Ngày 30/3/2023, tiếp nối chuỗi hoạt động của Kênh UniHub năm 2023, Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp (UniHub) tổ chức Tọa đàm ‘‘Tiếp tục triển khai tự chủ đại học hiệu quả theo Luật số 34/QH/2018 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP”. Nội dung buổi tọa đàm do TS. Nguyễn Thị Kim Phụng, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo thuyết trình. PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, ĐHQGHN điều hành việc trao đổi, thảo luận.
Tọa đàm đã thu hút gần 200 người quan tâm và tham gia là các nhà quản lý, hoạch định chính sách giáo dục, cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ sở giáo dục đại học, giảng viên, nghiên cứu, học giả, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục, sinh viên, học viên và nghiên cứu viên trong lĩnh vực liên quan đến từ các cơ sở giáo dục, tổ chức giáo dục, viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục tham gia.

Tọa đàm gồm các nội dung chính xung quanh vấn đề tự chủ đại học, về những quan niệm, điều kiện thực hiện về nội dung, cũng như những thách thức trong thực hiện tự chủ đại học; trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện tự chủ đại học, cũng như các vấn đề về việc tiếp tục triển khai tự chủ đại học theo Luật số 34 và Nghị định 99. Cụ thể, nội dung của buổi tọa đàm gồm:
- Khái quát về tự chủ đại học (quan niệm, điều kiện thực hiện, nội dung, thách thức, trách nhiệm giải trình);
- Tiếp tục triển khai chính sách tự chủ đại học theo Luật số 34 và Nghị định số 99 (Nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật và xây dựng hệ thống văn băng pháp luật nội bộ; lưu ý về định hướng phát triển trường; về tổ chức và nhân sự…);
Trong phần dẫn nhập của buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh nhấn mạnh tự chủ đại học không phải là vấn đề mới trên thế giới. Ở Việt Nam, quá trình tự chủ đại học cũng là quá trình đổi mới, quốc tế hóa giáo dục. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo nên cuộc cách mạng toàn diện cho giáo dục đại học. Tuy nhiên tự chủ đại học là một cơ chế mới cần có sự đồng bộ của nhiều yếu tố, nhiều khâu, do vậy trong quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc, hạn chế và khó khăn.
Cũng tại Tọa đàm, diễn giả TS. Nguyễn Thị Kim Phụng đã chia sẻ Quyền tự chủ là quyền cơ sở giáo dục đại học được xác định mục tiêu, cách thức thực hiện; tự quyết định và giải trình về hoạt động chuyên môn, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản trên cơ sở pháp lý và năng lực tự chủ của mình. Trong đó, Tự chủ đại học thể hiện mức độ độc lập đối với chủ thể bên ngoài để quản trị, tổ chức thực hiện các hoạt động chức năng; tổ chức bộ máy và nhân sự; khai thác, phân bổ và sử dụng các nguồn lực; không vi phạm pháp luật và có trách nhiệm giải trình. Diễn giả cũng đã chỉ ra những thách thức đối với các trường khi tự chủ đại học như: Nhận thức chưa thống nhất; một số trường/cơ quan quản lý chưa hiểu hết các quy định liên quan; Hệ thống pháp luật, luật giáo dục đại học chỉ sửa đổi bổ sung một số điều nên chưa đồng bộ; Các cơ quan có thẩm quyền còn chi phối nhiều chiều, đặc biệt một số bộ chủ quản; Tư duy quản trị, quản lý chưa đổi mới; Chưa xây dựng được hệ thống quy định nội bộ, phối hợp, phân cấp, phân quyền; trách nhiệm giải trình, trách nhiệm đảm bảo thu nhập cho cán bộ giảng viên, người lao động; Cạnh tranh chưa lành mạnh (thị trường nhân lực, tuyển sinh, đào tạo…); Hạn chế nguồn lực, hạ tầng kỹ thuật số, minh bạch thông tin, văn hoá chất lượng. Do đó, Diễn giả nhấn mạnh các văn bản nội bộ cần thường xuyên rà soát, cải tiến cho phù hợp với yêu cầu điều chỉnh, gia tăng văn bản nội bộ chính là xu hướng của tự chủ. Đồng thời, khi xây dựng các văn bản quản lý, nhà trường cần xác định căn cứ xây dựng văn bản nội bộ như: quy định của pháp lý, yêu cầu quản lý, tổ chức thực hiện công việc thuộc thẩm quyền của trường, cách thức quản lý hiệu quả công việc. Ngoài ra, nhà trường cũng cần phải xác định tương quan chỉ tiêu, tỷ lệ giữa giảng viên, chuyên viên, nhân viên.
Các sự kiện của Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp ngày càng thu hút đông đảo người tham gia, góp phần thực hiện nhiệm vụ của Kênh trong lan tỏa văn hóa chất lượng và đồng hành cùng cộng đồng trong hoạt động đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng, quản trị, xếp hạng và đối sánh chất lượng giáo dục.
Dưới đây là một số nội dung chính và hình ảnh của buổi tọa đàm:




