Thí điểm ứng dụng các giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy học phần “Ánh sáng trong thiết kế nội thất” ngành Thiết kế Nội thất Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp

  1. Giới thiệu

Trong xu thế phát triển công nghệ toàn cầu, việc giảng dạy ở các trường đại học với mục đích đem lại các khóa học chất lượng và hấp dẫn người học đang ngày càng trở thành  bài toán cần tìm lời giải thỏa đáng. Điều này cũng xuất phát từ thực tiễn, khi mà giáo dục đang dần trở thành một ngành dịch vụ có tính cạnh tranh ngày càng cao, được thể hiện qua chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, cơ chế vận hành và quản lý.

Ngành Thiết kế Nội thất thuộc Khoa Trang trí nội ngoại thất của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành đến nay đã đạt được nhiều thành tựu nhất định trong việc khẳng định vị thế và sức ảnh hưởng, cũng như những đóng góp đáng kể về đội ngũ nhân lực là các họa sĩ, nhà thiết kế chất lượng cho xã hội. Từ những ngày đầu thành lập khoa đến nay, đội ngũ giảng viên qua các thời kỳ đều bám sát tôn chỉ và định hướng giáo dục hàng đầu của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, đó là đào tạo các thế hệ họa sĩ, nhà thiết kế Mỹ thuật ứng dụng tương lai được thực hành, trải nghiệm với thực tế ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Ngành Thiết kế Nội thất luôn tìm hướng đổi mới và hoàn thiện các bộ môn, học phần, định kỳ cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các nội dung dạy học thiết thực và chất lượng. Đó cũng là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học hàng đầu của đội ngũ giảng viên khoa Trang trí nội ngoại thất. Học phần “Ánh sáng trong thiết kế nội thất” là một trong những học phần thuộc môn cơ sở chuyên ngành, nằm trong chương trình đào tạo đại học hệ chính quy ngành Thiết kế Nội thất – Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Học phần có vai trò tiên quyết cho các học phần tiếp theo. Phương pháp giảng dạy học phần có những ưu điểm nhất định song vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Vì vậy, được sự phân công và thống nhất của ban phụ trách chuyên ngành, bắt đầu từ năm học 2018-2019 đến năm học 2021-2022, tiến hành thí điểm đổi mới phương pháp giảng dạy học phần “Ánh sáng trong thiết kế nội thất” theo lộ trình dự kiến là 04 năm – Áp dụng phương pháp dạy học linh hoạt và phù hợp với đặc thù của học phần; Phát huy mạnh mẽ tính chủ động của người học; Khai thác triệt để công nghệ thông tin, truyền thông mới; Vận dụng lý thuyết vào thực hành tại xưởng. Thí điểm phương pháp giảng dạy mới được áp dụng trên 60 sinh viên/năm học (04 lớp chuyên ngành), năm thứ 3 ngành Thiết kế Nội thất. Khảo sát ý kiến người học cuối học phần năm học 2020-2021 thu được phản hồi tích cực; Chất lượng điểm trung bình kết thúc học phần năm học 2020-2021 nâng cao so với các năm học trước.

Hình 1.1. Hội thảo khoa học “Đổi mới chương trình đào tạo” – Khoa Trang trí nội ngoại thất – Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, năm học 2019-2020 (Nguồn: Tác giả)

2. Thực trạng giảng dạy học phần “Ánh sáng trong thiết kế nội thất”

Học phần “Ánh sáng trong thiết kế nội thất” được giảng dạy vào kỳ 6, thuộc chương trình năm thứ 3, hệ đào tạo đại học chính quy ngành Thiết kế Nội thất, gồm 03 đơn vị học trình (ĐVHT), trong đó có 02 ĐVHT lý thuyết và 01 ĐVHT thực hành (06 buổi học trên lớp)

Phần I: Bài giảng lý thuyết diễn ra trong 04 buổi. Mặc dù giảng viên đã ứng dụng công nghệ thông tin thiết kế các bài giảng điện tử sinh động, kết hợp phương pháp dẫn luận, diễn giải, thuyết trình, minh họa, tuy nhiên vẫn chưa tạo được nhiều hứng thú cho người học.

Phương pháp giảng thuyết trình kiểu truyền đạt kiến thức một chiều, ít tương tác giữa người dạy và người học. Nội dung kiến thức hàm chứa nhiều khái niệm, thuật ngữ của khối kỹ thuật khiến không ít sinh viên gặp khó khăn trong việc tiếp thu.

Hình 2.1 . Sơ đồ minh họa mốc tiến trình của học phần “Ánh sáng trong thiết kế nội thất”

(Nguồn: Tác giả tổng hợp dữ liệu từ khung chương trình đào tạo hệ đại học chính quy, ngành Thiết kế Nội thất, áp dụng từ năm học 2015-2016 _ Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp)


Bài giảng lý thuyết thường kết hợp một vài bài tập nhỏ như: Trả lời trắc nghiệm; Thảo luận; Bài tập sử dụng các thủ pháp nhiếp ảnh hoặc mô hình thể hiện hiệu quả ánh sáng trong thiết kế nội thất các không gian nhỏ (Trường ĐHMTCN, 2015).

Hình 2.2 . Bài tập nhỏ, dùng máy ảnh và mô hình để thể hiện các hiệu ứng chiếu sáng nghệ thuật trong thiết kế nội thất không gian cửa sổ trưng bày của cửa hàng bán đồ bơi hè 2020

(Nguồn: Bài làm của sinh viên năm thứ 3, ngành Thiết kế Nội thất, khoa Trang trí nội ngoại thất, Trường ĐHMTCN, năm học 2018-2019)

Tuy nhiên, việc giới hạn phạm vi nghiên cứu các công trình dịch vụ loại nhỏ là chưa phù hợp khi sinh viên phải tiếp cận các công trình thực tế khác có quy mô lớn hơn ở các đồ án tiếp theo và thực tiễn sau này.

Ngoài giờ học tại trường, giảng viên còn tổ chức cho sinh viên kiến tập tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Sinh viên được tiếp cận sản phẩm trực quan, tìm hiểu về quy trình, công nghệ cơ bản.

Phần II: Phần thực hành (bài tập lớn), yêu cầu sinh viên ứng dụng lý thuyết vào thiết kế chiếu sáng nội thất không gian trưng bày. Sinh viên cần hoàn thành một bài tập lớn thiết kế ánh sáng cho 1 không gian dịch vụ từ 20m2 đến 60m2.

Sinh viên năm thứ 3 mới chỉ tiếp cận với một số đồ án thiết kế không gian nội thất quy mô nhỏ và vừa như cửa sổ trưng bày, cửa hàng nhỏ… nên dạng bài tập này là khá phù hợp.

Hình 2.3 . Bài tập: Kịch bản chiếu sáng, thiết kế chiếu sáng phần kỹ thuật; Chỉ định loại thiết bị chiếu sáng, vẽ sơ đồ cấp điện đơn giản, diễn họa hiệu ứng chiếu sáng nội thất

(Nguồn: Bài làm của sinh viên năm thứ 3, ngành Thiết kế Nội thất, khoa Trang trí nội ngoại thất, Trường ĐHMTCN, năm học 2018-2019)

Bài tập lớn yêu cầu sinh viên sử dụng các công cụ tính toán để tính số bộ đèn: Chọn loại đèn phù hợp; Chọn phương pháp chiếu sáng; Phân tích nguồn sáng; Vẽ sơ đồ cấp điện đơn giản; Diễn họa hiệu ứng chiếu sáng bằng phần mềm 3D. Sinh viên tự chọn các công cụ tính toán và thiết kế chiếu sáng phù hợp với yêu cầu của đề bài.

Để làm bài tập lớn theo đúng yêu cầu, sinh viên cần nắm được các lý thuyết về tính toán chiếu sáng cơ bản. Ngoài ra sinh viên cần áp dụng các phần mềm vẽ kỹ thuật và đồ họa chuyên ngành như Sketchup/Auto CAD; 3DS Max.

Môn học “Ánh sáng trong thiết kế nội thất” được đưa vào giảng dạy trong chương trình đào tạo ngành Thiết kế Nội thất hệ đại học chính quy từ năm học 2015-2016. Qua nhiều năm học, học phần đã đạt được các kết quả nhất định trong việc trang bị các kiến thức nền tảng và các cơ hội trải nghiệm thực tế cho sinh viên. Học phần hướng tới các mục tiêu sau:

Về kiến thức: Giúp sinh viên nắm vững các nguyên tắc sử dụng nguồn chiếu sáng cơ bản, có khả năng tính toán sắp đặt hệ thống chiếu sáng một cách thẩm mỹ và hiệu quả trong thiết kế và trang trí nội thất. (Trường ĐHMTCN, 2015)

Về kỹ năng: Sinh viên biết phân tích, lựa chọn các thiết bị chiếu sáng nội thất phù hợp, sau đó áp dụng các biện pháp sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả vào các công trình thực tế. Cuối cùng giúp sinh viên hoàn thiện các kỹ năng về vẽ, đọc và hiểu các bản vẽ kỹ thuật chiếu sáng trong thiết kế nội thất (Trường ĐHMTCN, 2015)

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, giảng viên đã áp dụng đa dạng các phương pháp dạy học như: Dẫn luận, diễn giải, thuyết trình, minh họa, quan sát, tự học tự nghiên cứu và luyện tập. Điểm đánh giá cuối học phần dựa trên điểm chuyên cần và điểm các bài tập quá trình. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong phương pháp dạy học cần khắc phục và đổi mới.

3. Giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy học phần “Ánh sáng trong thiết kế nội thất”

3.1. Cơ sở lý luận dạy học đại học[1]  

Cho đến nay, phương pháp dạy học (PPDH) vẫn còn là một hiện tượng sư phạm nhiều quan điểm, chưa có sự thống nhất về định nghĩa và khái niệm. Tuy nhiên, mặc dù có những phạm vi quan niệm khác nhau, chúng ta đều thừa nhận rằng PPDH có những đặc trưng sau:

  • PPDH phản ánh sự vận động của quá trình nhận thức của người học nhằm đạt được mục đích học tập.
  • PPDH phản ánh cách thức hoạt động, tương tác, sự trao đổi thông tin, dạy học giữa người dạy và người học.
  • PPDH phản ánh cách thức tổ chức, điều khiển hoạt động nhận thức của người dạy: kích thích và xây dựng động cơ; tổ chức hoạt động nhận thức và kiểm tra – đánh giá kết quả nhận thức của người học; phản ánh cách thức tự tổ chức, tự điều khiển, tự kiểm tra – đánh giá của người học.

PPDH đại học có sự kế thừa và phát triển PPDH của các cấp học phổ thông, tuy nhiên vẫn nổi bật tính đặc thù và tính đa dạng của nó. PPDH đại học chuyển từ việc truyền đạt thông tin sang việc tổ chức quá trình nhận thức, chỉ đạo hướng dẫn sinh viên tự mình tìm ra thông tin mới, mở rộng đào tạo sâu tri thức, tự mình hình thành và phát triển kỹ năng.

PPDH đại học là tổng hợp các cách thức hoạt động tương tác được điều chỉnh của giảng viên và sinh viên, trong đó hoạt động dạy là chủ đạo, hoạt động học là tự giác, tích cực tự lực và sáng tạo, nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ dạy học ở đại học, góp phần đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khỏe, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc (Điều 39, luật Giáo dục. NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội 2005).

3.1.1. Các đặc điểm cơ bản của PPDH đại học

  • PPDH đại học gắn liền với ngành nghề đào tạo. Đặc điểm này thể hiện tính mục đích đào tạo của trường đại học. Nó đòi hỏi giảng viên cần chọn đúng PPDH hướng vào mục tiêu đào tạo của trường, đặc biệt chú ý đến việc rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên.
  • PPDH đại học gắn liền với thực tiễn xã hội, thực tiễn cuộc sống và sự phát triển của khoa học công nghệ. Nó đòi hỏi giảng viên phải bám sát yêu cầu của thực tiễn, đặc biệt là sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông mới để cập nhật, kịp thời đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học.
  • PPDH đại học ngày càng tiếp cận với phương pháp nghiên cứu khoa học. Nó đòi hỏi giảng viên trong quá trình dạy học phải chú ý trình bày các quan điểm, tư tưởng, học thuyết khác nhau về một vấn đề nào đó.
  • PPDH đại học có tác dụng phát huy cao độ tính tự giác, tích cực, độc lập và sáng tạo của sinh viên. Nó đòi hỏi giảng viên phải tôn trọng ý kiến của sinh viên trong quá trình dạy học, tổ chức, hướng dẫn sinh viên tích cực tham gia hoạt động học tập, tự học tự nghiên cứu.
  • PPDH đại học phong phú, đa dạng, thay đổi tùy theo trường đại học, đặc điểm của bộ môn, điều kiện, phương tiện dạy học, đặc điểm nhân cách của giảng viên và sinh viên.
  • PPDH đại học ngày càng gắn liền với các thiết bị và phương tiện dạy học hiện đại.

3.1.2. Ưu điểm và nhược điểm của một số phương pháp dạy học đại học

  • Phương pháp diễn giảng: thông dụng nhất, nhưng không phải lúc nào cũng hiệu quả nhất. Ưu điểm là chủ động, dễ kiểm soát nội dung, truyền đạt khối lượng thông tin lớn, phù hợp với số đông sinh viên. Nhược điểm là chỉ có thông tin một chiều, sinh viên bị động, khó nắm được hiệu quả bài giảng, không phù hợp với đào tạo kỹ năng.
  • Phương pháp thảo luận nhóm: tạo cơ hội để sinh viên trao đổi những kinh nghiệm, hiểu biết về các vấn đề học tập, đánh thức tiềm năng lĩnh hội của sinh viên, tạo kỹ năng làm việc nhóm. Nhược điểm là dễ bị sai lệch khỏi mục tiêu đào tạo, phụ thuộc nhiều vào khả năng trọng tài của giảng viên, tốn thời gian và công sức của giảng viên.
  • Phương pháp công não: dùng để phát triển ý tưởng về một chủ đề. Ưu điểm là ít tốn thời gian, phát huy tính sáng tạo. Nhược điểm là sinh viên hay gặp phải sự phán xét ý tưởng trong quá trình công não.
  • Phương pháp trình diễn (thực hành, thực tập): Ưu điểm là hấp dẫn sinh viên, dễ hiểu dễ nhớ. Nhược điểm là cần chuẩn bị tốn thời gian công sức, khó thực hiện với số đông.
  • Phương pháp tự học tự nghiên cứu: Ưu điểm là tiết kiệm thời gian diễn giảng, lưu giữ tài liệu lâu dài để tra cứu khi cần, rèn luyện khả năng tự học. Nhược điểm là sinh viên dễ nản, khó xác định hiệu quả tiếp thu kiến thức của sinh viên.
  • Phương pháp bài luyện (bài tập lớn, ôn luyện…): Ưu điểm là giúp sinh viên chủ động, vận dụng, nhớ kiến thức đã học. Nhược điểm là tốn thời gian để ra đề và chấm bài, khó phân loại đề bài luyện phù hợp với số đông sinh viên.
  • Phương pháp nghiên cứu điển hình: Là phương pháp khá phổ biến. Ưu điểm là chủ động điều chỉnh các nhận thức và kỹ năng của sinh viên. Nhược điểm là giảng viên cần nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị.
  • Phương pháp thăm quan thực tế: ưu điểm là tạo cơ hội cho sinh viên nghe, nhìn tận mắt, học đi đôi với thực hành. Nhược điểm là tốn thời gian, công sức và kinh phí.

3.1.3. Yêu cầu để lựa chọn phương pháp dạy học đại học

Các yếu tố chính cần quan tâm khi chọn PPDH đại học phải trả lời được các câu hỏi sau:

  • Mục tiêu: sinh viên cần được đào tạo để làm được những việc gì?
  • Nội dung: sinh viên cần nắm được những kiến thức, kỹ năng gì?
  • Giảng viên tham gia có kinh nghiệm về phương pháp nào?
  • Số lượng sinh viên, trình độ, đặc điểm tâm sinh lý và nhu cầu học tập như thế nào?

3.1.4. Xu thế đổi mới phương pháp dạy học đại học

Đổi mới giáo dục đang diễn ra trên quy mô rộng lớn trên toàn thế giới, trong đó ngoài đổi mới nội dung giáo dục, thì đổi mới PPDH được quan tâm đặc biệt và thu được nhiều kết quả to lớn, có thể tóm tắt một số xu hướng đổi mới PPDH đại học như sau:

  • Đổi mới phương pháp thuyết giảng, tăng cường áp dụng các phương pháp phát huy tính tích cực của sinh viên.
  • Sủ dụng hợp lý các buổi thảo luận trong quá trình dạy học.
  • Coi trọng các buổi thực hành thực tế.
  • Tăng cường sử dụng các thiết bị kỹ thuật dạy học hỗ trợ và áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông mới cho hoạt động dạy học.
  • Dạy học khám phá.
  • Hợp tác trong học tập.

Ngoài ra cần có các tiêu chí cơ bản để triển khai đổi mới phương pháp dạy học đại học:

  • Tiêu chí 1: Trang bị cách học.
  • Tiêu chí 2: Phát huy tính chủ động của người học.
  • Tiêu chí 3: Sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông mới trong hoạt động dạy học.

3.2. Những hạn chế của thực trạng giảng dạy học phần “Ánh sáng trong thiết kế nội thất” Ngành Thiết kế Nội thất – Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp

3.2.1. Hạn chế về thời lượng, cấu trúc của học phần:

Các buổi học lý thuyết tại giảng đường đang chiếm phần lớn thời lượng học phần. Giảng viên áp dụng một số các phương pháp dạy học như: Dẫn luận, diễn giải, thuyết trình, minh họa, quan sát, tự học tự nghiên cứu và luyện tập, ứng dụng công nghệ thông tin thiết kế các bài giảng Tuy nhiên việc giảng dạy theo phương pháp diễn giải, thuyết trình với thời lượng dài không đạt hiệu quả cao khiến sinh viên khó tiếp thu và thiếu hứng thú nghiên cứu.

Bên cạnh đó, sinh viên khối ngành Nghệ thuật nói chung và Mỹ thuật nói riêng thường thể hiện và phát triển tư duy sáng tạo rất cao. Trong những buổi học lý thuyết đặc thù, nếu người dạy không trang bị đủ kĩ năng thuyết trình sáng tạo, linh hoạt, hấp dẫn thì rất khó để tạo hứng thú cho người học. Đó là chưa kể đến nội dung bài giảng thường chứa nhiều thuật ngữ chuyên ngành sẽ là trở ngại lớn cho việc tiếp thu bài học của sinh viên.

Hình 3.1. Bảng điểm kết thúc học phần “Ánh sáng trong thiết kế nội thất” năm học 2016-2017

(Nguồn: Cơ sở dữ liệu thuộc quyền quản lý của Khoa Trang trí nội ngoại thất & Phòng Đào tạo, Trường ĐHMTCN)

Các phương pháp giảng dạy đang áp dụng cho học phần chưa phát huy được vai trò người học là trung tâm để tạo sự chủ động cho người học; Phương pháp dạy học còn tách rời việc học lý thuyết trên giảng đường nên khó gắn kết giữa lý thuyết và thực hành; Sinh viên còn thiếu nhiều kỹ năng và cơ hội để ứng dụng lý thuyết vào thực hành. Chất lượng điểm số chưa cao.

Hình 3.2. Đồ thị mô tả kết quả mẫu điển hình điểm trung bình kết thúc học phần năm học 2016-2017

(Nguồn: Tác giả tổng hợp từ nguồn cơ sở dữ liệu thuộc quyền quản lý của Khoa Trang trí nội ngoại thất & Phòng Đào tạo, Trường ĐHMTCN)

Đồ thị mô tả điểm TBKTHP của 01 mẫu điển hình năm học 2016-2017, mẫu được chọn là lớp chuyên ngành có điểm trung bình chung kết thúc học phần cao nhất (5,9 điểm).

Đỉnh cao nhất của đồ thị thể hiện điểm TBKTHP loại trung bình và khá (70,5%). Nút thấp nhất của đồ thị thể hiện mức độ chất lượng điểm TBKTHP đạt giỏi (5,9%). Vẫn còn điểm dưới trung bình, do thái độ chuyên cần và chất lượng bài chưa đạt yêu cầu (chiếm 23,5%). Như vậy, chất lượng điểm TB chung KTHP học phần năm học 2016-2017 mới chỉ đạt mức độ trung bình khá, có sinh viên phải học lại.

Sau buổi kiến tập tại nhà máy, sinh viên được yêu cầu viết tiểu luận về các nội dung đã thu hoạch. Nhưng do hạn chế về thời gian, phương tiện và kinh phí nên chỉ có thể tổ chức 1 buổi kiến tập dẫn đến việc sinh viên chưa đủ thời gian để nghiên cứu sâu, đồng thời chưa có cơ hội thực hành. Những kiến thức lý thuyết không được kết hợp cùng thực hành trong thực tế dẫn đến tình trạng học chay, không đạt được mục tiêu về kỹ năng vô cùng quan trọng của học phần, cũng như không đạt được mục tiêu hướng tới của một đơn vị đào tạo về Mỹ thuật Ứng dụng.

3.2.2. Hạn chế về công cụ trợ giúp làm bài tập

Mặc dù ngay từ kỳ 5, sinh viên ngành Thiết kế Nội thất đã được làm quen và sử dụng phần mềm AutoCAD để thể hiện rất nhanh chóng các bản vẽ sơ đồ cấp điện dạng đơn giản. Tuy nhiên sinh viên mới chỉ được tiếp cận các công cụ vẽ cơ bản của phần mềm được ứng dụng nhiều nhất là AutoCAD Architecture (chủ yếu dành cho kiến trúc). Bên cạnh đó sinh viên cũng được khuyến khích sử dụng phần mềm 3DS Max là một phần mềm rất mạnh mẽ trong việc diễn họa, mô phỏng và kết xuất các hình ảnh giống với thực tế. Nhưng phần mềm này lại thiếu các công cụ tính toán chính xác về mặt kỹ thuật điện và chiếu sáng. Chính vì vậy phần thực hành bài tập lớn nếu chỉ áp dụng 2 phần mềm này thì vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn.

3.3. Các giải pháp thí điểm đổi mới phương pháp giảng dạy học phần “Ánh sáng trong thiết kế nội thất”

Dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn, cùng những hạn chế nhất định của thực trạng giảng dạy học phần “Ánh sáng trong thiết kế nội thất” nêu trên, tác giả xin trình bày các giải pháp và đề xuất để điều chỉnh, đổi mới phương pháp dạy học phần nhằm đạt được các tiêu chí sau: Có phương pháp dạy học linh hoạt và phù hợp với đặc thù của học phần; Phát huy mạnh mẽ tính chủ động của người học; Khai thác triệt để công nghệ thông tin, truyền thông mới; Vận dụng lý thuyết vào thực hành tại xưởng, cụ thể là:

3.3.1. Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng linh hoạt và phù hợp với đặc thù của học phần, phát huy mạnh mẽ tính chủ động của người học

Vì điểm đánh giá cuối học phần dựa trên điểm chuyên cần và trung bình cộng các điểm bài tập lý thuyết và thực hành nên cần rút ngắn thời lượng thuyết giảng tại lớp, tạo điều kiện cho sinh viên tự học, tự nghiên cứu và ứng dụng lý thuyết vào thể hiện bài tập trên lớp hoặc tại nhà. Bên cạnh đó cần tăng số lượng và thời lượng các bài tập nhỏ cho sinh viên. Sinh viên được chia nhóm, mỗi nhóm từ 05 – 07 người, do giảng viên và trưởng nhóm phối hợp hướng dẫn thực hiện. Giảng viên ra đề, hướng dẫn và giao kế hoạch sơ bộ thực hiện dự án. Nhóm trưởng phân công nhiệm vụ và điều hành nhóm làm việc. Các thành viên trong nhóm cùng phối hợp lên kế hoạch chi tiết thực hiện bài tập theo tiến độ đã đề ra. Đánh giá điểm bài tập nhỏ theo tiêu chí chuyên cần của từng thành viên và chất lượng bài hoàn thiện của cả nhóm. Để phát huy hết tiềm năng tự nghiên cứu, sáng tạo và chủ động của người học thì cần phải thay đổi các hình thức bài tập nhỏ (tự nghiên cứu, thuyết trình, vẽ tay, sketch trên máy tính, làm mô hình…), làm phong phú các nội dung ra đề bài tập (nghiên cứu, mô phỏng, phân tích các kỹ thuật, thủ pháp, nghệ thuật sử dụng ánh sáng trong các công trình kiến trúc, các công trình nội thất công cộng, các dự án thiết kế nổi tiếng…), tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận và tự trau dồi học hỏi từ các nguồn tài liệu thực tế khác (giảng viên cung cấp các danh mục tài liệu tham khảo, các từ khóa tra cứu internet…):

– Bài tập nhỏ #1: Chia nhóm 05 – 07 sinh viên, nghiên cứu về ánh sáng của 1 dự án nội thất, kiến trúc cụ thể, mở rộng quy mô sang các thể loại công trình trưng bày, công trình công cộng, các dự án chiếu sáng có chất lượng cao…; Yêu cầu sinh viên nộp file thuyết trình và thuyết trình bằng Powerpoint tại lớp, thảo luận (giảng viên cung cấp tên dự án và yêu cầu sinh viên tự tra cứu dữ liệu).

Kết quả đánh giá bài tập nhỏ #1: 100% các nhóm hoàn thành bài tập theo đúng yêu cầu, buổi thuyết trình diễn ra sôi nổi, đạt mục đích nghiên cứu.

– Bài tập nhỏ #2: Mỗi nhóm chọn 9 – 25m² trong dự án vừa nghiên cứu để thể hiện các bản vẽ mặt bằng mặt cắt, mặt đứng, tỉ lệ 1:25 hoặc 1:50. Yêu cầu sinh viên vẽ tay trên giấy A4.

– Bài tập nhỏ #3: Mỗi nhóm dựng mô hình bằng tay, tỉ lệ theo bản vẽ 2D đã dựng; Chụp ảnh mô phỏng lại hiệu ứng ánh sáng; Dùng các phần mềm diễn họa 3D để dựng phối cảnh từ mô hình đã làm.

Kết quả đánh giá bài tập nhỏ #2 và #3: 100% các nhóm hoàn thành bài tập theo đúng yêu cầu, đủ điều kiện và dữ liệu cho bài tập lớn.

Hình 3.3 . Bài tập nhỏ #2: Yêu cầu nhóm sinh viên dùng phần mềm 3D, diễn họa dự án chiếu sáng trong gian hàng triển lãm của hãng SamSung _ Milan 2019

(Nguồn: Bài làm của sinh viên năm thứ 3, ngành Thiết kế Nội thất, khoa Trang trí nội ngoại thất, Trường ĐHMTCN, năm học 2020-2021)

Hình 3.4 . Bài tập nhỏ #2: Yêu cầu nhóm sinh viên thể hiện bằng bản vẽ phác thảo tay: Nghiên cứu về một dự án chiếu sáng gian hàng triển lãm của hãng SamSung _ Milan 2019 (Nguồn: Bài làm của sinh viên năm thứ 3, ngành Thiết kế Nội thất, khoa Trang trí nội ngoại thất, Trường ĐHMTCN, năm học 2020-2021)

Hình 3.5 . Bài tập nhỏ #3: Yêu cầu nhóm sinh viên dùng mô hình và thuyết trình tại lớp dự án chiếu sáng trong gian hàng triển lãm của SamSung _ Milan 2019 (Nguồn: Tác giả)

Hình 3.6 . Bài tập nhỏ #3: Yêu cầu nhóm sinh viên dùng mô hình nghiên cứu và thuyết trình tại lớp dự án chiếu sáng nghệ thuật “Forest of light” của kiến trúc sư Sou Fujimoto dành cho Salone del Mobile _  Milan 2016 (Nguồn: Tác giả)

Trong giờ học lý thuyết, các nhóm sinh viên kết hợp thuyết trình và làm việc với mô hình, bản vẽ phác thảo tay, diễn họa 3D, thảo luận tại lớp, có thể đi kèm với các trò chơi vui có thưởng.

3.2.2. Giải pháp và đề xuất khai thác triệt để công nghệ thông tin, truyền thông mới

Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, đặc biệt là lĩnh vực mô phỏng thực tế ảo chính là nền tảng tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp cận thêm nhiều phần mềm mới. Bên cạnh việc sử dụng các phần mềm vốn đã rất quen thuộc với sinh viên như 3D Max, Auto CAD  thì phần mềm DIALux Evo có khả năng tính toán chính xác và mô phỏng hiệu quả các hiệu ứng chiếu sáng nghệ thuật trong nội thất và ngoại thất, rất phù hợp để sinh viên thực hành thiết kế chiếu sáng trên máy tính.

Trong buổi kiến tập tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, sinh viên được tham quan phòng thiết kế. Công ty đã và đang đưa phần mềm DIALux vào trong thiết kế phục vụ khách hàng. Đây là phần mềm chuyên nghiệp dành cho thiết kế chiếu sáng của hãng DIAL GmbH (Đức), các thiết kế dựa theo tiêu chuẩn châu Âu như EN 12464, CEN 8995. Phần mềm cung cấp miễn phí cho người dùng, chủ yếu dành cho lĩnh vực thiết kế nội ngoại thất và giao thông. Có thể chèn, xuất tập tin DWG, DXF, chèn vật thể, vật liệu, xuất thành ảnh, phim giống với thực tế. DIALux là phần mềm độc lập, tính toán được với thiết bị của nhiều nhà sản xuất thiết bị chiếu sáng khác nhau trong điểu kiện các thiết bị đã được đo đạc sự phân bố ánh sáng và có tập tin dữ liệu phân bố ánh sáng để đưa vào DIALux. Ngoài ra DIALux còn Cung cấp công cụ Online cho việc cập nhật, liên lạc với DIALGmbH và kết nối với các nhà sản xuất thiết bị chiếu sáng.

Hình 3.7 . Dùng phần mềm DIALux Evo để tính toán số bộ đèn, xác định độ rọi tại các vị trí trong căn phòng; Diễn họa 3D các hiệu ứng nghệ thuật chiếu sáng nội thất và ngoại thất (Nguồn: https://www.pressebox.de/pressemitteilung/dial-gmbh/Light-Building-2016-in-Frankfurt/boxid/769082)

Đề xuất thứ nhất:Diễn đàn sinh viên nội thất Việt Nam được thành lập từ năm 2019 đã có nhiều hoạt động bổ ích, trở thành một sân chơi rất thiết thực cho sinh viên ngành thiết kế nội thất và kiến trúc. Tháng 5 năm 2021, diễn đàn đã tổ chức 01 buổi tọa đàm phát sóng online trên trang web của diễn đàn sinh viên nội thất, chủ để“Thiết kế chiếu sáng _ Gia vị bí mật trong không gian nội thất”. Diễn giả của buổi tọa đàm là KTS Huỳnh Văn Tùng _ Giám đốc Thiết kế SLA Designer và KTS Nguyễn Ngọc Quỳnh _ Trưởng nhóm Thiết kế IT Asscociates. Buổi tọa đàm đã thu hút được đông đảo sự quan tâm của sinh viên chuyên ngành thiết kế nội thất và kiến trúc. Tác giả nhận thấy hoạt động này của diễn đàn là một cầu nối hữu ích giữa sinh viên và các chuyên gia, tạo điều kiện học hỏi và giải đáp các thắc mắc, chia sẻ kinh nghiệm học tập và nghề nghiệp rất hiệu quả, có thể bổ sung các thông tin cần thiết mà sinh viên chưa được tiếp cận tại giảng đường. Vì vậy tác giả xin đề xuất:

  • Dự kiến năm học 2021-2022 sẽ phối hợp cùng diễn đàn sinh viên nội thất tổ chức 01 buổi tọa đàm dành riêng cho sinh viên năm thứ 3 ngành Thiết kế Nội thất, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Tọa đàm diễn ra theo thời lượng và kế hoạch của học phần, mời các chuyên gia hoặc diễn giả về lĩnh vực thiết kế chiếu sáng của diễn đàn thiết kế nội thất, nhằm bổ sung, chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm nghề nghiệp đặc thù. Tùy theo tình hình, nguồn kinh phí và đồng thuận giữa các bên, có thể tổ chức tọa đàm tại giảng đường hoặc tại trường quay của diễn đàn.
  • Cân nhắc ưu tiên việc tổ chức tọa đàm online, đây là một xu thế truyền thông mới trong hiện tại và tương lai.
Hình 3.8 . Một buổi tọa đàm do diễn đàn sinh viên nội thất tổ chức, được phát sóng online trên fanpage của diễn đàn đã thu hút được đông đảo sự quan tâm của sinh viên và các nhà thiết kế, tháng 5 năm 2021 (Nguồn: Fanpage của Diễn đàn sinh viên nội thất Việt Nam _ fb.com/diendansinhviennoithat)

Đề xuất thứ hai: Năm học 2020-2021, được sự tài trợ của các doanh nghiệp, Khoa Trang trí nội ngoại thất đã khai trương một phòng học vật liệu, màu sắc, ánh sáng nằm trong khuôn viên xưởng thực hành của Khoa. Hàng năm sinh viên ngành Thiết kế Nội thất năm thứ 4 có cơ hội thi công các dự án của học phần thực tập chuyên ngành số 7E (Hình 2.1). Mỗi nhóm từ 10-17 sinh viên, do giảng viên phụ trách học phần hướng dẫn. Cách chấm điểm dựa trên tiêu chí đánh giá thái độ chuyên cần và chất lượng dự án. Học phần này tương đối độc lập với các học phần khác, nhưng có sự ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức và kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên. Cuối học phần sẽ tổ chức 01 buổi triển lãm kết quả thực tập, đánh dấu một năm học kết thúc, tổng kết những thành tựu của giảng viên và sinh viên trong thực tập.

Hình 3.9 . Triển lãm thực tập thiết kế cửa sổ trưng bày các sản phẩm đèn LED của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước  Rạng Đông, năm 2021 (Nguồn: Bài thực tập chuyên ngành của sinh viên năm thứ 4 ngành Thiết kế Nội thất _ Triển lãm tại sảnh trường ĐHMTCN)

Vì vậy, để phát huy hiệu quả của phòng học mới tại xưởng, đồng thời nâng cao chất lượng học phần thực tập của sinh viên năm thứ 4 và tạo điều kiện cho sinh viên năm thứ 3 có thêm cơ hội được ứng dụng lý thuyết vào thực hành, tác giả đề xuất từ học kỳ 2 năm học 2021-2022:

  • Giảng viên phụ trách học phần sẽ tổ chức cho các nhóm sinh viên năm thứ 3 ngành Thiết kế Nội thất thực hiện những dự án chiếu sáng nhỏ (diện tích 3-5m2) tại xưởng vật liệu của trường, dự kiến từ 15 – 17 sinh viên/nhóm.
  • Giảng viên phụ trách học phần sẽ hướng dẫn các nhóm sử dụng nguyên vật liệu và thiết bị của doanh nghiệp tài trợ thiết bị chiếu sáng để thực hiện dự án.
  • Điểm đánh giá dựa trên thái độ chuyên cần và chất lượng dự án. Dự kiến đánh giá điểm tương đương với điểm bài tập lớn.

3.4. Lộ trình và kết quả đạt được khi thí điểm đổi mới phương pháp giảng dạy học phần “Ánh sáng trong thiết kế nội thất”

3.4.1. Lộ trình triển khai thí điểm

Xuất phát từ thực trạng và hạn chế nói trên, việc thí điểm đổi mới phương pháp giảng dạy học phần đã được ban chuyên ngành phụ trách học phần thảo luận, nghiên cứu, giao nhiệm vụ từ đầu năm học 2018-2019 và thống nhất đưa vào thí điểm giảng dạy theo lộ trình:

  • Từ kỳ 2 năm học 2018-2019 đến năm học 2020-2021, áp dụng cho 60±5 sinh viên (04 lớp chuyên ngành) năm thứ 3 chuyên ngành Thiết kế Nội thất hệ đại học chính quy, thí điểm thay đổi phương pháp dạy học đã nêu trên.
  • Các thay đổi và đề xuất khác, dự kiến sẽ triển khai vào kỳ 2 năm học 2021-2022.

3.4.2 Kết quả thí điểm

Sau các năm học triển khai thí điểm thay đổi phương pháp dạy học, học phần “Ánh sáng trong thiết kế nội thất” đã đạt được các kết quả nhất định như sau:

Sinh viên tích cực tương tác, tự học tự nghiên cứu và thảo luận. Sinh viên trở thành trung tâm của buổi học. Khoảng cách giữa thầy và trò thu hẹp lại. Giờ học trở nên sinh động, vui vẻ và lôi cuốn.

Hình 3.10 . Các nhóm sinh viên hào hứng trong phần thuyết trình và biểu diễn thủ pháp mô phỏng hiệu ứng chiếu sáng trong dự án “Forest of light” của Sou Fujimoto thiết kế cho Salone del Mobile _ Milan 2016 (Nguồn: Tác giả)

Hình 3.11 . Bài tập sử dụng phần mềm 3D diễn họa hiệu ứng ánh sáng trong gian hàng triển lãm của hãng SamSung _ Milan 2019 (Nguồn: Bài làm của sinh viên năm thứ 3, ngành Thiết kế Nội thất, khoa Trang trí nội ngoại thất, Trường ĐHMTCN, năm học 2020-2021)

Do lộ trình thí điểm thực hiện theo từng giai đoạn, nên đến năm học 2020-2021 hoàn thiện việc thí điểm áp dụng đồng thời 02 giải pháp đổi mới phương pháp dạy học nêu trên. Vì vậy, năm học 2020-2021, giảng viên tiến hành thực hiện cuộc khảo sát ý kiến sinh viên. Kết quả tổng hợp phiếu khảo sát ý kiến của sinh viên nhận được nhiều phản hồi tích cực.

Hình 3.12. Bảng mô tả và phân tích kết quả khảo sát cuối học phần “Ánh sáng trong Thiết kế nội thất” năm học 2020-2021

(Nguồn: Tác giả tổng hợp từ dữ liệu phiếu giấy của cuộc khảo sát)

Với bài tập lớn, sinh viên nắm vững các nguyên tắc sử dụng nguồn chiếu sáng cơ bản, có khả năng tính toán sắp đặt hệ thống chiếu sáng một cách thẩm mỹ và có hiệu quả trong thiết kế và trang trí nội thất. Sinh viên biết tự nghiên cứu và phân tích, lựa chọn các thiết bị chiếu sáng nội thất phù hợp, áp dụng các biện pháp sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả vào các công trình thực tế, hoàn thiện các kỹ năng về vẽ, đọc và hiểu các bản vẽ kỹ thuật chiếu sáng trong thiết kế nội thất.

Chất lượng điểm trung bình kết thúc học phần được nâng cao:

Hình 3.13. Bảng điểm kết thúc học phần “Ánh sáng trong thiết kế nội thất” năm học 2020-2021 (Nguồn: Cơ sở dữ liệu thuộc quyền quản lý của Khoa Trang trí nội ngoại thất & Phòng Đào tạo, Trường ĐHMTCN)

Hình 3.14 . Đồ thị mô tả kết quả mẫu điển hình điểm trung bình kết thúc học phần năm học 2020-2021 (Nguồn: Tác giả tổng hợp từ nguồn cơ sở dữ liệu thuộc quyền quản lý của Khoa Trang trí nội ngoại thất & Phòng Đào tạo, Trường ĐHMTCN) Mẫu điển hình được chọn là lớp chuyên ngành có điểm trung bình chung kết thúc học phần cao nhất (8,6 điểm). Đỉnh cao nhất thể hiện mức độ chất lượng điểm TBKTHP đạt loại giỏi (84%). Không còn điểm TBKTHP loại yếu. Điểm khá chiếm 15% do điểm bài tập lớn chưa cao. Tóm lại, chất lượng điểm TBKTHP nâng cao rõ rệt. Không có sinh viên phải học lại.

Hình  3.15 . So sánh chất lượng điểm trung bình kết thúc học phần, điểm trung bình chung kết thúc học phần giữa các năm học từ 2016-2017 đến năm học 2020-2021 (Nguồn: Tác giả tổng hợp từ nguồn cơ sở dữ liệu thuộc quyền quản lý của Khoa Trang trí nội ngoại thất & Phòng Đào tạo, Trường ĐHMTCN)

Biểu đồ so sánh thể hiện chất lượng điểm TBKTHP nâng cao rõ rệt theo từng năm thực hiện thí điểm: Điểm TB chung KTHP cao nhất tăng từ 5,9 lên 8,6; Số sinh viên có điểm TBKTHP từ 8.0 trở lên tăng từ 5 sinh viên lên 33 sinh viên.

Từ kết quả khảo sát ý kiến sinh viên năm học 2020-2021 và những điều kiện thực tế, tác giả đề xuất tiếp tục thí điểm các giải pháp theo kế hoạch dự kiến (đã nêu ở Mục 3.3.2).

4. Kết luận

Dựa trên những cơ sở lý luận và thực trạng của phương pháp giảng dạy hoc phần, để gắn kết lý luận và thực tiễn, đảm bảo chất lượng giảng dạy học phần “Ánh sáng trong thiết kế nội thất” Ngành Thiết kế Nội thất trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cần có các giải pháp và đề xuất đổi mới phù hợp với xu hướng chung, đó là: Có phương pháp dạy học linh hoạt và phù hợp với đặc thù của học phần; Phát huy mạnh mẽ tính chủ động của người học; Khai thác triệt để công nghệ thông tin, truyền thông mới; Vận dụng lý thuyết vào thực hành tại xưởng. Thí điểm đổi mới phương pháp dạy học đối với học phần “Ánh sáng trong thiết kế nội thất” năm học 2020-2021 đã nhận được phản hồi tích cực từ người học, nâng cao chất lượng điểm trung bình kết thúc học phần so với các năm học trước. Chương trình thí điểm phương pháp dạy học áp dụng đến năm 2020-2021 đạt được kết quả nhất định: Cuộc khảo sát ý kiến sinh viên nhận được phản hồi tích cực  – Đa số sinh viên tán thành áp dụng các giải pháp thí điểm đổi mới phương pháp dạy học, sinh viên được cải thiện năng lực tự học, tự nghiên cứu, chuyển biến từ học thụ động sang học chủ động, sáng tạo; Nâng cao chất lượng điểm trung bình kết thúc học phần so với các năm học trước – Điểm TB chung KTHP tăng từ trung bình lên khá và giỏi, số sinh viên đạt điểm TBKTHP loại giỏi tăng cao. Tiếp tục tiến hành thí điểm các giải pháp đề xuất trong năm học 2021-2022.

Sự biến đổi về tất cả các mặt của đời sống kinh tế xã hội, khoa học và công nghệ hiện nay trên toàn thế giới, trong từng khu vực cũng như ở nước ta tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với giáo dục đại học, đòi hỏi bắt buộc phải đổi mới PPDH đại học. Đổi mới PPDH đại học phải theo định hướng: Coi trọng việc bồi dưỡng năng lực tự học tự nghiên cứu, tạo điều kiện cho người học phát huy tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng thực hành, tham gia nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng. Sinh viên phải được học trong hoạt động tích cực, chủ động, sáng tạo dưới sự tổ chức, chỉ đạo của giảng viên. Như vậy, đổi mới PPDH đại học sẽ phù hợp với các học thuyết tâm lý học dạy học hiện đại đang được vận dụng nhiều vào dạy học ở nhiều nước trên thế giới. Có rất nhiều phương pháp dạy học đại học cụ thể, hiện nay xu hướng chung là cần ưu tiên sử dụng các phương pháp được nhiều người thừa nhận là có tác dụng tốt đối với phát huy tính chủ động, tích cực của sinh viên như: giải quyết vấn đề, tham gia, nghiên cứu trường hợp điển hình. Bên cạnh áp dụng các phương tiện dạy học tiên tiến thì cần coi trọng các yếu tố tích cực của PPDH truyền thống theo hướng đề cao vai trò trung tâm của sinh viên, tăng cường thảo luận, thực hành, thực tế.

Đổi mới phương pháp dạy đại học theo định hướng  không chỉ tạo giá trị gia tăng chất lượng mà còn tạo giá trị sáng tạo chất lượng. Vì vậy những thay đổi này sẽ tạo điều kiện để sinh viên nâng cao tính chủ động, biết vận dụng lý thuyết vào thực hành hiệu quả, là tiền đề cho sự thành công của hoạt động nghề sau khi ra trường, phù hợp với mục tiêu giáo dục của nhà trường đã đề ra, đó là đào tạo các thế hệ họa sĩ, nhà thiết kế Mỹ thuật ứng dụng tương lai được thực hành, trải nghiệm với thực tế ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Đây là một tín hiệu đáng mừng trong lộ trình tự chủ và đảm bảo chất lượng đào tạo tạo của Khoa Trang trí Nội ngoại thất nói riêng – Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp nói chung.

Xin chân thành cảm ơn Viện đảm bảo chất lượng giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tạo điều kiện để tác giả được trình bày những nghiên cứu của mình. Đồng thời trân trọng cảm ơn quý hội đồng phản biện đã có những lời nhận xét, góp ý xác đáng cho bài viết, giúp tác giả có thêm những kinh nghiệm quý báu trên con đường nghiên cứu khoa học./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. (2015). Đề cương chi tiết học phần “Ánh sáng trong thiết kế nội thất”, thuộc khung chương trình đào tạo hệ đại học chính quy ngành Thiết kế Nội thất – Khoa Trang trí Nội ngoại thất (áp dụng từ năm học 2015 – 2016 đến nay).

Trường Cán bộ quản lý Giáo dục và Đào tạo. (2006). Giáo dục học đại cương dành cho các lớp bồi dưỡng giảng viên các trường đại học, cao đẳng.

Quốc hội. (2005). Luật Giáo dục, số 38/2005/QH11, ban hành ngày 14/6/2005, NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội.


[1] Giáo dục học đại cương dành cho các lớp bồi dưỡng giảng viên các trường đại học, cao đẳng – Trường cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo – 2006

Theo Nguyễn Thị Thùy Linh. (2021), Sách chuyên khảo “Đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học: Lý luận và thực tiễn”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

Leave a reply

https://unihub.vnu.edu.vn/
https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2016/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2017/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2021/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2022/