Dưới ảnh hưởng sâu sắc từ sự phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ của thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0, cùng với tác động mạnh mẽ của dịch bệnh COVID-19 hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đã và đang tích cực xây dựng bổ sung các phương thức dạy học phi truyền thống như phương thức trực tuyến (E-learning) hoặc phương thức kết hợp (Blended learning) để thích ứng với bối cảnh giáo dục mới. Thậm chí, bên cạnh việc thể hiện khả năng ứng phó kịp thời trong tình hình mới, phương thức đó còn là cơ hội để các cơ sở giáo dục đại học mở rộng phạm vi hoạt động các chương trình đào tạo của họ, tiếp cận tới đông đảo số lượng người học không chỉ trong nước mà còn vươn ra tầm quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình này các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam gặp phải nhiều thách thức khác nhau, trong đó thách thức lớn nhất phải kể đến việc lựa chọn hệ thống và cách thức triển khai nền tảng dạy học trực tuyến như: quản lý và xây dựng bài giảng điện tử, quản lý tiến trình học tập trực tuyến của sinh viên, hạn chế của các thiết bị phần cứng cũng như sự không đồng bộ thống nhất của các hệ thống phần mềm hỗ trợ đào tạo trực tuyến. Trong phạm vi bài báo này, chúng tôi nghiên cứu tổng quan về mô hình đào tạo trực tuyến, phân tích ưu nhược điểm của các chuẩn E-learning, đánh giá mô hình quản lý và chia sẻ bài giảng điện tử hiện nay, đồng thời nhìn nhận từ thực tiễn Đại học Quốc gia Hà Nội, từ đó đề xuất công nghệ quản lý và chia sẻ bài giảng điện tử theo tiếp cận mới tại Đại học Quốc gia Hà nội nói riêng và các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam nói chung.
