Thí điểm ứng dụng các giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy học phần “Ánh sáng trong thiết kế nội thất” ngành Thiết kế Nội thất Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp

Thí điểm ứng dụng các giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy học phần “Ánh sáng trong thiết kế nội thất” ngành Thiết kế Nội thất Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp

Phương pháp giảng dạy học phần “Ánh sáng trong hiết kế nội thất” ngành Thiết kế Nội thất Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp còn tồn tại nhiều hạn chế. Phương pháp giảng dạy diễn giải, thuyết trình không đạt hiệu quả cao, chưa phát huy được vai trò trung tâm và sự chủ động của người học, tách rời việc học lý thuyết trên giảng đường nên khó gắn kết giữa lý thuyết và thực hành, sinh viên còn thiếu nhiều kỹ năng và cơ hội để ứng dụng lý thuyết vào thực hành; Bài viết đề cập đến nội dung chương trình thí điểm ứng dụng các giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy học phần “Ánh sáng trong thiết kế nội thất” áp dụng cho 60 sinh viên năm thứ 3 hệ đại học chính quy, ngành Thiết kế Nội thất Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, từ năm học 2018-2019 đến năm học 2021-2022. Bài viết trình bày các phương pháp dạy học linh hoạt và phù hợp với đặc thù của học phần – Giảm thời lượng thuyết trình lý thuyết, điều chỉnh quy mô và khối lượng bài tập nhỏ, tạo điều kiện cho sinh viên tự học, tự nghiên cứu và ứng dụng lý thuyết vào thể hiện bài tập; Phát huy mạnh mẽ tính chủ động của người học – Thay đổi và làm phong phú các hình thức giao bài tập, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận và tự trau dồi học hỏi từ các nguồn tài liệu thực tế khác; Khai thác triệt để công nghệ thông tin và truyền thông mới – Áp dụng bổ sung phần mềm mới vào thực hành thiết kế chiếu sáng trên máy tính, và tổ chức các buổi tọa đàm; Vận dụng lý thuyết vào thực hành – Tạo điều kiện để sinh viên thực hành thiết kế và thi công các dự án chiếu sáng trong thực tế với quy mô nhỏ tại xưởng trường. Chương trình thí điểm phương pháp dạy học áp dụng từ năm học 2018-2019 đến năm học 2020-2021 đạt được kết quả: Năm học 2020-2021, khảo sát ý kiến sinh viên bằng phiếu câu hỏi về hiệu quả của phương pháp dạy học mới nhận được phản hồi tích cực từ sinh viên _ Đa số sinh viên tán thành áp dụng các giải pháp thí điểm đổi mới phương pháp dạy học; Sinh viên được cải thiện năng lực tự học, tự nghiên cứu, chuyển biến từ học thụ động sang học chủ động, sáng tạo; Nâng cao chất lượng điểm trung bình kết thúc học phần (TBKTHP) so với các năm học chưa áp dụng thí điểm – Điểm TB chung KTHP tăng từ trung bình lên khá và giỏi, số sinh viên đạt điểm TBKTHP loại giỏi tăng cao. Tiếp tục tiến hành thí điểm các giải pháp đề xuất trong năm học 2021-2022.

Learn More

Đào tạo trực tuyến dưới góc nhìn của giảng viên và sinh viên: nghiên cứu trường hợp Đại học Quốc gia Hà Nội

Đào tạo trực tuyến dưới góc nhìn của giảng viên và sinh viên: nghiên cứu trường hợp Đại học Quốc gia Hà Nội

Thuật ngữ đào tạo trực tuyến (Elearning – viết tắt của Electronic Learning) dùng để mô tả việc học tập, đào tạo dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông. Trong những năm gần đây, thuật ngữ này đã dần trở nên quen thuộc. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid vẫn đang diễn biến phức tạp thì việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học càng được triển khai rộng rãi hơn. Bài báo này tập trung tìm hiểu về đào tạo trực tuyến tại Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) thông qua việc khảo sát trực tuyến bằng bảng hỏi 93 giảng viên và 971 sinh viên đến từ các Trường thành viên, và các Khoa trực thuộc. Kết quả thu được cho thấy các giảng viên và sinh viên tham gia rất đa dạng các nền tảng dạy học trực tuyến khác nhau, cùng với đó các giảng viên đã áp dụng việc dạy học trực tuyến vào nhiều học phần ở các khối kiến thức khác nhau. Dù vẫn còn gặp phải một số khó khăn liên quan đến cơ sở vật chất và việc làm quen với cách thức dạy học mới nhưng nhìn chung việc dạy học trực tuyến đã được chấp nhận bởi các giảng viên, sinh viên và đem lại những ảnh hưởng tích cực đến hoạt động giảng dạy, học tập tại ĐHQGHN.

Learn More

Triển khai giảng dạy học phần phù hợp với nhu cầu và mức độ hài lòng của người học

Triển khai giảng dạy học phần phù hợp với nhu cầu và mức độ hài lòng của người học

Với mục đích đánh giá ảnh hưởng của của hoạt động triển khai học phần tới mức độ hài lòng của người học tại Đại học Quốc gia Hà Nội – thông qua đó đánh giá chất lượng hoạt động đào tạo dưới góc nhìn của người học, tác giả đã thực hiện nghiên cứu khảo sát dựa trên 22 biến quan sát về hoạt động triển khai đào tạo và 01 biến phụ thuộc về mức độ hài lòng của người học về học phần. Phân tích kết quả khảo sát mẫu 3000 người học lựa chọn từ dữ liệu do các đơn vị đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội khảo trong học kỳ II năm học 2019-2020 cho thấy mô hình hồi quy giữa các 5 nhóm yếu tố về hoạt động triển khai học phần đã giải thích 67,4% sự thay đổi trong mức độ hài lòng của người học. Trong đó, mức độ hài lòng của người học đối với học phần phụ thuôc lớn nhất vào Triển khai hoạt động giảng dạy và kiểm tra đánh giá (23,9%); tiếp đến là Phương pháp kiểm tra đánh giá (23,3%); sau đó là Phương pháp giảng dạy (16,8%) và Nội dung học phần (13,9%); cuối cùng là cơ sở vật chất phục vụ học phần (10,8%).

Learn More

Tiếp cận mới trong công nghệ quản lý và chia sẻ bài giảng điện tử theo chuẩn E-Learning CMI5

Tiếp cận mới trong công nghệ quản lý và chia sẻ bài giảng điện tử theo chuẩn E-Learning CMI5

Dưới ảnh hưởng sâu sắc từ sự phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ của thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0, cùng với tác động mạnh mẽ của dịch bệnh COVID-19 hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đã và đang tích cực xây dựng bổ sung các phương thức dạy học phi truyền thống như phương thức trực tuyến (E-learning) hoặc phương thức kết hợp (Blended learning) để thích ứng với bối cảnh giáo dục mới. Thậm chí, bên cạnh việc thể hiện khả năng ứng phó kịp thời trong tình hình mới, phương thức đó còn là cơ hội để các cơ sở giáo dục đại học mở rộng phạm vi hoạt động các chương trình đào tạo của họ, tiếp cận tới đông đảo số lượng người học không chỉ trong nước mà còn vươn ra tầm quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình này các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam gặp phải nhiều thách thức khác nhau, trong đó thách thức lớn nhất phải kể đến việc lựa chọn hệ thống và cách thức triển khai nền tảng dạy học trực tuyến như: quản lý và xây dựng bài giảng điện tử, quản lý tiến trình học tập trực tuyến của sinh viên, hạn chế của các thiết bị phần cứng cũng như sự không đồng bộ thống nhất của các hệ thống phần mềm hỗ trợ đào tạo trực tuyến. Trong phạm vi bài báo này, chúng tôi nghiên cứu tổng quan về mô hình đào tạo trực tuyến, phân tích ưu nhược điểm của các chuẩn E-learning, đánh giá mô hình quản lý và chia sẻ bài giảng điện tử hiện nay, đồng thời nhìn nhận từ thực tiễn Đại học Quốc gia Hà Nội, từ đó đề xuất công nghệ quản lý và chia sẻ bài giảng điện tử theo tiếp cận mới tại Đại học Quốc gia Hà nội nói riêng và các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam nói chung.

Learn More

Nâng cao chất lượng giáo dục đại học thông qua học tập tự định hướng

Nâng cao chất lượng giáo dục đại học thông qua học tập tự định hướng

Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu khái niệm, bản chất, các giai đoạn phát triển học tập tự định hướng và cấu trúc học tập tự định hướng ở trường đại học, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy học tập tự định hướng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Thông qua phương pháp nghiên cứu định tính cho thấy, học tập tự định hướng là một cấu trúc đa chiều, thể hiện một quá trình học tập mang tính cá nhân, có mục đích và phát triển. Mô hình học tập tự định hướng ở trường đại học là cấu trúc lấy sinh viên và quá trình học tập làm trung tâm nhưng trong mối quan hệ với các nhân tố khác như chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, giảng viên, trợ giảng và các sinh viên khác. Để nâng cao chất lượng dạy và học ở các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, nghiên cứu đề xuất thúc đẩy học tập tự định hướng là một giải pháp phù hợp. Trong đó, cần chú trọng việc xây dựng chương trình đào tạo, thiết kế nhiệm vụ học tập và hình thức kiểm tra, đánh giá nhằm khuyến khích người học tự lập kế hoạch, quản lý, điều chỉnh và phản ảnh về quá trình học tập. Ngoài ra, những gợi ý nhằm hỗ trợ việc dạy và học linh hoạt, cá thể hóa việc học tập để đáp ứng mục tiêu giáo dục và nhu cầu học tập của sinh viên cũng được đề cập ở nghiên cứu này.

Learn More

Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động dạy và học theo tiếp cận đảm bảo chất lượng: nghiên cứu trường hợp Đại học Quốc gia Hà Nội

Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động dạy và học theo tiếp cận đảm bảo chất lượng: nghiên cứu trường hợp Đại học Quốc gia Hà Nội

Đại học Quốc gia Hà Nội đã tham gia kiểm định chất lượng 23 chương trình đào tạo đại học và thạc sĩ theo tiêu chuẩn kiểm định của AUN-QA phiên bản 3.0 (12 chương trình đào tạo) và của Bộ Giáo dục và Đào tạo (11 chương trình đào tạo). Nhóm tác giả đã sử dụng các báo cáo kết quả đánh giá của các chuyên gia để phân tích ưu, nhược điểm của hoạt động dạy và học. Đồng thời, nhóm tác giả tiến hành phỏng vấn 12 giảng viên của Đại học Quốc gia Hà Nội về các mặt tích cực và hạn chế của hoạt động giảng dạy của giảng viên và hoạt động học tập của sinh viên. Sau khi xác định được các ưu điểm và hạn chế của chương trình đào tạo theo đánh giá của các chuyên gia kiểm định trong nước và nước ngoài, nhóm chọn ra 4 hoạt động dạy và học mạnh nhất và 3 hoạt động còn tồn tại nhiều nhất để trình bày trong bài viết. Những điểm mạnh trong hoạt động dạy và học gồm: phương pháp dạy học tích cực, đa dạng, chú trọng việc phát triển kỹ năng mềm và kỹ năng học tập suốt đời của người học; hoạt động dạy và học hỗ trợ và thúc đẩy khả năng nghiên cứu khoa học cho người học; việc thu thập ý kiến phản hồi của các bên liên quan về chất lượng của hoạt động dạy và học được thực hiện thường xuyên và có hệ thống;… Bên cạnh đó cũng còn một vài điểm cần cải tiến như hoạt động dạy và học chưa đáp ứng (chưa tương thích có định hướng với) chuẩn đầu ra; việc sử dụng các công nghệ trong dạy học còn rất hạn chế và chưa có nền tảng e-learning tiêu chuẩn;… Qua kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất các biện pháp đổi mới phương pháp dạy và học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Learn More

Hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Đài Loan, Trung Quốc

Hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Đài Loan, Trung Quốc

Bài viết giới thiệu về hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Đài Loan. Phương pháp phân tích tài liệu được sử dụng để tổng hợp thông tin về quá trình phát triển của hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Đài Loan và những biện pháp đổi mới của hệ thống nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng không mong muốn của hoạt động đảm bảo chất lượng lên các cơ sở giáo dục cũng như tìm kiếm sự cân bằng giữa trách nhiệm giải trình và tự chủ/giữa đảm bảo chất lượng bên ngoài và đảm bảo chất lượng bên trong cho các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, các quy trình thực hành kiểm định chương trình, kiểm định cơ sở giáo dục và quy trình công nhận tự kiểm định cũng được giới thiệu. Các thông tin thu thập được cho thấy hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục đại học của Đài Loan hoạt động một cách tích cực và hiệu quả, mặc dù vẫn tồn tại những ảnh hưởng không mong muốn lên các cơ sở giáo dục. Hơn nữa, Đài Loan đã có những thay đổi kịp thời và hợp lý trong các chính sách đảm bảo chất lượng, đặc biệt như cho phép các cơ sở giáo dục thực hiện tự kiểm định và áp dụng cách tiếp cận không bắt buộc đối với việc kiểm định chương trình đào tạo.

Learn More

Một số đề xuất nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đại học đào tạo mở và từ xa tại Việt Nam trong bối cảnh tự chủ đại học

Một số đề xuất nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đại học đào tạo mở và từ xa tại Việt Nam trong bối cảnh tự chủ đại học

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tự chủ đại học là điều kiện cần thiết để các cơ sở giáo dục đại học thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo. Quyền tự chủ cho phép các trường đại học phát huy tối đa, hiệu quả các nguồn lực của mình để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của nhà trường.
Trên thực tế, các trường đại học tại Việt Nam còn lúng túng trong công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đại học mở và từ xa khi thực hiện cơ chế tự chủ trên phương diện ban hành văn bản nội bộ, sử dụng tài chính, xác định mục tiêu và bồi dưỡng đội ngũ chuyên trách cho công tác bảo đảm chất lượng giáo dục. Trong bài viết này, nhóm tác giả đã khái quát những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện quyền tự chủ và bảo đảm chất lượng đào tạo đại học mở và từ xa tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả bài viết sẽ đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đại học mở và từ xa trong bối cảnh tự chủ đại học tại Việt Nam.

Learn More

Đánh giá mức độ đáp ứng với nghề nghiệp của dược sỹ tốt nghiệp năm 2019 Trường Đại học Dược Hà Nội

Đánh giá mức độ đáp ứng với nghề nghiệp của dược sỹ tốt nghiệp năm 2019 Trường Đại học Dược Hà Nội

Bài viết này làm rõ sự khác biệt về mức độ đạt được kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ, chịu trách nhiệm của Dược sỹ tốt nghiệp năm 2019 (K69) Trường Đại học Dược Hà Nội thông qua việc tự đánh giá năng lực trước khi tốt nghiệp và sau khi tốt nghiệp 1 năm so với yêu cầu của nghề nghiệp. Phiếu hỏi được thiết kế dựa trên Chuẩn đầu ra ngành đào tạo Dược học, trình độ đại học của Trường với 25 tiêu chí, sử dụng thang đo likert 5 mức độ. Phiếu được thử nghiệm trên 50 mẫu, đánh giá độ tin cậy và phân tích nhân tố để hình thành các nhóm biến quan sát. Kết quả khảo sát trên 337 dược sỹ khóa K69 cho thấy đa số các năng lực nhà trường đã trang bị đáp ứng tốt với yêu cầu của nghề nghiệp, đặc biệt là nhóm năng lực liên quan đến chuyên môn. Bên cạnh đó một số năng lực liên quan đến quản lý, điều hành và kỹ năng thuyết trình, viết báo cáo có sự khác biệt khi sinh viên tự đánh giá trước khi tốt nghiệp và sau tốt nghiệp 1 năm so với yêu cầu của nghề nghiệp. Do vậy việc phát triển chương trình đào tạo của Trường nên tiếp cận theo hướng bổ sung đào tạo năng lực về quản lý, điều hành và một số kỹ năng mềm nhằm rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn hành nghề cũng như yêu cầu của người sử dụng lao động.

Learn More

https://unihub.vnu.edu.vn/
https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2016/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2017/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2021/ https://unihub.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2022/