mặt với các bên liên quan, đặc biệt là sinh viên mới. Triết lý của các Viện nên khác với Trường. Cần sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy, đa dạng phương pháp giảng dạy để tăng hiệu quả đào tạo. Các học phần cần có nhiều phương pháp để giúp sinh viên phát triển life-long learning với các kỹ năng tự học, kỹ năng xử lý thông tin… Cập nhật và đổi mới kiểm tra đánh giá trong giảng dạy ở các CTĐT, giúp học sinh nhận ra mình đang ở đâu trên con đường đạt đến mục tiêu bài học/chuẩn kiến thức, kỹ năng. Đánh giá vì sự tiến bộ của người học.
4Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, phương thức học tập và giảng dạy đã được nâng cấp lên một bước mới, các chương trình cần triển khai hệ thống e-learning, hiện tại mới có vài chương trình thực hiện e-learning, các bài giảng e-learning chưa nhiều.
5Cơ sở vật chất: Các phòng thí nghiệm cần trang bị thiết bị, máy móc thực hành với tình trạng tốt và các thiết bị, máy móc cần được định kỳ bảo hành bảo dưỡng. Một số phòng học cần xây dựng cải tạo và khu vực ký túc xá cần đầu tư để tạo môi trường sống tốt cho sinh viên. Trong thư viện nên có khu vực riêng để sinh viên tự do thảo luận, trao đổi.
6Đối với sinh viên, những áp lực về học tập, thi cử, việc làm, dịch bệnh… cũng đã tác động rất lớn tâm lý, ảnh hưởng kết quả học tập, Trường cần có phòng tư vấn tâm lý hỗ trợ sinh viên, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho tất cả sinh viên.
7Cần đẩy mạnh khuyến khích sinh viên đăng báo, viết sách cùng với giảng viên hơn. Tổ chức thêm các ngày hội khoa học cho sinh viên toàn trường định kỳ tham gia hàng năm.
8Các Viện cần quan tâm đến công tác phản hồi của các bên liên quan, đặc biệt là sinh viên, cựu sinh viên và doanh nghiệp.
9Các phòng học và phòng thí nghiệm đều có bình cứu hỏa và tiêu lệnh, tuy nhiên cần  cử cán bộ tham gia diễn tập để sử lý những tình huống khẩn cấp đảm bảo an toàn môi trường dạy và học.
10Nên có liên kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp, mời các chuyên gia, lãnh đạo công nghiệp tham gia giảng dạy để sinh viên được cải tiến chất lượng

Mỗi tiêu chuẩn có những điểm tồn tại riêng, các tiêu chuẩn về chuẩn đầu ra; phương pháp giảng dạy và học tập; chất lượng sinh viên và sự hỗ trợ và đầu ra đạt điểm trung bình trên 4,27. Với mức điểm trung bình đạt này thì điểm tồn tại như ở bảng 2.2 đã chỉ ra xây dựng chuẩn đầu ra cần rõ ràng hơn, các động từ ngắn gọn và dễ hiểu, ý kiến điều tra các bên liên quan còn ít dẫn đến việc rà soát, điều chỉnh và cải tiến chất lượng chưa được quan tâm.

Các tiêu chuẩn còn có mức điểm thấp hơn từ 4 đến 4.18 là các tiêu chuẩn 2, 3, 5, 9 và 10 thì có nhiều khuyến nghị cần cải tiến hơn như về điều chỉnh CTĐT, đa dạng các phương pháp kiểm tra đánh giá, cải thiện cơ sở vật chất, khuyến khích giảng viên và sinh viên nghiên cứu khoa học.

Nhìn chung, kết quả đánh giá các CTĐT trên đều đạt yêu cầu của AUN-QA và được cấp chứng nhận bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, điểm các tiêu chuẩn có mức dao động từ 4 đến 6 điểm. Kết quả các chương trình trên cho thấy đã phản ánh khách quan, cụ thể những điểm mạnh, điểm tồn tại của các CTĐT. Kết quả đánh giá chất lượng đã được sử dụng làm căn cứ để xác định chất lượng, giúp nhà trường có cơ hội xem xét lại toàn bộ hoạt động một cách có hệ thống để lên kế hoạch và thực hiện những cải tiến các CTĐT.

3. Hoạt động cải tiến chất lượng CTĐT tại Trường ĐHBK HN

Kiểm định chất lượng giáo dục không những mang lại cho cộng đồng bằng chứng về chất lượng đào tạo mà còn mang lại cơ hội để cải tiến nâng cao chất lượng cho các trường đã qua kiểm định (Lê Huy Tùng, 2020). Đây là minh chứng quan trọng để giải trình chất lượng giáo dục với xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các cơ sở giáo dục và là căn cứ để cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo.

Mục tiêu của Trường ĐHBKHN sau khi được đánh giá và công nhận không phải là sự hài lòng, tự mãn với kết quả đã đạt được mà phải là đưa ra chiến lược tổng thể, lâu dài về sự cam kết chất lượng của trường đối với xã hội và đối với từng cán bộ viên chức, sinh viên thông qua các hoạt động cụ thể như: Liên tục rà soát và cải tiến chất lượng hoạt động của hệ thống trong quy trình đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức hành chính; Xây dựng cơ chế tự chủ tài chính và tự chủ hoạt động của trường; Hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, thông qua nhiều chương trình hợp tác về đào tạo, nghiên cứu.

Hình 3.1. Mô hình công tác cải tiến chất lượng sau đánh giá ngoài cấp CSGD và cấp CTĐT của trường ĐHBK HN

Sau đánh giá ngoài cấp trường và cấp CTĐT, Trường thực hiện cải tiến chất lượng theo mô hình bao gồm 5 bước như hình 3.1 Mỗi bước chỉ rõ nội dung cần làm gì và ai là người thực hiện. Ban Giám hiệu đưa ra các chính sách chiến lược về bảo đảm chất lượng, phòng Quản lý chất lượng được phân công là đầu mối theo dõi và giám sát việc thực hiện triển khai các hoạt động cải tiến chất lượng; tư vẫn cho các đơn vị triển khai thực hiện cải tiến chất lượng. Các thay đổi về mặt thực hiện chức năng, bao gồm: Đào tạo (Thiết kế và rà soát chương trình dạy học; Giảng dạy và học tập; Đánh giá sinh viên; Các hoạt động phục vụ và hỗ trợ sinh viên); Nghiên cứu (Quản lý nghiên cứu khoa học; Quản lý sở hữu trí tuệ; Hợp tác và đối tác nghiên cứu khoa học); Phục vụ cộng đồng (Kết nối và phục vụ cộng đồng). Cách tiếp cận theo mô hình này giúp hoạt động của Trường đảm bảo chất lượng và cải tiến liên tục, tuân thủ theo đúng chu trình Plan – Lập kế hoạch; Do – Thực hiện; Check – Kiểm tra, đánh giá; Act – Cải tiến (PDCA).

Việc cải tiến chất lượng các CTĐT được thực hiện đồng bộ từ các Viện đào tạo tới các phòng ban liên quan và kết quả thực hiện cải tiến chất lượng đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác giảng dạy và học tập của các Viện và nhà Trường. Những khuyến nghị của đoàn đánh giá ngoài đưa ra như chuẩn đầu ra; bản mô tả chương trình đào tạo; chất lượng giảng dạy; các hình thức kiểm tra đánh giá; phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ hỗ trợ; xây dựng kênh khảo sát mức độ hài lòng các bên liên quan được từng bước khắc phục, cải tiến ở bảng 3.1 dưới.

Bảng 3.1. Hoạt động cải tiến chất lượng các CTĐT

(Nguồn báo cáo hội nghị công nhân viên chức ĐHBKHN năm 2020 và báo cáo cải tiến các CTĐT sau đánh giá, tái đánh giá năm 2021)

STTNhững cải tiến của 12 chương trình đào tạo kỹ thuật
1Rà soát định kỳ và thiết kế chuẩn đầu ra phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Sử dụng các động từ đo lường trình độ năng lực của sinh viên theo thang đo Bloom, nguyên tắc SMART nhằm đánh giá, đo lường mức độ đạt được chuẩn đầu ra. Hội đồng khoa học và các bộ môn chỉnh sửa lại các yêu cầu về kỹ năng, kiến thức trong khung CTĐT. Xây dựng ma trận tương quan Chuẩn đầu ra môn học và chuẩn đầu ra CTĐT, hiệu chỉnh đề cương chi tiết môn học.
2CTĐT đã được điều chỉnh theo hướng tăng cường thời lượng học trải nghiệm thông qua thực hiện các đồ án, bài tập lớn, thực tập bên ngoài trường nhằm đáp ứng nhu cầu sinh viên thế hệ mới. Trường và các Viện cũng chú trọng xây dựng mối quan hệ với các doanh nghiệp để hỗ trợ tiếp nhận sinh viên thực tập; tham quan thực tế nhà máy, tổ chức các khóa bồi dưỡng kỹ năng cho sinh viên. Các doanh nghiệp như FPT, Honda và Sam Sung đã tiếp nhận trên 500 lượt sinh viên của 12 chương trình đã được đánh giá đến kiến tập trong năm học 2019-2020. Điều chỉnh cấu trúc tín chỉ của 1 số học phần, nhằm phân bổ hợp lý hơn bài tập và thí nghiệm, hầu hết các học phần chuyên ngành đều có thí nghiệm thực hành. Bổ sung học phần tham quan nhà máy, xưởng… nhằm nâng cao kỹ năng mềm cho sinh viên, nhà trường cũng đã tăng thêm 9 tín chỉ về kỹ năng mềm trong chương trình dạy học.
3Mỗi Viện của trường đã xây dựng triết lý giáo dục mang đặc thù của Viện phản ánh được mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học, vai trò của giáo viên, người học trong hoạt động giáo dục. Triết lý giáo dục đã được tuyên bố và phổ biến rộng rãi trên các website trong các diễn đàn và các buổi gặp mặt với các bên liên quan, ở ngày hội tuyển sinh hàng năm, trên các quyển sổ tay sinh viên, và các tờ giới thiệu chương trình, ở văn phòng Viện. Các Viện quan tâm cải tiến chất lượng giảng dạy, đưa ra chính sách và kế hoạch phát triển chuyên môn, nghiệp vụ định kỳ cử giảng viên và cán bộ hỗ trợ tham gia các khóa học bổ trợ chuyên môn và cử cán bộ học nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Giảng viên tham gia trao đổi các trường đối tác hoặc dự án phát triển giáo dục ở các nước phát triển như Mỹ, Úc, Nhật, Anh, Đức… nâng cao trình độ chuyên môn và học tập kinh nghiệm giảng dạy, cải tiến công cụ đánh giá sinh viên. Trường cũng thường xuyên tổ chức rất nhiều hội thảo, đợt tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy do chuyên gia trong và ngoài nước tổ chức khuyến khích giảng viên ứng dụng phương pháp giảng dạy hiện đại, phương pháp dạy học theo hướng lấy người học và quá trình học làm trung tâm.
4Nhà trường đã triển khai hệ thống E-learning, hệ thống quản lý học tập sinh viên online (Student Information System – SIS). Phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy và học, tiếp tục thúc đẩy triển khai dự án B-Learning năm 2020 và áp dụng học liệu mở đã được đẩy mạnh trong toàn trường. Có nhiều bài giảng B-Learning đang thực hiện với khoảng 160 lớp được mở/1 học kỳ. Nhiều buổi hội thảo, tập huấn công tác xây dựng bài giảng B-learning đã được tổ chức nhằm xây dựng bài giảng có hiệu quả đạt chuẩn đầu ra.
5Tăng cường đầu tư cải thiện điều kiện học tập và sinh hoạt của sinh viên, đầu tư có hiệu quả các phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo. Nhà trường đã dành nguồn kinh phí để cải tạo các giảng đường, phòng học mà chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy và học, nhằm đáp ứng nhu cầu của sinh viên thế hệ mới đang được đẩy mạnh thực hiện. Giảng đường mẫu đang được triển khai thiết kế theo hướng hiện đại hóa, dự kiến giai đoạn 2021-2023 sẽ cải tạo lần lượt các giảng đường, phòng học theo thiết kế mới. Kế hoạch xây dựng một tòa ký túc xá mới, phương án kiến trúc sơ bộ và lập dự toán tổng mức đầu tư đã được phê duyệt năm 2021. Thư viện được mở rộng diện tích và được phân thêm 2 phòng rộng trong tòa nhà Tạ Quang Bửu, được trang bị thêm trang thiết bị như máy tính, điều hòa, bàn ghế để mở rộng phòng học, phòng trao đổi cho sinh viên.
6Trường thành lập tổ tư vấn tâm lý cho sinh viên đã được triển khai bước đầu đạt được một số kết quả tốt như: duy trì hoạt động trực tư vấn 02 buổi/tuần tại phòng tư vấn.  Tổ chức truyền thông ở các giảng đường giới thiệu hoạt động của tổ tư vấn; mời chuyên gia tư vấn cho những sinh viên gặp vấn đề về tâm lý, lưu sổ nhật ký 100% sinh viên có nhu cầu tư vấn tới phòng tư vấn đều được tư vấn. Các hoạt động hỗ trợ sinh viên gặp khó khăn trong dịp Covid-19 được triển khai rất hiệu quả, những sinh viên ở lại ký túc xá ăn tết được nhà trường tặng mỗi sinh viên 1 gói quà Tết như bánh trưng, mứt tết… Theo thống kê phòng Công tác sinh viên năm 2020 cả trường có trên 3000 sinh viên đi/đến từ vùng dịch, hoặc có biểu hiện ho/sốt/mệt mỏi được tư vấn, hỗ trợ các thủ tục hành chính, theo dõi ghi nhận, trao đổi động viên.
7Có cơ chế khuyến khích sinh viên đăng báo, viết sách cùng với giảng viên, sinh viên tham gia kỳ thi NCKH trong và ngoài nước và các đề tài khoa học với giáo viên. Bắt đầu từ năm 2018, mỗi năm một lần ĐHBK HN tổ chức chuỗi sự kiện trong khuôn khổ tháng sinh viên nghiên cứu khoa học và sáng tạo, cuộc thi thu hút sự quan tâm từ nhiều trường đại học trong nước với chủ đề của cuộc thi sáng tạo trẻ Bách Khoa năm 2018, 2019, 2020 là “Smart up for life” hướng tới các sản phẩm ứng dụng có khả năng khởi nghiệp phục vụ cho cuộc sống như giao thông, giáo dục, môi trường, biển đảo, công nghiệp, nông nghiệp, y tế.
8Trước đó Nhà trường đã có kênh khảo sát chung toàn trường, để có số liệu riêng chi tiết từng chương trình theo đặc thù ngành, các Viện cũng xây dựng kênh khảo sát riêng (có quy trình khảo sát, biểu mẫu, hình thức khảo sát…) nhằm tăng cường khảo sát các bên liên quan theo định kì và đa dạng hóa các loại hình khảo sát. Nhà trường thường xuyên tổ chức đối thoại với nhà tuyển dụng, đối thoại với sinh viên, gặp mặt các cựu sinh viên ở ngày Bách Khoa ngày trở về…
9Cử cán bộ các Viện và phòng ban tham gia thực hiện diễn tập cấp cứu người tai nạn, chữa cháy, sơ cứu trong phòng thí nghiệm…có chứng chỉ cấp cho người tham gia theo định kỳ.
10Các Viện quan tâm hơn kết nối doanh nghiệp, mời các lãnh đạo các công ty trước đây là cựu sinh viên của Viện tham gia giảng dạy để sinh viên, truyền cảm hứng để sinh viên phấn đấu học tập nghiên cứu, yêu nghề. Nhà trường có ngày 10.10 hàng năm ‘’Bách Khoa ngày trở về để mời các cựu sinh viên và doanh nghiệp về trường giao lưu, tham gia các hoạt động và kết nối. Ngoài ra, ngày hội tổ chức các tọa đàm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.

Các hoạt động cải tiến được thực hiện dựa trên kết quả đánh giá ngoài của 12 CTĐT theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA, khuyến nghị của đoàn đánh giá ngoài phản ánh hiện trạng thực tế ở Trường ĐHBK HN tế nói riêng và phần lớn các CSGD đại học Việt Nam nói chung. Các nội dung trình bày trong bài viết được nghiên cứu, tham khảo từ các nguồn tài liệu chính thống, uy tín, đáp ứng nhu cầu cho các CTĐT có kế hoạch cải tiến chất lượng sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Những kiến nghị từ thực tế áp dụng của Trường ĐHBK HN

Từ thực tế thực hiện hoạt động cải tiến chất lượng sau đánh giá ngoài của Nhà trường, các tác giả cũng xin đưa ra một số đề xuất để thực hiện việc cải tiến chất lượng sau khi các CTĐT đã được công nhận đạt theo tiêu chuẩn AUN-QA như sau:

Thứ nhất: Xây dựng mô hình cải tiến chất lượng cấp CTĐT và cấp trường phù hợp với nhà Trường, lên kế hoạch thực hiện theo trình tự các bước. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã thực hiên mô hình cải tiến chất lượng theo 5 bước như quy trình trên. 

Thứ hai: Tổ chức các cuộc họp định kỳ ở các Viện để thực hiện rà soát chuẩn đầu ra chương trình đào tạo và lấy ý kiến góp ý các bên liên quan về chương trình đào tạo.

Thứ ba: Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm trong phòng Quản lý chất lượng để đảm bảo đủ năng lực tư vấn, hỗ trợ các Khoa/Viện trong hoạt động cải tiến chất lượng. Cử các cán bộ tham gia các hội thảo tập huấn trong và ngoài nước về đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng.

Thứ tư: Trường tổ chức hàng năm các hội thảo về đảm bảo chất lượng và tập huấn bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng để các giảng viên hiểu rõ về hoạt động kiểm định chất lượng để tham gia viết các báo cáo tự đánh giá.

Thứ năm: Hoạt động cải tiến chất lượng rất cần có kinh phí để thực hiện, đặc biệt kinh phí để cải tiến cơ sở vật chất cho các CTĐT như phòng học, phòng thí nghiệm, phòng học trực tuyến, các thiết bị máy móc cũ cần thay thế.

Kết luận

Từ kết quả đánh giá các CTĐT theo tiêu chuẩn AUN-QA, việc thực hiện cải tiến chất lượng sau đánh ngoài là hoạt động rất cần thiết và quan trọng, thể hiện đúng mục đích của kiểm định chất lượng nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động của nhà trường. Sau mỗi đợt đánh giá chất lượng, tổ chức AUN- QA đều gửi các khuyến nghị của đoàn đánh giá cho từng CTĐT, và khuyến nghị chung cho 3 đợt đánh giá gồm 12 CTĐT. Nhà trường đã xây dựng mô hình cải tiến chất lượng cho cấp CTĐT và cấp trường bao gồm các bước phân tích các tồn tại sau đánh giá ngoài, lên kế hoạch, thực hiện cải tiến theo lộ trình, khảo sát các bên liên quan về chất lượng đã cải tiến, đối sánh và viết báo cáo tự đánh giá chuẩn bị cho tái đánh giá theo chu kì.

Kết quả đánh giá chất lượng CTĐT theo tiêu chuẩn AUN-QA ảnh hưởng tới hoạt động cải tiến chất lượng CTĐT hay nói cách khác kết quả đánh giá chất lượng đã giúp nhà trường nhìn nhận những điểm còn tồn tại và từng bước thực hiện hoạt động cải tiến chất lượng đào tạo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

AUN website, http://www.aunsec.org/

AUN-QA (2015). Guide to AUN Actual Quality Assessment at Programme Level, Version 3.0.

AUN-QA (2017). General guidelines for AUN-QA quality assessment at programme level in the universities, for internal use only.

AUN-QA (2019). AUN-QA Presentation: Preliminary Finding and AUN-QA assessment feedback report at programme level, AUN-QA assessment at HUST.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (2016). Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng các trình độ của giáo dục đại học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Quản lý Chất lượng (2020), Danh sách các chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận, Dữ liệu cập nhật đến ngày 31/12/2020

Lê Huy Tùng (2020). Một số đề xuất cho lựa chọn mô hình kiểm định chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam, Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam, số 36 tháng 12, 2020, trang 1-5.

Lê Mỹ Phong và Nguyễn Thái Sơn (2019), Khái quát về đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia: Đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học trên thế giới và ở Việt Nam, trang 3-8.

Luật giáo dục (2005), Điều 17, Quốc hội Số: 38/2005/QH11, ngày 14 tháng 6 năm 2005.

Nguyễn Hữu Cương (2017). Phân biệt 3 mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục đại học: Kiểm định chất lượng, đánh giá chất lượng và kiểm toán chất lượng, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Nghiên cứu Giáo dục, Tập 33, Số 1 (2017) 91-96.

Nguyễn Hữu Cương (2017). Một số kết quả đạt được của kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam và kế hoạch triển khai trong tương lai, Học viện quản lý giáo dục, Journal of Education Management, 2017, Vol. 9, No. 8, pp. 7-14, https://www.researchgate.net/publication/319877306_Mot_so_ket_qua_dat_duoc_cua_kiem_dinh_chat_luong_giao_duc_dai_hoc_Viet_Nam_va_ke_hoach_trien_khai_trong_tuong_lai , truy cập ngày 20 tháng 05 năm 2021.

Nguyễn Quốc Chính và cộng sự (2020), Hoạt động đánh giá cấp ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh, kinh nghiệm và định hướng cải tiến, Kỷ yếu hội thảo Công tác bảo đảm chất lượng trong tình hình mới, nhà xuất bản ĐHQG TP HCM.

Tạ Thị Thu Hiền (2015). Chính sách kiểm định chất lượng giáo dục và những ảnh hưởng đến việc quản lí chương trình đào tạo ở đại học quốc gia Hà Nội và đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt tháng 5/2015, tr. 230-233.

Trường ĐHBK HN (2017). Báo cáo hành động khắc phục các tồn tại sau kết quả đánh giá ngoài 12 CTĐT,phòng QLCL, Trường ĐHBK HN.

Trường ĐHBK HN (2021). Báo cáo cải tiến các CTĐT sau đánh giá, tái đánh giá, phòng QLCL, Trường ĐHBK HN.

Trường ĐHBK HN (2020). Báo cáo hội nghị cán bộ viên chức năm 2020, phòng QLCL, Trường ĐHBK HN.

Trường ĐHBK HN (2020). Báo cáo tổng kết các CTĐT được đánh giá và công nhận tính đến năm 2020, phòng QLCL, Trường ĐHBK HN.

Theo Nguyễn Thị Bích Ngọc, Tăng Thị Thùy, Lê Huy Tùng (2021), Sách chuyên khảo “Đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học: Lý luận và thực tiễn”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

Leave a reply

https://unihub.vnu.edu.vn/
https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2016/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2017/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2021/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2022/